Vì sao Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông chưa phát huy tiềm năng du lịch?
Cập nhật: 2 giờ trước
VOV.VN - Tổ chức UNESCO đã ghi nhận lại danh hiệu “Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông” cho giai đoạn 2024-2027. Tuy vậy, Đắk Nông còn rất nhiều việc phải làm để phát huy giá trị di sản tại khu vực Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, sao cho tạo bước phát triển mới, mở ra cơ hội thu hút các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có diện tích 4.760 km2, trải rộng trên 6 huyện, thành phố của tỉnh. Nơi đây có hệ thống hang động núi lửa lớn nhất Đông Nam Á, có di chỉ khảo cổ người tiền sử rất hiếm gặp trong các hang động núi lửa trên thế giới. Đây là vùng đất đa sắc màu văn hóa của hơn 40 dân tộc, một phần trong “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" đã được UNESCO ghi danh. Các khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung, Vườn quốc gia Tà Đùng, rừng đặc dụng cảnh quan Đray Sáp lưu trữ những giá trị đặc trưng về đa dạng sinh học cùng rất nhiều thắng cảnh đẹp…
Mỗi tuần đưa 2-3 đoàn khách đến Krông Nô - vùng lõi Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, bà Lý Mai Ly - chủ cơ sở du lịch homestay Tơng Ju (tỉnh Đắk Lắk), vui vẻ cho biết vùng đất này có sự hấp dẫn đặc biệt với du khách cả trong nước và quốc tế.
“Tôi đã hỗ trợ nhiều đoàn về Krông Nô du lịch. Đầu tiên là mô hình tắm rừng, đó không phải tắm suối tắm thác mà là dành cho những người tìm về thiên nhiên, đi bộ dưới tán rừng nguyên sinh, lắng nghe tiếng suối tiếng thác. Thứ hai là trải nghiệm hang núi lửa, người già nhất 76 tuổi, bé nhất là 2 tuổi, mà họ đều vào được tới hang có di tích người tiền sử, là hang C3 và hang C6”.
Những trải nghiệm riêng có tại Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông để lại ấn tượng mạnh với nhà nghiên cứu Phạm Thị Trầm, Viện Địa lý nhân văn – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: “Tiềm năng về du lịch rất đặc sắc, có sản phẩm du lịch mạo hiểm, vào hang, tham quan cánh đồng lúa, đặc biệt là du lịch văn hóa. Bên cạnh đó thì có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp có thể phát triển cung cấp cho du khách. Riêng cá nhân tôi đã rất nhiều lần khi vào Krông Nô thì đều mua gạo từ đấy mang về Hà Nội. Thực sự rất là ấn tượng”.
Điều tiếc nuối của du khách khi đến với Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là nơi này chưa có nhiều dịch vụ để họ có thể ở lại dài ngày. Ông Lê Văn Hà, Viện Địa lý nhân văn – Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng cơ sở lưu trú còn thiếu, chưa có những cửa hàng đặc sản địa phương, hạ tầng kết nối chưa tốt, du lịch Krông Nô, Đắk Nông vẫn rất manh mún, tự phát. Địa phương cần có những chính sách để liên kết bài bản các hộ gia đình, hợp tác xã và doanh nghiệp, cùng phát huy thế mạnh riêng có của vùng di sản công viên địa chất toàn cầu, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù.
“Ở Krông Nô, tôi thấy mới có các hộ nhỏ lẻ, tự làm thử nghiệm thôi. Thứ hai là các hợp tác xã thì chưa làm được, thứ ba quan trọng nhất là doanh nghiệp cũng chưa có. Bây giờ muốn làm được du lịch thì phải liên kết các chủ thể này”, ông Lê Văn Hà cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Danh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô thừa nhận du lịch vùng lõi Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông vẫn ở dạng tiềm năng chờ khai thác. Hiện những vướng mắc liên quan đến quy hoạch, đến đất rừng đã được tháo gỡ, địa phương đang từng bước xây dựng các mô hình du lịch, rất cần sự đầu tư bài bản từ doanh nghiệp.
“Chúng tôi có lúa gạo Buôn Chóa, bơ núi lửa, các loại trái cây Krông Nô, rồi sâm cau… là các mô hình mà chúng tôi đang làm. Vấn đề nữa là khai thác tạm thời một số hang động làm du lịch, huyện cũng đang xin hướng dẫn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Nông”, ông Nguyễn Xuân Danh nói.
Thiếu nguồn lực và lo ngại vi phạm các quy định quản lý di sản địa chất là những rào cản khiến các địa phương ở Đắk Nông chưa thể phát huy thế mạnh từ danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO.
Về việc này, PGS.TS Trần Tân Văn, thành viên Ban tư vấn Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu UNESCO gợi ý: “Khoanh vùng các di tích, di sản để chúng ta đưa vào bảo tồn và phát triển du lịch; còn những diện tích khác thì hoàn toàn có thể phát triển kinh tế một cách bình thường thân thiện với cộng đồng, thân thiện môi trường. Các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của các huyện thì phải gắn với công viên địa chất”.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho biết tỉnh đã có các chính sách hỗ trợ hộ gia đình, cộng đồng người dân tộc thiểu số bảo tồn văn hóa truyền thống, xây dựng mô hình homestay. Các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư cũng đã thông thoáng. Tỉnh đã lập trang du lịch số, qua điện thoại sẽ dẫn đường du khách đến với tất cả các điểm trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, có thuyết minh cụ thể.
“Câu chuyện rất hay mà chúng tôi gắn với công viên địa chất của mình đó là theo 3 tuyến du lịch: Trường ca lửa và nước, Bản giao hưởng của làn gió mới, Âm vang từ Trái Đất và mỗi tuyến đi theo chủ đề này lại gắn với từng địa điểm cụ thể. Chúng tôi đang sở hữu một tài sản rất lớn, vừa trực quan trước mắt đẹp và thơ mộng nhưng vừa có giá trị về khoa học để có thể phục vụ đủ các loại hình du lịch. Do đó chúng tôi đang kêu gọi đầu tư, những nhà đầu tư đủ tâm, đủ tầm để có thể phát triển du lịch tại đây”, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết thêm.
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông là nơi hội tụ các giá trị tiêu biểu về địa chất địa mạo, khảo cổ, văn hóa và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực. Hy vọng những di sản này sẽ nhanh chóng được phát huy, để Đắk Nông vươn lên mạnh mẽ, phấn đấu trở thành tỉnh phát triển khá vào năm 2030 của vùng Tây Nguyên như mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XII.
Từ khóa: Đắk Nông, du lịch Đắk Nông ,huyện Krông Nô,công viên địa chất toàn cầu,công viên địa chất unesco,UNESCO Đắk Nông
Thể loại: Công chúng của VOV
Tác giả: minh huệ/vov-tây nguyên
Nguồn tin: VOVVN