Vẽ dự án "ma", dựng 70 phó chủ tịch, tổng giám đốc để lừa đảo huy động vốn

Cập nhật: 26/05/2024

Quá trình hoạt động, Công ty Bankland "vẽ" các dự án không có thật, "dựng" hàng chục phó chủ tịch, tổng giám đốc để điều hành huy động vốn, lừa 4.736 nhà đầu tư ký hợp đồng và nộp 464 tỷ đồng, sau đó chiếm đoạt.

Trùm lừa đảo trong vai 'ông cố vấn'

Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội vừa hoàn thành kết luận điều tra bổ sung, đề nghị truy tố Quản Văn Dương (40 tuổi, Chủ tịch Công ty Cổ phần tập đoàn Bankland - gọi tắt Công ty Bankland); Vũ Đức Tĩnh (43 tuổi, cố vấn công ty); Nguyễn Thị Như (39 tuổi, Tổng giám đốc); Nguyễn Thanh Vân (32 tuổi, kế toán trưởng); Nguyễn Văn Minh (33 tuổi, lao động tự do) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cơ quan điều tra, trong vụ án, Vũ Đức Tĩnh chỉ đạo Nguyễn Thị Như, Quản Văn Dương, đứng ra thành lập Công ty Bankland và lần lượt giữ các chức vụ Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT. Riêng bị can Tĩnh giữ vai trò cố vấn, được chia 10% tổng số doanh thu.

Theo điều tra, công ty này thành lập năm 2021, trụ sở tại quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, với ngành nghề bất động sản, xúc tiến thương mại, du lịch…Quá trình hoạt động, Bankland đã “biến tướng” huy động vốn dưới hình thức đa cấp, rồi chiếm đoạt của nhà đầu tư.

Cụ thể, để nhiều người tham gia nộp tiền, Dương và Như liên tục đưa ra các chương trình ưu đãi thi đua, khuyến mại, kích cầu với các quà tặng giá trị như tặng vàng, sổ đỏ, ô tô, xe máy, iPhone…

Đáng chú ý, nhóm này còn tuyên truyền bán các dự án bất động sản, dự án du lịch, chưa được cấp phép đầu tư (trong đó, có dự án bất động sản tại xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, Hà Nội).

Quá trình hoạt động, theo chỉ đạo của Tĩnh, Bankland còn bổ nhiệm khoảng hơn 20 Phó Chủ tịch và khoảng 50 Phó Tổng Giám đốc. Việc bổ nhiệm này không có quyết định mà do công ty "tự phong" cho họ.

Lãnh đạo công ty và cả người nhà cũng là nạn nhân

Các Phó chủ tịch và Phó tổng giám đốc nhiệm vụ tư vấn, thu hút nhà đầu tư theo các nội dung do công ty đã chuẩn bị trước. Một số người được chỉ định phát biểu tại các hội nghị, hội thảo khách hàng để giới thiệu về các gói đầu tư, chương trình thi đua khuyến mại, kích cầu với những phần thưởng có giá trị lớn.

Hầu hết, nội dung trình bày tại hội nghị, hội thảo hoặc các nội dung tư vấn cho các nhà đầu tư đều do Công ty Bankland soạn sẵn để các Phó chủ tịch, Phó tổng giám đốc thực hiện.

Cơ quan điều tra xác định, một bộ phận nhóm lãnh đạo được “tự phong” chỉ làm công ăn lương, làm việc theo chỉ đạo và không biết công ty lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Một số người trong nhóm cũng đầu tư tiền để hợp tác với công ty, thậm chí còn rủ người thân, quen, bạn bè tham gia, đến nay số tiền bị chiếm đoạt lớn.

Theo kết luận, Công ty Bankland thực tế không có các dự án đầu tư về bất động sản, khách sạn, du lịch, từ khi thành lập, doanh nghiệp chỉ nộp thuế môn bài 3 triệu đồng. Tổng cộng có 4.736 cá nhân đã ký hợp đồng, nộp tổng số tiền 464 tỷ đồng cho Công ty.

Làm việc với kế toán Bankland, Cơ quan điều tra làm rõ dòng tiền thu của các nhà đầu tư đã được công ty chi tạm ứng, chi hoa hồng, chi thưởng, chi lương, chi sự kiện…

Cá nhân bị can Tĩnh được Bankland chi hơn 179 tỷ đồng với nội dung “chuyển Bác cả” (tức là biệt danh của Tĩnh trong Công ty). Số tiền này, Tĩnh đem đi mua bất động sản tại nhiều nơi như Hà Nội, Quảng Ninh.

Còn Tổng giám đốc Nguyễn Thị Như được chi hơn 5 tỷ đồng, những "lãnh đạo" còn lại nhận lương cao từ vài chục triệu đồng hoặc nhận thưởng ô tô...

Từ khóa: lừa đảo , lừa đảo, dự án ma,Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thể loại: Giáo dục

Tác giả: theo hoàng an/tiền phong

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập