Vạn Thịnh Phát lừa đảo 30.000 tỷ đồng của 42.000 nhà đầu tư
Cập nhật: 10/10/2023
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN - “Kết quả điều tra đến nay xác định Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo 30.000 tỉ của 42.000 nhà đầu tư thông qua gian dối trong phát hành trái phiếu”. Đây là thông tin được lãnh đạo Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an thông tin tại buổi họp báo do Bộ Công an tổ chức chiều ngày 2/10 tại Hà Nội.
Tại buổi họp báo trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc mới đây cơ quan điều tra đã phát đi thông báo tìm bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vậy nhà đầu tư có kỳ vọng gì về việc này, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, phó cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03), cho biết kết quả điều tra xác định từ năm 2018 đến 2020, các nghi phạm có liên quan tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, các công ty con thuộc tập đoàn cùng một số đơn vị đã có hành vi gian dối, làm trái quy định của pháp luật trong phát hành trái phiếu.
Trong vụ án này, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng của hơn 42.000 nhà đầu tư. Do số lượng bị hại lớn nên Cơ quan điều tra đã ủy thác cho cơ quan điều tra công an các tỉnh, thành phố để làm việc với các nhà đầu tư này:
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành nói: “Tôi đề nghị các nhà đầu tư sớm đến các cơ quan điều tra để làm việc giúp cơ quan điều tra, hoàn thiện hồ sơ đối với bị hại để sẽ được bảo vệ quyền lợi. Cơ quan điều tra cũng rất nỗ lực để truy thu tài sản theo phương châm của Ban chỉ đạo là ưu tiên cho các nhà đầu tư bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Vì đây là những nhà đầu tư là do thiếu thông tin, mua những trái phiếu và bỏ rất nhiều tiền, thậm chí có rất nhiều khoản tiền rất khó khăn mới có được nên phương châm là cơ quan điều tra sẽ bảo vệ, tinh thần triệt để thu hồi”.
Liên quan câu hỏi của phóng viên về số tiền môi giới hoa hồng mà Công ty Nhật Nam sử dụng có được thu hồi, trả lại cho các nhà đầu tư hay không, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, quá trình điều tra xác định, trong thời gian từ 2020 - 2022, Công ty Nhật Nam tổng thu khoảng 8.900 tỷ đồng của 20.000 cá nhân thông qua hơn 45.000 hợp đồng kinh doanh, trong đó, có trường hợp một cá nhân ký nhiều hợp đồng. Công ty sử dụng chi trả tiền gốc, lãi cho các cá nhân số tiền khoảng hơn 4.000 tỷ đồng. Chi phí cho hoạt động công ty qua tài khoản ngân hàng hơn 520 tỷ đồng, chi hoa hồng trả các cá nhân giới thiệu, huy động vốn hơn 2.000 tỷ; chi cho cá nhân bị can Thuý hơn 600 tỷ.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nói: “Số tiền còn lại gần 1.000 tỷ hiện nay chưa rõ chi đi đâu. Qua kiểm kê, phong toả 20 tài khoản thì cơ bản không còn tiền. Đồng thời cơ quan điều tra tích cực kê biên nhà đất, đất đai, bước đầu xác nhận, ghi lời khai 111 bị hại, số tiền chiếm đoạt là138 tỷ liên quan các tài khoản cá nhân của Công ty Nhật Nam. Hiện, lực lượng chức năng đang mở rộng, truy bắt các đối tượng đồng phạm; đồng thời, kê biên tài sản, truy tìm, truy lùng các bất động sản, tài sản để đảm bảo quyền lợi của bị hại..."
Liên quan đến việc định danh biển số và đấu giá biển số xe, tại các phiên đấu giá vừa qua, đã có nhiều biển số được trả giá rất cao. Tuy nhiên trong trường hợp nếu người mua bỏ cọc, không nộp tiền thắng đấu giá thì cơ quan chức năng có biện pháp gì để xử lý những trường hợp trên? Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông khẳng định, công tác đấu giá biển số xe đến nay bước đầu đã thành công. Hiện nay, hệ thống đã dần đi vào ổn định, hạn chế tối đa về tình trạng nghẽn mạng, đường truyền, công tác đăng ký cấp biển số xe cơ bản đáp ứng được yêu cầu nghiệp vụ và nhu cầu của người dân.
Từ ngày 15/9 đến 30/9, 493 biển số đã được đấu giá, dự thu hơn 214 tỷ đồng. Đến nay, có 76 người đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, nộp gần 17 tỷ đồng; 03 khách hàng đã đăng ký biển số. Trong trường hợp khách hàng bỏ cọc, pháp lý đã quy định rõ về nghĩa vụ và trách nghiệm tại Nghị quyết 73 của Quốc hội; Nghị định 39 của Chính phủ và trong Biên bản trúng đấu giá mà khách hàng đã ký. Đồng thời người tham gia đấu giá và trúng đấu giá phải có ý thức thượng tôn pháp luật, có trách nhiệm với xã hội về việc này.
Từ khóa: Vạn Thịnh Phát, lừa đảo, chiếm đoạt tiền, nhà đầu tư, tội phạm kinh tế
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: việt cường/vov1
Nguồn tin: VOVVN