Văn kiện Đại hội XIII: Phải đặt mục tiêu tầm nhìn phát triển dài hạn
Cập nhật: 25/09/2019
Chủ tịch Quốc hội dự lễ kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng thăm và làm việc tại Campuchia
VOV.VN - Việc xác định các mục tiêu phát triển đất nước 5 năm, 10 năm, tầm nhìn tới năm 2045 là phù hợp, đảm bảo tính thực tiễn và khả thi
Để phục vụ cho việc biên tập Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng, sáng 10/8, tại Hà Nội, Thường trực Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề: “Mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Tọa đàm khoa học “Mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2025 và 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Ảnh: TTXVN) |
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Thường trực tiểu ban Văn Kiện chủ trì tọa đàm.
Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: Văn kiện lần này phải phóng tầm nhìn ra dài hạn, tức là phải đặt mục tiêu và tầm nhìn phát triển Việt Nam đến giữa thế kỷ, tập trung vào hai dấu mốc quan trọng, đó là: năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Do đó, việc xác định các mục tiêu phát triển đất nước 5 năm, 10 năm, tầm nhìn tới năm 2045 là phù hợp, đảm bảo tính thực tiễn và khả thi là hết sức quan trọng bởi đây là cơ sở để xác định chính xác những định hướng, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động trong toàn Đảng, toàn dân.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết, đến nay, vấn đề hệ trọng này vẫn còn ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất xác định mục tiêu: phấn đấu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại với ba mốc quan trọng là: đến năm 2025, cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đến 2030 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Loại ý kiến thứ 2 cho rằng, tuy mục tiêu phấn đấu trở thành nước công nghiệp hiện đại đã được đề cập trong nhiều văn kiện, nhưng chưa có cách hiểu và cách thực hiện mục tiêu này thời gian qua nên khó triển khai thực hiện. Trong đó, về nội hàm mục tiêu chưa đủ rõ, còn mang tính ước lệ, khó xác định tiêu chí đo lường. Cần tham khảo cách phân loại các quốc gia theo xu hướng hiện nay của các tổ chức quốc tế.
Các văn kiện trình Đại hội XIII cần diễn đạt mục tiêu phù hợp với những thay đổi trong quá trình phát triển của đất nước, đảm bảo tính khoa học, khả thi và thực tiễn trong đó có việc đáp ứng yêu cầu được thừa nhận bởi cộng đồng quốc tế và có thể so sánh được với mặt bằng phát triển chung của thế giới. Do đó, nên xác định mục tiêu theo trình độ phát triển đó là: Phấn đấu đưa đất nước trở thành quốc gia (hoặc nước) phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng cho biết, vấn đề hệ trọng này, ngay cả giữa Đề cương Báo cáo Chính trị và Đề cương Báo cáo Tổng kết thực tiễn thực hiện chiến lược 2011-2020, xây dựng Chiến lược 2021-2030 vẫn còn ý kiến khác nhau.
Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: “Đại hội này chúng ta chưa đặt vấn đề sửa đổi Cương lĩnh và cũng không nên coi đề xuất mục tiêu là sửa đổi Cương lĩnh, bởi con đường và mục tiêu cuối cùng là xây dựng chủ nghĩa xã hội, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh không thay đổi. Thực tế thì chúng ta đã hai lần sửa đổi mục tiêu. Đó là từ “cơ bản trở thành nước công nghiệp” thành “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” rồi “sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Cương lĩnh đề ra mục tiêu tổng quát, cuối cùng là xây dựng chủ nghĩa xã hội, còn chúng ta đang nói đến những mục tiêu tuy dài hạn song vẫn là những mục tiêu phát triển trung gian để đạt được mục tiêu cuối cùng mà Cương lĩnh đề ra. Do vậy, cần thảo luận để triển khai thực hiện Cương lĩnh tốt hơn, hiệu quả hơn và phù hợp hơn trong giai đoạn tới”.
Ông Nguyễn Xuân Thắng cũng nêu rõ, Trung ương đồng ý với cả hai đề cương đó, với cả hai cách đặt vấn đề, bởi đây là vấn đề chưa chốt, còn phải tiếp tục thảo luận, từ đó có thêm thống nhất trong việc xác định mục tiêu, tầm nhìn phát triển đất nước trong dự thảo các Văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng./.
Đoàn Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII làm việc với Viện KSND Tối cao
Từ khóa: Đại hội XIII, văn kiện Đại hội Đảng, Nguyễn Xuân Thắng, Tổ Biên tập Văn kiện Đại hội Đảng
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN