VBF 2019: Chính phủ ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Phát triển nhanh, bền vững là chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã nhấn mạnh điều này tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2019 với chủ đề “Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững” diễn ra hôm nay (26/6), tại Hà Nội.

vbf 2019: chinh phu uu tien ho tro doanh nghiep phat trien ben vung hinh 1
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại VBF 2019.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang đứng trước những khó khăn thách thức cần tiếp tục phải đối mặt và giải quyết, phát triển nhanh, bền vững là chủ trương nhất quán, xuyên suốt trong chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam.

Chính phủ xác định ưu tiên phát triển nhanh tránh tụt hậu, giảm khoảng cách thu nhập giữa Việt Nam với các nước đang phát triển trong khu vực và thế giới. Đồng thời, phát triển bền vững là điều kiện đủ để đảm bảo cho nước ta phát triển trong những năm tới.

“Phát triển bền vững trước hết là giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng trưởng và phát triển, thực hiện các mục tiêu vì con người, tiến bộ và công bằng xã hội. Song song với đó, phải đảm bảo việc nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đặc biệt là các chính sách tài chính, tiền tệ; phát triển bền vững công nghiệp với cơ cấu ngành nghề, công nghệ, thiết bị bảo đảm thân thiện môi trường, tích cực ngăn ngừa và xử lý ô nhiễm công nghiệp, xây dựng nền công nghiệp xanh, ưu tiên phát triển các ngành công nghệ, sản phẩm thân thiện môi trường; đẩy mạnh sản phẩm công nghệ cao tại đô thị; nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên... đồng thời, giảm thiểu phát thải, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm, bảo vệ chất lượng môi trường”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay.

Để thực hiện những mục tiêu này, Chính phủ Việt Nam tiếp tục triển khai những giải pháp lớn. Trước hết, giữ vững môi trường vĩ mô ổn định, môi trường chính trị xã hội; đây là nhân tố quyết định để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển và phát triển bền vững.

Tiếp đến, tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý; trong đó chú trọng tái cơ cấu lại đầu tư, doanh nghiệp, hệ thống tài chính ngân hàng, ngành nghề lĩnh vực... gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, phát triển các đô thị thông minh, đô thị xanh, thân thiện môi trường.

Chính phủ cũng ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ: giao thông, y tế, giáo dục, đô thị... để nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; đặc biệt chú trọng giáo dục đào tạo - quốc sách hàng đầu để nâng cao nguồn nhân lực, nhân tố quyết định cho sự phát triển.

Cùng với đó, tập trung hoàn thiện thể chế theo hướng tạo môi trường minh bạch hơn, cạnh tranh, thông thoáng hơn để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước. Tập trung phát triển hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm tăng cường nghiên cứu để tiếp tục đổi mới các chương trình trọng điểm. Cuối cùng, Việt Nam tiếp tục đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực và thế giới, tích cực hội nhập.

vbf 2019: chinh phu uu tien ho tro doanh nghiep phat trien ben vung hinh 2
VBF 2019 thu hút sự tham gia của 500 đại biểu là doanh nghiệp trong nước và quốc tế, cùng với 13 hiệp hội thương mại nước ngoài tại Việt Nam.

Năm 2019, tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến không thuận lợi so với những năm trước đây. Kinh tế toàn cầu tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, nhiều nền kinh tế gặp khó khăn và suy giảm tăng trưởng.

Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực, là một trong những điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực và thế giới. Tình hình kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam nhìn chung tiếp tục tiến triển tích cực.

Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát theo mục tiêu, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân 5 tháng đầu đạt thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Thị trường tiền tệ, ngoại hối và mặt bằng lãi suất khá ổn định, thanh khoản tốt.

Thu, chi ngân sách nhà nước cơ bản được bảo đảm. Nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục gia tăng. Cả nước có gần 54.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, cao nhất trong 5 năm qua và 19.600 doanh nghiệp hoạt động trở lại; Sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khá, trong đó sản phẩm điện tử, máy vi tính, bắt đầu phục hồi sau 2 tháng liên tiếp tăng trưởng âm.

“Năm 2018, nhiều chỉ số của Việt Nam tăng mạnh; trong đó Chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 02 bậc, xếp hạng 45/126, cao nhất từ trước đến nay, đứng thứ 2 trong các quốc gia có thu nhập trung bình thấp; Chỉ số phát triển bền vững tăng 11 bậc, xếp hạng 57/156 quốc gia, vùng lãnh thổ”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đánh giá cao chủ đề diễn đàn lần này là “Vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững” vì doanh nghiệp chính là chủ thể, là lực lượng hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ.

“Doanh nghiệp có nguồn lực, ứng dụng khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, cung cấp đầu vào, đầu ra cho sản phẩm. Nếu doanh nghiệp gắn lợi ích của mình với cộng đồng, chắc chắn sẽ trở thành động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển, mang lại lợi ích cho cả cộng đồng”, Phó Thủ tướng khẳng định./.

Từ khóa: VBF 2019, VBF, diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, phát triển bền vững, kinh tế Việt Nam,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập