Vay tiền đóng “tàu 67” ở Quảng Nam: Nợ chồng nợ, ngư dân lao đao
Cập nhật: 27/10/2019
Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp từ mô hình rau an toàn tại Đông Anh, Hà Nội (25/11/2024)
Phát triển bền vững thương mại điện tử để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế số (26/11/2024)
VOV.VN - Khoản nợ xấu lên đến hơn 215 tỷ đồng, dự báo còn tiếp tục tăng khi mà đa số tàu cá của ngư dân đánh bắt kém hiệu quả, mất khả năng trả nợ.
Uỷ ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức họp bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thu hồi khoản nợ xấu cho vay theo Nghị định 67 của Chính phủ về “Một số chính sách phát triển thủy sản”. Thống kê của các ngân hàng thương mại trên địa bàn, khoản nợ xấu lên đến hơn 215 tỷ đồng, dự báo còn tiếp tục tăng khi mà đa số tàu cá của ngư dân đánh bắt kém hiệu quả, mất khả năng trả nợ.
Tàu vỏ thép của ngư dân Trần Công Chi ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình trong lần cải hoán cách đây 2 năm. |
Ngư dân Phan Thu, chủ tàu vỏ thép QNa 95997 ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình là một trong những chủ hộ đầu tiên ở tỉnh Quảng Nam được xét duyệt cho vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ. Tháng 11/2015, tàu vỏ thép công suất 822CV, trị giá hơn 12 tỷ đồng của ông Thu hạ thủy. Sau thời gian ngắn hành nghề lưới rê hỗn hợp kém hiệu quả, ông Thu chuyển sang nghề khai thác lươn biển. Nhưng nghề này cũng không tồn tại được lâu vì tàu to, máy lớn, chi phí nhiên liệu cao, trong khi sản lượng đánh bắt không đủ bù lỗ.
Ông Phan Thu đành cho tàu nằm bờ, nợ ngân hàng thì mỗi ngày mỗi tăng. "Con tàu này theo Nghị định 67, tôi được vay 95% giá trị tàu, nhưng bản thân tôi, ngân hàng cho vay được 93% là con số tối đa, tổng cộng ngân hàng giải ngân hơn 10 tỷ đồng. Từ năm 2017 đến giờ tàu không hoạt động được là không trả được nợ cho ngân hàng, xảy ra nợ xấu", ông Thu nói.
Ông Trần Đình Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam tại buổi làm việc với các ngành và ngân hàng để gỡ vướng cho tàu 67. |
Cũng ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam cách nhà ông Phan Thu không xa, ngư dân Trần Công Chi lâm cảnh nợ nần chồng chất vì “tàu 67” đánh bắt kém hiệu quả. Giữa năm 2015, con tàu trị giá 12 tỷ đồng của ông Chi hạ thủy đánh bắt chuyến biển đầu tiên không hiệu quả. Liên tiếp các chuyến biển sau đó đều lỗ nặng. Ông Chi vay mượn thêm 4 tỷ đồng để cải hoán tàu từ nghề lưới rê hỗn hợp sang nghề chụp mực khơi. Nhưng nghề chụp mực khơi sản lượng quá thấp, không đủ chi phí cho mỗi chuyến biển. 15 lao động trên tàu nghỉ việc, ông Chi đành neo tàu nằm bờ.
Ông Trần Công Chi cho biết, đang tính đến phương án bán tàu, nhưng liệu có ai dám bỏ ra số tiền cả chục tỷ đồng mua lại con tàu vỏ thép của ông?"Tàu lớn thì lao động phải nhiều. Một con tàu vỏ gỗ một đêm, họ đánh bắt được 20 triệu đồng là có thu nhập rồi. 5 đêm họ có 100 triệu đồng. Còn tàu tôi một đêm đánh bắt được 20 triệu đồng là chỉ đủ tiền dầu thôi, như thế là lỗ. Thứ 2 nữa, tàu gỗ muốn cải hoán thì tháo ra sửa, còn tàu sắt thì muốn làm phải có thợ chứ bản thân mình có biết cũng không làm được".
Tàu vỏ thép của ngư dân Trần Văn Liên ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình nằm bờ từ năm này sang năm khác. |
Sau 5 năm triển khai Nghị định 67, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã ký kết các hợp đồng tín dụng, cho vay đóng mới 63 tàu cá. Trong đó có 24 tàu vỏ gỗ, 37 tàu vỏ thép, 2 tàu composite với số tiền đã giải ngân gần 720 tỷ đồng. Hiện, 57 tàu làm ăn kém hiệu quả. Đến nay, tổng số nợ xấu mà các ngân hàng thống kê lên đến hơn 215 tỷ đồng. Việc thu hồi nợ rất khó khăn do ngư dân đánh bắt kém hiệu quả, ngân hàng không kiểm soát được hoạt động đánh bắt của ngư dân.
Bà Vũ Thị Tố Nga, Phó Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Chi nhánh tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị đã cho vay đóng mới 12 con tàu vỏ thép và 4 con tàu vỏ gỗ, dư nợ hơn 180 tỷ đồng, hầu hết đã chuyển sang nợ xấu.
"BIDV sẵn sàng hỗ trợ ngư dân nếu ngư dân tìm ra được chủ dự án mới để chuyển nhượng tàu cho người khác có thể tiếp tục vận hành. Còn BIDV không thể nhận chuyển giao lại con tàu để tự thanh lý và tự bán được. Nếu ngư dân vẫn bỏ tàu và không hợp tác trong việc phối hợp xử lý thì BIDV tiến hành hoàn thiện các thủ tục để khởi kiện ngư dân và yêu cầu ngư dân phải hoàn trả toàn bộ dư nợ vay theo đúng quy định của pháp luật", bà Nga cho biết.
Ông Ngô Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, có khoảng 1/3 số tàu vỏ thép ở tỉnh Quảng Nam làm nghề lưới rê hỗn hợp đánh bắt không hiệu quả. Điều đó cho thấy, việc xác định ngành nghề đánh bắt chưa thật sự phù hợp. UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo ngành nông nghiệp phối hợp với ngân hàng và các địa phương khẩn trương rà soát, hỗ trợ 13 chủ tàu có nguyện vọng chuyển nghề, nhưng quá trình chuyển nghề cũng gặp rất nhiều khó khăn. Trước hết, việc chuyển đổi cần nguồn vốn khá lớn để cải hoán tàu. Bên cạnh đó, ngư dân chưa quen với ngành nghề đánh bắt mới nên khi chuyển nghề đánh bắt không hiệu quả.
Ông Ngô Tấn cho rằng, một khi tàu đánh bắt không hiệu quả thì lao động không gắn bó. Các chủ tàu đành huy động người thân trong gia đình cùng tham gia. Những người này thiếu kinh nghiệm nên đánh bắt càng không hiệu quả."Khi tình hình triển khai không hiệu quả thì Chính phủ ra Nghị định bổ sung thay thế, đó là Nghị định 17, trong đó có vấn đề chuyển nhượng. Chủ tàu cũ không đủ năng lực được quyền chuyển nhượng cho chủ tàu mới thì lại vấp phải khó khăn, bất cập trong cơ chế. Do Nghị định quy định chuyển nhượng thì chủ tàu mới phải nhận toàn bộ những khoản nợ của chủ tàu cũ, nên việc này không đúng ý đồ chuyển nhượng của chủ tàu mới"./.
Từ khóa: đóng tàu theo Nghị định 67, nợ xấu, nỗi lo của chủ tàu, ngân hàng
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN