Vì sao chip toàn cầu thiếu hụt trầm trọng khiến giới công nghệ lao đao?
Cập nhật: 02/04/2021
VOV.VN - Giao xe bị trì hoãn, thiếu hụt nguồn cung thiết bị gia dụng hay smartphone,…các doanh nghiệp và người tiêu dùng trên toàn cầu đang phải đối mặt với sự thiếu hụt chưa từng có trong vi mạch bán dẫn.
Sự thiếu hụt bắt nguồn từ sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm việc các nhà sản xuất ô tô phải đóng cửa nhà máy trong đại dịch Covid-19 vào năm ngoái cũng như cạnh tranh chip cho các thiết bị điện tử tiêu dùng tăng mạnh.
Người tiêu dùng cũng mua nhiều máy tính xách tay, máy chơi game và các sản phẩm điện tử khác trong thời kỳ đại dịch dẫn đến lượng hàng tồn kho ngày càng eo hẹp. Họ cũng mua nhiều ô tô hơn khiến nguồn cung tiếp tục căng thẳng.
Chưa dừng lại ở đó, các lệnh trừng phạt đối với các công ty công nghệ Trung Quốc càng làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Ban đầu tập trung vào ngành công nghiệp ô tô, sự thiếu hụt giờ đây đã lan sang một loạt các thiết bị điện tử tiêu dùng khác, bao gồm smartphone, tủ lạnh và lò vi sóng.
Sự thiếu hụt đã làm giảm công suất và đẩy chi phí các thành phần liên quan đến vi mạch lên dẫn đến việc tăng giá thành sản phẩm cuối cùng.
Ngành công nghiệp ô tô ngày càng phụ thuộc vào chip khi nó sử dụng cho mọi thứ, từ quản lý động cơ bằng máy tính để tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn đến các tính năng hỗ trợ người lái như phanh khẩn cấp.
Cuộc khủng hoảng đã buộc nhiều công ty phải cắt giảm việc sản xuất các loại xe ít sinh lời hơn. Ford và General Motors là một trong những nhà sản xuất ô tô lớn cho biết họ sẽ giảm quy mô sản xuất, bên cạnh các nhà sản xuất ô tô khác gồm Volkswagen, Subaru, Toyota và Nissan.
Theo công ty dữ liệu IHS Markit, việc thiếu hụt chip bán dẫn ô tô có thể ảnh hưởng đến gần 1,3 triệu đơn vị sản xuất xe hạng nhẹ toàn cầu trong quý đầu tiên. IHS cho biết vụ hỏa hoạn tại một nhà máy sản xuất chip của Nhật Bản thuộc sở hữu của Renesas Electronics - công ty chiếm 30% thị trường toàn cầu về các bộ vi điều khiển được sử dụng trong ô tô, đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Thời tiết mùa đông khắc nghiệt ở Texas cũng đã buộc Samsung Electronics, NXP Semiconductors và Infineon phải tạm thời đóng cửa các nhà máy. Infineon và NXP là những nhà cung cấp chip ô tô lớn và các nhà phân tích tin rằng sự gián đoạn sẽ làm tăng thêm sự thiếu hụt trong lĩnh vực đã vốn ốm yếu.
Việc đầu tư quá ít vào các nhà máy sản xuất chip 8 inch, với phần lớn thuộc sở hữu của các công ty châu Á đã khiến họ phải vật lộn để tăng cường sản xuất khi nhu cầu về điện thoại và máy tính xách tay 5G tăng nhanh hơn dự kiến.
Qualcomm, công ty cung cấp chip trong điện thoại Samsung, là một trong những nhà sản xuất chip lớn đang vật lộn để theo kịp nhu cầu. Foxconn cũng cảnh báo về tình trạng thiếu chip ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cho khách hàng.
Phần lớn hoạt động sản xuất chip hiện đang diễn ra ở châu Á, nơi các nhà sản xuất theo hợp đồng lớn như TSMC và Samsung đảm nhận sản xuất cho hàng trăm công ty chip khác nhau. Các công ty bán dẫn của Mỹ chiếm 47% doanh số bán chip toàn cầu, nhưng chỉ 12% sản xuất toàn cầu được thực hiện tại quốc gia này.
Các nhà máy sản xuất tấm wafer tiêu tốn hàng chục tỷ USD để xây dựng và việc mở rộng công suất của họ. Trước khi đưa các nhà máy sản xuất wafer đi vào hoạt động chính thức, họ cần phải mất một năm cho hoạt động thử nghiệm.
Nhằm giải quyết tình hình thiếu chip hiện nay, tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký quyết định chi gói hỗ trợ 37 tỷ USD nhằm thúc đẩy tăng cường sản xuất chip tại nước này. Có 4 nhà máy mới được đặt tại nước này, bao gồm hai nhà máy của Intel, một nhà máy của TSMC ở Arizona và một nhà máy khác của Samsung ở Texas.
Trong bối cảnh khác, chính quyền Trung Quốc cũng đã cung cấp vô số gói trợ cấp cho ngành công nghiệp chip khi nước này cố gắng giảm sự phụ thuộc vào công nghệ phương Tây.
Hy vọng rằng những động thái tích cực từ các quốc gia đi đầu trong ngành công nghiệp bán dẫn sẽ giúp nhanh chóng giải quyết tình trạng thiếu hụt chip trầm trọng như hiện nay./.
Từ khóa: công nghiệp bán dẫn, thiếu hụt chip, Covid-19, thiên tai
Thể loại: Khoa học - Công nghệ
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN