Vàng SJC và vàng thế giới chênh lệch giá quá lớn: NHNN nói gì?

Cập nhật: 03/01/2024

VOV.VN - Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhà nước không chấp nhận sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và thế giới, giữa vàng SJC và các loại vàng miếng khác.

Không chấp nhận vàng SJC một mình một chợ

Giá vàng trong nước diễn biến bất thường cuối năm 2023, có thời điểm giá vàng SJC vượt mức 80 triệu đồng/lượng, chênh với giá vàng thế giới gần 20 triệu đồng/lượng. Có thời điểm cuối tháng 12 vừa qua, chênh lệch mua vào - bán ra của vàng SJC được kéo giãn tới hơn 5 triệu đồng/lượng.

Ở thời điểm hiện tại, giá vàng SJC được giao dịch ở mức 72 - 75 triệu đồng/lượng, cao hơn giá vàng thế giới gần 14 triệu đồng/lượng.

Trao đổi với báo chí sáng nay (3/1), Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, nhà nước không khuyến khích kinh doanh vàng miếng, không bảo hộ giá cả vàng miếng. Tuy nhiên, cũng không chấp nhận được sự chênh lệch giá quá lớn giữa vàng trong nước và quốc tế, giữa vàng SJC và các loại vàng miếng khác.

Nghị định 24/2012/NĐ-CP được ban hành năm 2012, được đánh giá là “vũ khí” hữu hiệu chống “vàng hóa” nền kinh tế.

“Tất cả vấn đề này sẽ được xem xét trong sửa đổi Nghị định 24 sắp tới. Hướng sửa đổi ra sao để vừa đảm bảo quản lý, vừa đảm bảo tính thị trường thì thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai và sẽ xin ý kiến rộng rãi”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin.

Phó Thống đốc NHNN cho hay, mục tiêu của Nghị định 24 là chống vàng hóa nền kinh tế, không ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Tuy vậy, việc sửa Nghị định 24 là cần thiết, vì Nghị định này đã ra đời cách đây 11 năm, có vai trò lịch sử nhất định song điều kiện kinh tế - xã hội cũng đã thay đổi.

Liên quan đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, dù nhiều loại vàng hay không thì mục tiêu cuối cùng là phải ổn định thị trường vàng miếng, đảm bảo quyền lợi của người dân. Quyền lợi của nhóm doanh nghiệp kinh doanh vàng rất nhỏ, Nhà nước không bảo hộ giá cả vàng miếng, song luôn tôn trọng quyền mua bán, bảo quản, cất trữ vàng của người dân.

Cần điều chỉnh Nghị định 24 cho phù hợp với tình hình mới

Về vấn đề này, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước, khẳng định, đây là thời điểm phù hợp để đánh giá lại mục tiêu và chính sách quản lý thị trường vàng.

Theo ông Tuấn, Nghị định 24 giúp ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ điều hành tỷ giá và chính sách tiền tệ. Thực tế cho thấy, hơn chục năm qua, dù giá vàng tăng giảm thất thưởng song tỷ giá vẫn ổn định, mọi hoạt động của ngành ngân hàng cũng không còn bị ảnh hưởng bởi thị trường vàng.

“Đây là cơ sở chứng minh mục tiêu Nghị định 24 cơ bản hoàn thành. Đến nay, cần xem xét tình hình mới để có những điều chỉnh phù hợp”, ông Tuấn nêu quan điểm.

Trước các ý kiến đề nghị xem xét trả lại vàng cho thị trường, ông Tuấn cho biết, NHNN đã tham khảo ý kiến các chuyên gia, hiệp hội, bộ ngành và đã được Chính phủ giao ngay trong tháng 1/2024 có báo cáo tổng kết đánh giá chính sách quản lý thị trường vàng và trình Chính phủ định hướng, phê duyệt chủ trương thay đổi chính sách phù hợp tình hình mới.

Mới đây, ngày 27/12/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện 1426/CĐ-TTg về các giải pháp quản lý thị trường vàng.

Thủ tướng yêu cầu NHNN theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để bình ổn thị trường vàng; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án ứng phó với biến động của giá vàng thế giới và trong nước để sẵn sàng các biện pháp xử lý, sử dụng các công cụ theo thẩm quyền phù hợp, hiệu quả, kịp thời, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, dứt khoát không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Từ khóa: Giá vàng, giá vàng trong nước, giá vàng thế giới, chênh lệch giá vàng,Nghị định 24,giá vàng SJC

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: trần ngọc/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập