“Vằng vặc trăng quê” - Tản văn thấm đẫm hồn quê của nhà báo Ngô Bá Lục
Cập nhật: 2 giờ trước
Công bố 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu năm 2024
Most-searched domestic destinations by Vietnamese web users on Coc Coc
VOV.VN - Nhà báo Ngô Bá Lục vừa giới thiệu tới độc giả cuốn tản văn thứ ba trong sự nghiệp của mình mang tên "Vằng vặc trăng quê". Tác phẩm là một hành trình ngược dòng ký ức, tái hiện lại những kỷ niệm tuổi thơ, phong tục tập quán và văn hóa đậm nét Kinh Bắc.
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê Kinh Bắc (Yên Phong, Bắc Ninh), nhà báo Ngô Bá Lục được bao bọc trong cái nôi văn hóa đặc sắc. Chính từ những trải nghiệm chân thực, những cảnh sắc làng quê mộc mạc như dòng sông Cầu uốn lượn quanh làng, cánh đồng lúa xanh mướt, cây gạo tháng Ba đỏ rực, cùng hình ảnh những mái đình, ngôi chùa cổ kính đã trở thành nguồn cảm hứng lớn lao cho anh. Những phong tục như đám hỏi, đám cưới và đặc biệt là Tết Nguyên đán – thời khắc thiêng liêng của gia đình Việt – hiện lên sinh động qua từng trang viết.
"Vằng vặc trăng quê" không chỉ kể chuyện đời thường, mà còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của một vùng quê đậm chất Bắc Bộ. Ngô Bá Lục viết bằng lối văn giản dị, chân chất, phản ánh đúng bản chất “chân quê” của anh. Độc giả cảm nhận được sự gần gũi, mộc mạc, đôi khi “ngây ngô” trong câu chữ, nhưng đó chính là điểm thu hút, là sợi dây kết nối cảm xúc giữa tác giả và người đọc.
Trước khi chính thức ra mắt, cuốn sách đã được đông đảo độc giả đón nhận với gần 1.000 cuốn bán hết qua trang cá nhân của nhà báo Ngô Bá Lục. Đa số những người mua sách là những người đã theo dõi anh lâu năm trên mạng xã hội, đồng cảm với các câu chuyện về mẹ, cha, anh em, tình làng nghĩa xóm. “Ngoài những câu chuyện đời thường như đi cày, đi cấy, cắt cỏ, trồng màu... những thứ đã gắn chặt với người nông dân bao năm nay, thì tôi viết nhiều về Tết Nguyên đán thông qua những kỷ niệm thực tế của bản thân. Tôi muốn viết về Tết xưa, để người lớn có thể hồi tưởng lại quá khứ, mang lại những cảm xúc đẹp cho họ, còn với người trẻ, họ sẽ có một hình dung cơ bản về cái Tết Nguyên đán, để từ đó thêm hiểu, thêm yêu Tết có truyền thống của dân tộc”, anh chia sẻ.
Nhà báo Ngô Bá Lục không chỉ viết về Tết như một lễ hội văn hóa, mà còn từ những kỷ niệm riêng của chính mình. “Tôi muốn viết về Tết xưa, để người lớn hồi tưởng những ký ức đẹp, còn người trẻ có thể hình dung về Tết Nguyên đán truyền thống, từ đó thêm yêu và hiểu văn hóa dân tộc mình”, anh tâm sự.
Không chỉ dừng lại ở những câu chuyện đời thường như cày cấy, trồng màu, "Vằng vặc trăng quê" còn là lời tri ân của tác giả dành cho mẹ mình - U Soạn, người phụ nữ Việt Nam với đức tính chịu thương chịu khó, sáng ngời như ánh trăng quê. “Ánh trăng quê không chỉ đẹp mà còn tượng trưng cho mẹ, cho những người phụ nữ Việt Nam dịu dàng, nhân hậu và đức độ”, anh nói.
Năm 2015, Ngô Bá Lục ra mắt cuốn tản văn đầu tay "Gió đồng hun hút", tạo được tiếng vang khi bán hết 2.000 cuốn chỉ sau 3 tháng phát hành. Năm 2020, anh tiếp tục với cuốn "Hoài niệm Tết quê xưa", tái hiện những phong tục Tết xưa, khơi gợi kỷ niệm đẹp trong lòng độc giả. "Vằng vặc trăng quê" đánh dấu mốc tròn 5 năm từ tác phẩm trước, tiếp nối mạch cảm xúc về làng quê, phong tục và Tết cổ truyền.
Không chỉ mang ý nghĩa về mặt tinh thần, "Vằng vặc trăng quê" còn góp phần lan tỏa giá trị nhân văn. Toàn bộ doanh thu từ cuốn sách sẽ được dành cho Quỹ Gió đồng, do nhà báo Ngô Bá Lục thành lập từ năm 2016. Quỹ này đã duy trì hoạt động từ thiện, như tặng quà Tết cho bệnh nhân tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương vào chiều 30 Tết hàng năm hay hỗ trợ trẻ em khó khăn suốt nhiều năm qua. “Quỹ được lập từ tiền bán cuốn Gió đồng hun hút, và tôi muốn tiếp tục dùng tiền từ sách để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn”, anh cho biết.
Nhà báo Phạm Công Hân, một người bạn đồng nghiệp của anh, nhận xét về tác phẩm: “Những câu chuyện trong cuốn sách cũng là những gì mà mỗi người con sinh ra ở làng quê như tôi đã từng trải qua, cho dù anh Lục lớn tuổi hơn tôi. Tất cả những kỷ niệm và câu chuyện anh kể đều giống với những gì tôi đã trải qua trong tuổi thơ. Tôi nghĩ rằng những người thuộc thế hệ 7X, 8X khi đọc cuốn sách này đều sẽ nhận thấy hình ảnh của mình trong đó. Anh Lục nhiều lần nói mình không phải là nhà văn và những tác phẩm của anh chủ yếu là để ghi lại những cảm xúc và kỷ niệm của chính anh. Tuy nhiên, điều khiến những tác phẩm của anh Lục chạm đến trái tim độc giả chính là vì chúng được viết ra từ tâm hồn chân thật, từ trái tim sẽ đi đến trái tim. Tôi nghĩ chính sự mộc mạc và tình cảm trong tác phẩm của anh đã khiến nó được yêu mến và trân trọng".
Từ khóa: tản văn, nhà báo,ngô bá lục,vằng vặc trăng quê, tản văn
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả: hà phương/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN