VCPMC thu hơn 133 tỷ tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc năm 2019

Cập nhật: 14/01/2020

VOV.VN - Theo báo cáo của VCPMC, tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đã thu năm 2019 tăng 28% so 2018, trong đó tiền thu từ lĩnh vực trực tuyến tăng lên đến 87%.

Sáng 14/1 tại Hà Nội, Trung tâm Bảo về quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã tổ chức họp tổng kết công tác năm 2019.

Theo báo cáo của VCPMC, trong năm 2019, số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đã thu là hơn 133 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2018. Trong đó, số tiền thu tại khu vực phía Bắc là hơn 43 tỷ đồng và tại chi nhánh phía Nam là hơn 90 tỷ đồng.

vcpmc thu hon 133 ty tien su dung quyen tac gia am nhac nam 2019 hinh 1
VCPMC tổ chức họp tổng kết công tác năm 2019

Riêng lĩnh vực website, ứng dụng nhạc; mạng xã hội (Youtube/Facebook…) đã thu về gần 70 tỷ đồng, tăng 87% so với năm ngoái. Theo ông Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC, nguồn thu từ lĩnh vực trực tuyến rất lớn do người dân đã thay đổi cách thức nghe nhạc từ truyền thống với băng, đĩa... sang nghe nhạc trực tuyến. Đây cũng là lĩnh vực có nhiều sai phạm do phạm vi quá rộng và rất khó để kiểm soát.

Điển hình như vụ việc Sky Music sử dụng trên 2.000 bản ghi âm nhạc của tác giả thuộc thành viên VCPMC phục vụ hoạt động kinh doanh mà không thực hiện nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả theo đúng quy định pháp luật. Hiện tại, VCPMC đang trong quá trình kiện tụng với Công ty Cổ phần Sky. Phía Sky Music cũng đã xác nhận việc sử dụng tác phẩm âm nhạc thuộc thành viên VCPMC và có cam kết sẽ khắc phục.

Trong năm 2019, VCPMC cũng đã tăng cường rà soát, phát hiện các kênh Youtube và link vi phạm quyền tác giả để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trả tiền sử dụng quyền tác giả (đối với quyền sao chép) khi phát hành trực tuyến. Tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Google trong việc khai thác trên Youtube, đảm bảo tối đa lợi ích của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

Ngoài ra, VCPMC đã đàm phán thành công và ký kết hợp đồng với Facebook về việc sử dụng quyền tác giả âm nhạc tại lãnh thổ Việt Nam, hiện nay đang tiến hành đối soát dữ liệu tác phẩm âm nhạc được sử dụng trên Facebook, dự kiến sẽ tiến hành phân phối đến tác giả thành viên vào kỳ chi trả quý II năm 2020.

So với tiền thu được từ lĩnh vực trực tuyến tăng thì phần lớn các lĩnh vực khác đều giảm. Điển hình như Karaoke, phòng thu âm thu hơn 9,6 tỷ, giảm 4%; lĩnh vực biểu diễn thu dược 4,9 tỷ đồng, giảm 23%; Quảng cáo, nhạc phim, phái sinh, sao chép demo, phim ảnh thu được hơn 4,6 tỷ đồng, giảm 21%...

vcpmc thu hon 133 ty tien su dung quyen tac gia am nhac nam 2019 hinh 2
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn

Lý giải về việc này, ông Đinh Trung Cẩn cho biết: “Lĩnh vực/loại hình kinh doanh dịch vụ có nhạc nền tại các địa điểm kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, quán bar, cà phê, siêu thị... nhiều đơn vị sử dụng đến nay vẫn né tránh, chưa tự nguyện, tự giác thực hiện. Ngoài ra còn có tình trạng một số đơn vị kinh doanh, khai thác bản ghi đã lách luật Sở hữu trí tuệ để không thực hiện xin phép quyền tác giả. Tình trạng này đã kéo dài và gây ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến nhận thức của nhiều đơn vị sử dụng, đặc biệt là các hệ thống kinh doanh lớn. Do đó nguồn thu tác quyền từ các lĩnh vực sử dụng nhạc nền trong năm 2019 đã bị giảm đáng kể, trực tiếp thiệt hại đến lợi ích chính đáng, hợp pháp của các tác giả”.

Với lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, vừa qua, quy định bãi bỏ điều kiện về quyền tác giả tại hồ sơ, thủ tục cấp phép tổ chức biểu diễn theo Nghị định số 142/2018/NĐ-CP đã ảnh hưởng đến công việc cấp phép sử dụng quyền tác giả/tác phẩm âm nhạc ở lĩnh vực biểu diễn. Nhiều đơn vị tổ chức biểu diễn đã tìm cách né tránh, thậm chí công khai thách thức, không thực hiện nghĩa vụ xin phép, trả tiền sử dụng quyền tác giả, hoặc lợi dụng nguyên tắc thỏa thuận để trì hoãn việc trả tiền nhuận bút, dẫn đến tình trạng xâm phạm quyền tác giả xảy ra khá thường xuyên trong thời gian qua, điển hình ở các show diễn quy mô lớn và có doanh thu/giá vé cao.

Trong năm 2020, VCPMC sẽ áp dụng triệt để các biện pháp pháp lý để bảo vệ quyền tác giả theo đúng quy định của pháp luật, khởi kiện và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với các trường hợp cố ý làm trái quy định tại Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ về thực hiện nghĩa vụ “xin phép và trả tiền” khi sử dụng quyền tác giả (liên quan đến các trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân mua bản ghi để sử dụng nhưng viện cớ đã mua “bản quyền bản ghi” để né tránh, không xin phép, không trả tiền sử dụng quyền tác giả, gây thiệt hại nghiêm trọng đến quyền, lợi ích của các tác giả).

Trên cơ sở đó, làm rõ và thông tin đầy đủ đến các tác giả thành viên và các đơn vị sử dụng các vấn đề pháp lý liên quan đến vụ việc Sky Music thời gian vừa qua cũng như một số vụ việc tương tự phát sinh gần đây, giúp các đơn vị sử dụng tìm hiểu các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan một cách đầy đủ, rõ ràng, tránh nhầm lẫn dẫn đến có hành vi xâm phạm quyền.

VCPMC cũng sẽ thử nghiệm và áp dụng phương thức, công nghệ đo đếm số lượng và lượt sử dụng tác phẩm ở các lĩnh vực trực tuyến.

Trong năm 2019, VCPMC đã thực hiện 4 kỳ phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả với số tiền (đã trừ phí quản lý) là hơn 68 tỷ đồng. Dự kiến trong tháng 1/2020 (trước Tết Nguyên đán) sẽ tiến hành phân phối số tiền tác quyền của quý IV/2019 là 30 tỷ đồng.

Cũng trong sáng 14/1, VCPMC đã trao quà cho các tác giả và gia đình tác giả có sức khỏe không tốt và có điều kiện sinh hoạt khó khăn./.

Từ khóa: vcpmc, tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc, trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc việt nam, đinh trung cẩn

Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập