VCPMC đã chi trả gần 57 tỷ đồng tiền tác quyền trong năm 2018
Cập nhật: 14/01/2020
VOV.VN - Trong tổng số tiền thu về là gần 104 tỷ đồng, VCPMC đã chi trả được khoảng 57 tỷ đồng tiền tác quyền cho các tác giả trong năm 2018.
Sáng 25/1 tại Hà Nội, Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) đã tổ chức Tổng kết, nhìn lại bức tranh toàn cảnh các mặt công tác của VCPMC trong năm qua.
Năm 2018, tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc thu được tăng 25%
2018 là năm VCPMC có nhiều biến động, nhất là sự thay đổi về nhân sự khi nhạc sĩ Phó Đức Phương nghỉ, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn - Ủy viên BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam lên thay, đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh khu vực phía Bắc. Cơ cấu tổ chức của VCPMC cũng thay đổi, nhằm hoàn thiện bộ máy vận hành và hội nhập quốc tế.
So với năm 2017, số tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc thu được trong năm 2018 đã tăng lên 25%, đạt gần 104 tỷ đồng. Trong đó: Số tiền thu tại phía Bắc là gần 39 tỷ đồng (Tiền thu từ quốc tế là: 2,1 tỷ đồng); Số tiền thu tại phía Nam là hơn 65 tỷ đồng.
Trong bảng chi tiết thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc năm 2018, có thể thấy nguồn thu nhiều nhất là từ Website, ứng dụng nhạc với khoảng 37 tỷ đồng; Karaoke, phòng thu âm đứng thứ 2 với hơn 10 tỷ đồng; Phát thanh, truyền hình là hơn 8 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, VCPMC mới chỉ tiến hành phân phối, chi trả đến các chủ sở hữu quyền tác giả được gần 57 tỷ đồng trong số gần 104 tỷ đồng thu được.
Ông Hoàng Văn Bình, Phó TGĐ VCPMC cho biết: “Hiện nay Trung tâm đang khẩn trương nhập liệu cho kỳ phân phối quý IV/2018, chi trả vào cuối tháng 1/2019 (trước Tết nguyên đán), dự kiến số tiền của kỳ phân phối này là 27 tỷ đồng. Đối với các hợp đồng chưa đủ điều kiện phân phối sẽ tiếp tục được đối soát và phân phối vào quý tiếp theo”.
Trong những năm qua, việc thu chi tác quyền của VCPMC thường xuyên gặp phải rào cản và khó khăn do nhận thức chưa đầy đủ về luật pháp và quyền của các tác giả và các đơn vị khai thác, sử dụng, kinh doanh âm nhạc. Cũng từng có giai đoạn vấp phải sự phản đối kịch liệt về cách thức thu chi khiến Bộ VH-TT&DL phải lên tiếng.
Tuy nhiên, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Phó Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết: “Trung tâm đã hoạt động được một thời gian dài và cũng có những thành tích rất đáng kể. Dù có những chuyện này kia thì tất cả đều phục vụ cho mục đích bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam chứ không có chuyện đen tối nào, không có lợi ích nhóm”.
Bức xúc trước một số ý kiến thất thiệt về chuyện VCPMC thậm chí còn trốn thuế để ăn chia lợi nhuận, ông Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc VCPMC cho biết: “Tôi không hiểu căn cứ ở đâu ra để nói VCPMC trốn thuế? Từ khi hoạt động năm 2002 đến nay, chúng tôi đã đóng đến hơn 70 tỷ tiền thuế”.
Để minh bạch chuyện thu chi tác quyền, VCPMC đang xây dựng một website công bố toàn bộ thông tin thu chi cũng như các thông tin về hợp đồng của gần 4.000 tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả là hội viên của VCPMC. Website này dự kiến sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 2/2019.
Ông Đinh Trung Cẩn cho biết thêm, trong năm 2018, VCPMC đã đàm phán thành công với VTVcab và VTC. Tuy nhiên, việc đàm phán với nhiều đơn vị phát thanh – truyền hình, truyền hình cáp, truyền hình trả tiền đến nay vẫn chưa có kết quả. Trong lĩnh vực biểu diễn, nhiều chương trình, sự kiện còn chậm trễ hoặc né tránh thực hiện. Lĩnh vực kinh doanh dịch vụ (sử dụng nhạc nền – background music) bị ảnh hưởng khá nghiêm trọng do tác động vi phạm từ một số đơn vị kinh doanh dịch vụ giải pháp phát nhạc (bản ghi) như Sky Music, Vigo...
Lập công ty “ma” để trốn tránh trả tiền tác quyền âm nhạc
Nên có một luật riêng về âm nhạc
Trong năm 2019, VCPMC sẽ chú trọng công tác chăm sóc, phát triển hội viên, giải quyết khiếu nại, hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các tác giả thành viên; rà soát, hệ thống lại các văn bản quản lý nội bộ, các quy chế, quy trình công việc nhằm đáp ứng yêu cầu công việc, phù hợp với các quy định của pháp luật và Điều lệ hoạt động.
Để hoàn thành được mục tiêu đề ra, Trung tâm rất cần sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong việc đề nghị các cơ sở kinh doanh có sử dụng âm nhạc bao gồm các cơ sở lưu trú phải xin phép, thực hiện nghĩa vụ quyền tác giả theo đúng quy định của pháp luật.
Các đơn vị liên quan hỗ trợ Trung tâm trong việc có ý kiến với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về quy định bãi bỏ điều kiện về quyền tác giả tại Nghị định số 142/2018/NĐ-CP sửa đổi một số quy định về đầu tư, kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm bảo đảm quyền lợi của tác giả; việc phối hợp triển khai hội nghị tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật liên quan đến quyền tác giả âm nhạc.
Nhân dịp này, nhạc sĩ Vũ Mão, Chủ nhiệm CLB Cựu Đại biểu Quốc hội, thành viên Hội đồng cố vấn VCPMC cũng kiến nghị nên có một luật riêng về âm nhạc. Lĩnh vực âm nhạc chưa có văn bản pháp luật, pháp lý nào ở tầm cỡ quốc gia, dẫn đến việc quản lý chưa chặt, chưa tốt và nảy sinh nhiều vấn đề bất cập mà một trong đó là các cơ chế pháp lý để thu chi tác quyền đang gặp nhiều khó khăn của VCPMC./.
Nhiều nhạc sĩ phàn nàn về cách thu bản quyền âm nhạc của VCPMC
VCPMC sẽ thu tiền sử dụng tác phẩm âm nhạc cả ở... bãi đỗ xe
Từ khóa: vcpmc, trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc việt nam, đinh trung cẩn, tác quyền âm nhạc
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN