Vì sao cán bộ bị kỷ luật, uy tín giảm sút khó từ chức?
Cập nhật: 27/09/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Chức vụ thường gắn với quyền lực, gắn với bổng lộc, lợi lộc nên không dễ gì khiến cán bộ mắc sai phạm bị kỷ luật rời bỏ “ghế” của mình.
Mới đây, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Thông báo số 20 Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Trong đó có điểm đáng chú ý là Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.
Định hướng này của Bộ chính trị được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ cũng như kỳ vọng đây sẽ là liều thuốc hiệu nghiệm để thay đổi tâm lý “tham quyền cố vị”, để việc “nhường ghế” trở thành văn hóa, thể hiện sự tự trọng của cán bộ, đảng viên.
Theo TS Lê Trung Kiên - Giảng viên Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh), Kết luận của Bộ Chính trị phản ánh đúng quy luật “có vào, có ra”, “có lên, có xuống” trong công tác cán bộ. Đồng thời thể hiện sự lãnh đạo thống nhất, sát với thực tế hiện nay, bởi vì có hiện tượng cán bộ bị xử lý kỷ luật xong lại được cất nhắc ở vị trí tương đương, thậm chí sau một thời gian lại được “nâng đỡ” thăng chức, dù cán bộ đó chưa “tròn vai”.
Chủ trương này cũng phản ánh tính nghiêm minh, là căn cứ thực thi trong công tác cán bộ, tránh hiện tượng “đặc quyền”, “nể nang”, bệnh “cánh hẩu” như khi sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra trong cơ quan công quyền.
“Chủ trương này góp phần củng cố niềm tin cho nhân dân và đội ngũ cán bộ về quy trình, quy chuẩn trong công tác cán bộ của Đảng; có ý nghĩa sâu sắc khi cán bộ được cất nhắc cần phải “thanh khiết”, có trách nhiệm chính trị và đạo đức công vụ để đảm trách tốt vị trí công tác. Khi cán bộ mắc vi phạm, bị kỷ luật và không còn uy tín chính trị nữa thì nên thể hiện văn hoá từ chức nhằm giữ nghiêm kỷ luật trong tổ chức Đảng và kỷ cương của xã hội” – TS Lê Trung Kiên cho biết.
Cùng chung quan điểm, ông Lê Thanh Vân (ĐBQH khóa 15) cho rằng, cán bộ vi phạm kỷ luật mà chưa đến mức bị xử lý hình sự thì họ vẫn có thể tiếp tục đảm nhiệm các vị trí trong cơ quan. Nếu họ không tự giác xin rút lui khỏi vị trí đang đảm nhiệm thì rất khó thay thế họ theo các quy định pháp lý. Do vậy, chủ trương của Bộ Chính trị khuyến khích những người bị kỷ luật, thấy thanh danh có vấn đề, uy tín giảm sút thì không nên “bấu víu” chức vụ mà nên tự giác từ chức.
“Chủ trương khuyến khích cán bộ từ chức thực ra là mở cho họ con đường nhẹ nhàng nhất, đồng thời đây cũng là lời khuyên, khơi dậy sự liêm sỉ trong cán bộ để họ tự giác rời “ghế”. Còn nếu họ không tự giác thì sẽ bị miễn nhiệm”- ông Lê Thanh Vân nêu ý kiến.
Nhắc con số cán bộ bị kỷ luật từ đầu nhiệm kỳ XIII đến nay liên tục tăng nhưng điều trái ngược là người dân chưa thấy cá nhân nào công khai tuyên bố từ “ghế” vì thanh danh đã hoen ố, khó hoàn thành vai trò lãnh đạo, quản lý, ông Lê Thanh Vân cho rằng, đây là một thực tế nhức nhối, ảnh hưởng lòng tin của nhân dân với Đảng.
Theo vị đại biểu Quốc hội, gốc rễ của việc công bộc của dân khi bị kỷ luật khó nói lời từ chức là do lòng tự trọng của họ còn thấp. Thế mới dẫn đến chuyện không ít người bị cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng vẫn “giữ ghế” hoặc được điều động đến một cơ quan khác với chức vụ tương đương, thậm chí giữ nguyên chức vụ.
Xét về mặt tâm lý, khi cán bộ lãnh đạo đã “dính chàm” mặc dù chưa đến mức kỷ luật nặng nhưng trong con mắt của cấp dưới, họ sẽ không tâm phục, khẩu phục. Do đó, mọi sự điều hành, quản lý trong cơ quan khó mà diễn ra trôi chảy.
“Trong hệ thống công quyền, bản thân một cán bộ cấp trên không đủ đức, tài, nhưng vẫn cố bám víu chức vụ thì cấp dưới đã không phục rồi, huống gì những người có “vết”, tuy chưa đến mức phải xử lý hình sự nhưng cũng có nghĩa uy tín, danh dự của họ đã không còn trong con mắt của cấp dưới” – ông Lê Thanh Vân bày tỏ.
Bàn về nội dung này, ông Vũ Văn Phúc – Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng, sở dĩ nhiều cán bộ, công chức bị kỷ luật nhưng không từ chức xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể đến tâm lý của người phương Đông, nhất là người Việt Nam chưa coi đây là chuyện bình thường nên tâm lý vẫn rất nặng nề. Ở Việt Nam có quan niệm “một người làm quan, cả họ được nhờ”, nên nhiều người phấn đấu cả đời mới được chức nọ, chức kia, thậm chí phải “chạy chọt” mới được chức. Hơn nữa, chức vụ thường gắn với quyền lực, gắn với bổng lộc, lợi lộc nên không dễ gì khiến họ rời bỏ “ghế” của mình.
Trên thực tế, khi cán bộ mắc sai phạm sẽ bị xem xét kỷ luật đồng thời về mặt Đảng và kỷ luật hành chính. Nếu sai phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xử lý. Song trên thực tế, có trường hợp chưa đến mức phải kỷ luật mức nặng, họ mới dừng ở kỷ luật cảnh cáo, khiển trách. Về lý, sau khi bị kỷ luật khiển trách, cảnh cáo thì cán bộ vẫn được giữ cương vị như cũ. Tuy nhiên, trong thông báo 20 Kết luận của Bộ Chính trị lần này đưa ra chủ trương, mặc dù cán bộ bị kỷ luật chưa đến mức cách chức, truy tố nhưng nếu năng lực, uy tín giảm sút thì khuyến khích họ từ chức. Đi kèm với sự khuyến khích là chế tài, nếu người nào không tự nguyện từ chức thì các cấp có thẩm quyền sẽ miễn nhiệm.
“Khi đã để cơ quan có thẩm quyền buộc phải miễn nhiệm thì danh dự cuối cùng, sự liêm sỉ của người cán bộ không còn nữa. Do đó, tốt nhất sau khi có Thông báo Kết luận 20 của Bộ Chính trị, những đồng chí nào bị kỷ luật ở mức cảnh cáo, khiển trách, thấy năng lực hạn chế, uy tín trong cơ quan, đơn vị bị giảm sút thì nên từ chức. Đó là sự rút lui trong danh dự” – ông Vũ Văn Phúc nhấn mạnh, đồng thời cho biết, Kết luận của Bộ Chính trị vừa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh, vừa khuyến khích, động viên những cán bộ mắc khuyết điểm nên từ chức, đừng để đến mức phải bị miễn nhiệm.
Nhấn mạnh Thông báo số 20 mang tính nhân văn, nhân đạo, ông Vũ Văn Phúc cho biết, khi người bị kỷ luật tự nguyện xin từ chức thì được cấp có thẩm quyền căn cứ tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị, địa phương xem xét từng trường hợp cụ thể để bố trí công tác theo hướng giảm một cấp so với chức vụ khi bị kỷ luật.
Sau 24 tháng công tác ở vị trí mới, nếu khắc phục tốt những sai phạm, khuyết điểm, được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện thì được cấp có thẩm quyền xem xét quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử lại chức danh đã đảm nhiệm hoặc tương đương.
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, để triển khai hiệu quả Kết luận của Bộ Chính trị, các cấp ủy tổ chức Đảng từ Trung ương tới cơ sở phải triển khai quyết liệt, nghiêm túc với quyết tâm chính trị cao để thực hiện cho được Kết luận này. Các cơ quan Trung ương phải làm gương trước, cán bộ giữ chức càng cao thì càng phải nêu gương. Hơn thế nữa, bản thân cán bộ phải tự giác, tự đánh giá năng lực cũng như uy tín bản thân. Nếu xét thấy uy tín không còn, năng lực hạn chế thì tốt nhất là nên từ chức.
“Phải xử lý nghiêm những tổ chức Đảng, cấp ủy Đảng và xử lý nghiêm cán bộ nếu không thực hiện nghiêm Kết luận này”- ông Vũ Văn Phúc nêu ý kiến.
Cùng với Thông báo số 20, Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ ban hành tháng 11/2021 được kỳ vọng sẽ là một điểm mới trong công tác cán bộ. Để làm được điều này, trước hết đòi hỏi phải làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và coi chuyện “nhường ghế” của cán bộ khi không hoàn thành nhiệm vụ là bình thường, thậm chí được hoan nghênh, ủng hộ. Bên cạnh đó cần tạo sự thống nhất trong Đảng để việc nêu gương của đảng viên ngày càng cao, trong đó có nêu gương về từ chức./.
Từ khóa: Cán bộ bị kỷ luật, từ chức, uy tín giảm sút
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN