Đã có 535 tổ chốt chặn tại tuyến đường biên giới được thành lập, trực 24/24 giờ tại các điểm giáp biên nhằm kiểm soát dịch Covid-19.
Từ khidịch Covid-19bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), lực lượng biên phòng đã vào rừng cắm chốt dọc đường biên giới để kiểm soát người qua lại, ngăn bệnh dịch tràn vào Việt Nam.
Vì sao dịch Covid-19 không thể tràn vào Việt Nam qua đường biên giới,phóng viênđã có cuộc trao đổi với Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó chủ nhiệm Chính trịBộ đội Biên phòng, về nỗ lực chặn đứng dịch Covid-19 của lực lượng biên phòng tại vùng biên.
Đại tá Văn Ngọc Quế, Phó chủ nhiệm Chính trị Bộ đội Biên phòng
Hơn 500 tổ công tác chốt chặn trên biên giới
PV: Thưa ông, khi dịch Covid-19 bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), nhiều người lo ngại Việt Nam cũng sẽ bùng phát dịch vì chúng ta có 7 tỉnh giáp biên và nhiềungười lao độngở Trung Quốc sẽ "mang dịch" về qua biên giới. Đến nay, rất mừng là chưa phát hiện một tỉnh biên giới nào có dịch, ông có thể cho biết vì sao?
Đại tá Văn Ngọc Quế:Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với nguồn dịch từ Trung Quốc, Cục Chính trị Bộ đội Biên phòng đã quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, biện pháp của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, chỉ đạo lực lượng biên phòng các tỉnh tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc tăng cường hoạt động chống dịch.
Hơn 500 chốt kiểm dịch Covid-19 đã được lập ở các đường mòn, lối mở giáp biên
Chúng tôi thực hiện việc điều chỉnh dây chuyền kiểm soát nhập cảnh, với việc bố trí lực lượng kiểm dịch lên vị trí đầu tiên của dây chuyền để kiểm tra, kiểm soát hành khách nhập cảnh, kịp thời phát hiện xử lý các trường hợp nghi nhiễm.
Đặc biệt, ngay từ mùng 3tết Nguyên đánCanh tý (ngày 27.1) đến nay, chúng tôi đã tăng cường lực lượng tổ chức chốt chặn trên biên giới, kiên quyết ngăn chặn các hoạt động xuất nhập cảnh qua đường mòn, lối mở, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu tuyên truyền cho nhân dân, hành khách qua lại về dịch bệnh, từ chối nhập cảnh vào Việt Nam đối với các khách nước ngoài có biếu hiện mắc bệnh.
Các chiến sĩ biên phòng đi tuần tra để kiểm soát việc người dân đi về từ đường mòn, lối mở.
PV: Xin ông cho biết, qua việc tuần tra kiểm soát đã phát hiện bao nhiêungười Việt Namvề qua các đường mòn, lối mở và xử lý như thế nào?
Đại tá Văn Ngọc Quế: Trong khoảng 1 tháng qua, trên toàn tuyến biên giới có 1.544.701 lượt người xuất, nhập cảnh qua biên giới, trong đó tuyến Việt Nam - Trung Quốc có 361.232 lượt nhập cảnh và 348.100 lượt người xuất cảnh, nhất là khách nhập cảnh từ vùng có dịch ở Trung Quốc về qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc.
Đó là số người đi lại hợp pháp, còn trên các tuyến đường mòn, lối mở giáp biên thì rất nhiều lao động ở Việt Nam sang làm việc ở Trung Quốc đã trở về tránh dịch. Trong thời gian qua, chúng tôi đã bàn giao khoảng 6.000 người dân về trên những tuyến đường này cho các cơ quan chức năng đưa đi cách ly theo quy định.
Hàng nghìn chiến sĩ biên phòng cắm chốt cả tháng trong rừng
PV: Ông có thể cho biết công tác chống dịch Covid-19 từ đường biên đã diễn ra như thế nào?
Đại tá Văn Ngọc Quế: Chúng tôi thành lập 535 tổ chốt chặn tại tuyến đường biên giới, với hơn 2.800 cán bộ, chiến sĩ, cùng các lực lượng kiểm dịch, công an, hải quan… trực 24/24 giờ tại các điểm giáp biên. Họ đã canh chừng bất kể mưa nắng để ngăn chặn không cho người dân hai bên xuất nhập cảnh trái phép qua các đường mòn, lối mở.
Rất nhiều cán bộ chiến sĩ của chúng tôi đã nằm rừng từ Tết Nguyên đán đến nay chưa được về nhà. Họ phải chịuthời tiếtkhắc nghiệt và thiếu thốn trong sinh hoạt. Chúng tôi phải chỉ đạo 7 tỉnh biên giới phía Bắc mua tủ sấy quần áo, bảo đảm cho các tổ chốt chặn tại các đường mòn, lối mở có thể đủ quần áo dùng, đảm bảo sức khỏe.
Đặc biệt, chúng tôi đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về dịch bệnh. Trong 1 tháng qua, chúng tôi tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân được 1.682 buổi với 75.020 lượt người nghe về dịch bệnh và biện pháp phòng, chống lây nhiễm, lan truyền dịch bệnh trên địa bàn; phát 29.060 tờ rơi cho nhân dân khu vực biên giới…
Đồng thời, cán bộ chiến sĩ biên phòng đến từng gia đình có người đi lao động ở nước ngoài để nắm tình hình và tuyên truyền vận động bà con rằng: "Nếu người nhà về thì phải báo với bộ đội biên phòng, nếu không, dịch có thể lây lan, người có thể chết".
Cán bộ chiến sĩ biên phòng động viên bà con trở về từ biên giới đang được cách ly theo dõi sức khỏe.
PV: Thưa ông, việc chống dịch có thể còn kéo dài, theo ông cần làm gì để công tác phòng chống dịch ở biên giới tiếp tục có hiệu quả?
Đại tá Văn Ngọc Quế:Một trong những khó khăn chính hiện nay là việc trang bị hóa chất phòng dịch, tài liệu tuyên truyền còn thiếu so với nhu cầu tại các đơn vị (khẩu trang, trang phục chống dịch, nhiệt kế hồng ngoại...). Việc mua sắm các mặt hàng trên gặp nhiều khó khăn do thị trường khan hiếm.
Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã có công văn đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Bộ Quốc phòng nhưng lượng trang bị và cung cấp chưa đủ. Đặc biệt,kỹ thuật xét nghiệmCovid-19 còn chậm, ít cơ sở thực hiện được.
Điều kiện địa hình khu vực biên giới phía Bắc hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, các điểm chốt, chặn của bộ đội biên phòng chủ yếu là các lều bạt dã chiến, điều kiện ăn ở, sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn... Bên cạnh đó, đường biên giới dài, nhiều đường mòn qua biên giới, một bộ phận không nhỏ người dân tâm lý sợ khi về nước sẽ phải tập trung cách ly 14 ngày nên tìm mọi cách lẩn tránh, khiến cơ quan chức năng rất khó khăn cho công tác kiểm soát, ngăn chặn triệt để các hoạt động qua lại biên giới trái phép…
Các chiến sĩ biên phòng vào rừng để cắm chốt hàng tháng để góp phần chống dịch Covid- 19.
Vì vậy, chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình dịch bệnh, phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện tốt các biện pháp ngăn chặn dịch từ biên giới.
Tuy nhiên chúng tôi mong muốn Chính phủ, các Bộ ngành trang cấp đầy đủ thiết bị y tế phòng dịch cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ trên biên giới, cửa khẩu; đồng thời quan tâm nghiên cứu, có chế độ, chính sách phù hợp đối lực lượng nằm rừng, để kịp thời động viên anh em trong nhiệm vụ chống dịch ở đường biên.