Vì sao giá vàng tăng vọt, có nên xuống tiền đầu tư lúc này?

Cập nhật: 24/09/2024

VOV.VN - Theo Hội đồng Vàng Thế giới, khi các nhà đầu tư tìm cách đối phó với tình hình kinh tế bất ổn thì vàng ngày càng được xem như một biện pháp phòng ngừa rủi ro.

Vì sao giá vàng tăng vọt?

Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho biết, giá vàng đã tăng 3.6% đạt 2.513 USD/ounce trong tháng 8/2024. Ngày 20/8 vừa qua đã chứng kiến giá vàng đạt mức cao nhất mọi thời đại, chạm mốc 2.557 USD/ounce trước khi giảm nhẹ vào cuối tháng.

Theo Mô hình phân bổ lợi nhuận vàng (GRAM) của Hội đồng vàng thế giới, các yếu tố chính thúc đẩy giá vàng tăng là do sự suy yếu của đồng đô la Mỹ và sự trượt dốc của lợi tức trái phiếu kỳ hạn 10 năm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho thấy khả năng nhiều đợt cắt giảm lãi suất sẽ được thực hiện. Tuy nhiên, hiệu suất đầu tư mạnh mẽ của vàng trong tháng 7 đã ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận, vì lợi nhuận cao thường dẫn đến mức tăng thấp hơn trong các giai đoạn tiếp theo.

Hội đồng Vàng Thế giới cho rằng, việc Ấn Độ giảm thuế nhập khẩu vàng gần đây đã làm tăng nhu cầu vàng của nước này, có thể thấy qua nhu cầu mua vàng của các nhà bán lẻ trang sức và người tiêu dùng tăng mạnh. Cùng với đó, các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) được hỗ trợ bằng vàng trên toàn cầu đã ghi nhận ​​dòng tiền chảy vào trong bốn tháng liên tiếp, chủ yếu từ các quỹ đầu tư.

Việc nhà đầu tư thực hiện giao dịch mua và bán vàng quyền chọn – một phân khúc đầu tư ít biến động hơn – đã đạt mức cao nhất trong nhiều năm qua, cho thấy động thái phòng ngừa rủi ro hoặc đầu cơ của các nhà đầu tư đều liên quan đến chu kỳ cắt giảm lãi suất và bầu cử tổng thống Mỹ.

Ông Shaokai Fan, Giám đốc khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) kiêm Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới chia sẻ quan điểm: “Khi các nhà đầu tư tìm cách đối phó với tình hình kinh tế bất ổn này, vàng ngày càng được xem như một biện pháp phòng ngừa rủi ro tức thì đồng thời cũng được hưởng lợi từ tiềm năng lãi suất thấp hơn. Cuộc họp của FED vào tháng cũng sẽ đóng vai trò then chốt trong việc định hình tâm lý và kỳ vọng của thị trường. Bất kể kết quả bầu cử ra sao, các điều kiện thuận lợi đối với vàng được dự đoán sẽ tiếp tục được duy trì.”

Trên thị trường thế giới hôm nay (24/9, theo giờ Việt Nam), giá vàng giao dịch trên sàn Kitco ở mức 2.624,8 USD/oz, tăng 4,3 USD/oz so với phiên giao dịch liền trước. Quy đổi giá vàng thế giới theo tỷ giá ngoại tệ tại Vietcombank sáng 24/9: 1 USD = 24.800 VND, giá vàng thế giới tương đương 78,42 triệu đồng/lượng.

Còn tại thị trường Việt Nam, giá vàng miếng hôm nay cũng SJC tăng mạnh 1,5 triệu đồng/lượng lên mốc 83,5 triệu đồng/lượng. Vàng nhẫn cũng tiến sát mốc 82 triệu đồng/lượng.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ số giá vàng tháng 8/2024 tăng 1,93% so với tháng trước; tăng 20,4% so với tháng 12/2023; tăng 31,05% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân 8 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 25,54%.

Có nên mua vàng lúc này?

Theo chia sẻ của TS. Nguyễn Trí Hiếu – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và phát triển thị trường tài chính - bất động sản Toàn Cầu, giá vàng thế giới có thể chạm ngưỡng 3.000 USD/ounce từ nay đến năm 2025. Khi giá vàng thế giới tăng, giá vàng nhẫn trong nước cũng được dự báo tăng mạnh theo.

TS. Hiếu phân tích: Giá vàng thế giới tác động bởi nhiều yếu tố trên thị trường tài chính thế giới. FED đã chính thức giảm lãi suất 0,5% sau nhiều năm tăng lãi suất để chống lạm phát. Việc giảm lãi suất của FED đã đẩy giá vàng lên. Trong khi đó, USD Index cũng đang ở ngưỡng trì trệ. Chính vì giá trị đồng đô la Mỹ giảm xuống, giá vàng lại có đà tăng lên.

Bên cạnh việc FED xoay chiều chính sách tiền tệ còn một số yếu tố khác đẩy giá vàng lên là vấn đề địa chính trị, xung đột cục bộ một số khu vực. Nhiều ngân hàng trung ương ở một số nước trên thế giới cũng đang tích cực mua vàng và coi vàng là một tài sản dự trữ quốc gia. Ngoài ra, tâm lý của các nhà đầu tư kỳ vọng vàng trong xu hướng tăng khiến họ mua vàng tích trữ. Hàng loạt các yếu tố đó đẩy giá vàng thế giới tăng tới mốc 2600 USD/ounce.

Cũng theo ông Hiếu, giá vàng thế giới được vận hành theo cung cầu, không ai có thể kiểm soát được. Điều này khác với thị trường vàng của Việt Nam. Việt Nam hiện có hai phân khúc vàng được nhà đầu tư quan tâm là vàng miếng và vàng nhẫn. Vàng miếng đang nằm trong chính sách bình ổn giá. Thời gian vừa qua, NHNN đã thực hiện nhiều biện pháp để kéo giá vàng miếng từ 92 triệu đồng/lượng xuống còn khoảng 80 triệu đồng/lượng. Còn vàng nhẫn không đặt trong diện bình ổn giá, vẫn vận hành theo quy luật cung cầu.

Do đó, dù giá vàng thế giới tăng, vàng miếng trong nước sẽ khó tăng mạnh do nguồn cung và giá vàng đang trong diện kiểm soát. Còn giá vàng nhẫn vẫn có xu hướng tăng do cơ chế vận hành tương đối theo quy luật cung cầu.

TS. Hiếu cho rằng, nếu vàng nhẫn xảy ra tình trạng “sốt” thì sẽ có thể nằm trong diện bình ổn giá như vàng miếng. Thế nên, nhà đầu tư nên cẩn trọng với việc đầu tư vàng, cả vàng miếng lẫn vàng nhẫn. “Thi trường vàng miếng đang được đặt vào chương trình ổn định giá và đang được kiểm soát. Liệu vàng nhẫn cũng sẽ được kiểm soát chăng? Chúng ta cần tiếp tục theo dõi thị trường vàng và chính sách quản lý thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước”, ông Hiếu gợi ý.

Từ khóa: giá vàng, giá vàng, giá vàng tăng, đầu tư vàng, Hội đồng Vàng Thế giới, giá vàng thế giới

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: trần ngọc/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập