Văn học nghệ thuật dân gian- Kết tinh và lan tỏa

Cập nhật: 19/12/2020

(VOV5) -Nhiều tác phẩm đi vào các lĩnh vực chuyên sâu và tập trung ở văn hóa các dân tộc ít người, nhất là khu vực phía Nam.

Vào những ngày cuối năm này, Hội Văn học Nghệ thuật Dân gian ngoài việc vinh danh các nghệ nhân cao tuổi, còn công bố các tác phẩm, công trình nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa, văn nghệ dân gian của các hội viên trong cả nước. Những công trình đạt giải cao năm nay phân bố đều ở cả hai mảng sưu tầm và nghiên cứu. Nhiều tác phẩm đi vào các lĩnh vực chuyên sâu và tập trung ở văn hóa các dân tộc ít người, nhất là khu vực phía Nam. Xuất hiện những công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian một tộc người, giúp thế hệ hôm nay và bạn bè thế giới có điều kiện hiểu hơn về nền văn hóa đa sắc màu của 54 dân tộc sống trên đất nước Việt Nam.

Nghe âm thanh bài viết tại đây:

Mùa giải năm chuyển hướng mạnh sang các công trình nghiên cứu có tính lý luận, thực tiễn cao. Theo đánh giá của Hội văn nghệ dân gian Việt Nam, so với những năm trước, năm nay có những công trình chuyên sâu về lĩnh vực ít có chuyên gia. Nhiều công trình đã đi sâu vào những chuyên ngành cụ thể như "Luật tục Bahnar"; "Loại hình tự sự trong văn học dân tộc Thái"; "Văn hóa dân gian Cơ Tu - Truyền thống, biến đổi và năng lực thích ứng"; "Tượng gỗ Tây Nguyên"; "Dèng, hoa văn dèng và biểu tượng cuộc sống của người Tà Ôi"; "Lời nói vần Bahnar ở Kon Tum"...

Văn học nghệ thuật dân gian- Kết tinh và lan tỏa - ảnh 1Tiến sỹ Lê Hồng Lý, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam (phải) trao hai giải cao nhất cho các tác giả. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Giáo sư, Tiến sỹ Lê Hồng Lý – Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian cho rằng đây là một điểm sáng rất đáng ghi nhận của anh em hội viên: "Điều rất mừng là phần sưu tầm tham dự giải năm nay là đã giảm bớt. Nhiều đề tài nghiên cứu chuyên sâu về lĩnh vực văn hóa, văn học dân gian trong đời sống văn học đương đại, có sự kết nối và ứng dụng như thế nào đã nhiều lên. Đây tuy là điều đáng mừng, nhưng vẫn đặt ra đối với người làm Hội Văn nghệ dân gian mà trong khóa này, Ban chấp hành chúng tôi đang suy nghĩ để có hướng đi cụ thể trong năm tới. Rất mong các anh em hội viên nhìn nhận và ủng hộ."

Công trình nghiên cứu chuyên sâu là so sánh “Âm nhạc dân gian các tộc người Thái, Lào ở Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào” do Giáo sư Lê Toàn chủ nhiêm đề tài, tác phẩm thực sự thuyết phục Hội đồng Chung khảo khi nghiên cứu sâu âm nhạc dân gian của người Thái, Lào ở Tây Bắc Việt Nam và người Thái, Lào sống ở Đông Bắc nước Lào và sự biến đổi trong đời sống đương đại. Trong dòng chảy cuộc sống, người Thái, Lào dù sống ở Việt Nam, hay sống ở nước Lào thì họ vẫn giữ được âm nhạc dân gian truyền thống và được lưu truyền từ ngàn đời nay. Tuy nhiên cũng có sự biến đổi, xê dịch để thích nghi với điều kiện sống riêng của từng vùng, từng hoàn cảnh xã hội cụ thể.

Đây là một trong những điều thú vị được tiến sĩ Kiều Trung Sơn- Viện Hàn lâm khoa học – xã hội Việt Nam, thành viên tham gia đề chia sẻ: "Âm nhạc dân gian thì sinh ra từ dân gian, và dân gian lưu giữ. Muốn tìm hiểu thì phải sống sâu thì mới hiểu được. Thế thì người Lào ở bên nước Lào, cũng giống như người Lào sống ở Việt Nam. Nhưng người Lào ở bên Lào là dân tộc chủ thể. Còn người Lào sống ở Việt Nam thì là một trong các dân tộc thiểu số. Đấy cũng là một sự khác biệt. Chính vì thế âm nhạc của Lào ở Việt Nam và cách người ta trình diễn thực hành cũng có sự khác biệt. Tuy nhiên về căn cốt, tính thẩm mỹ của từng tộc người, vẫn có sự lưu giữ những điểm chung. Vì thế dù có sống ở hai quốc gia thì họ vẫn có thể giao lưu bằng cách chơi nhạc với nhau, và hòa đồng được. Còn về biến đổi thì âm nhạc của Lào ở nước Lào, thì đó là ở quốc gia họ và thường xuyên vang lên trên làn sóng và các phương tiện truyền thông. Còn âm nhạc của Lào ở Việt Nam thì họ có thể tham gia vào các chương trình hội diễn. Họ mang bản sắc đặc trưng âm nhạc của họ để cùng hòa chung với các dân tộc khác như Thái, Cơ Tu, Hà Nhì… Và họ lưu giữ được những giá trị truyền thống cổ hơn cả người Lào ở nước Lào."

Văn học dân gian Thái nói riêng, và dân tộc Thái ở Việt Nam nói chung nhờ vào thế mạnh có chữ viết riêng, nên trong quá trình giao lưu và tiếp biến, hệ thống các truyện cổ tích, thần thoại, ngụ ngôn; các trường ca, truyện thơ, sử thi, anh hùng ca; các bài ca dao, đồng dao; các câu thành ngữ, tục ngữ... nội dung bao trùm mọi lĩnh vực đời sống tự nhiên và đời sống con người, cả đời sống vật chất cũng như đời sống tinh thần... luôn được gìn giữ và biến đổi phù hợp.

Điều này đã được tiến sĩ Nguyễn Thị Hải Anh trong công trình nghiên cứu “Loại hình tự sự trong văn học dân tộc Thái” chỉ ra rất rõ sự khác biệt của thể loại, lan tỏa trong đời sống văn học Thái hôm nay. Tác phẩm vinh dự được nhận Giải Nhì B (không có Giải A) của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam năm nay: "Có sự tương đồng, nhưng cũng có sự khác biệt trong thể loại tự sự dân gian. Ví dụ về mặt nội dung thì sự tương đồng trong loại hình văn học tự sự văn học Thái nói chung đó là giá trị nhân văn, sự trân trọng và niềm tin yêu của các tác giả dân gian cũng như tác giả hiện đại đối với lại con người. Thông qua đó thì cả tác giả dân gian và tác giả hiện đại thể hiện góc nhìn khá là biện chứng. Đây là điều đặc biệt của văn học dân tộc Thái đối với cuộc sống nói chung và con người nói riêng. Còn sự khác biệt thì trong văn học dân gian nó là thể loại truyền miệng nên mang tính chất dị bản rất cao. Hoặc sự khác biệt chi phối bởi nền văn hóa của dân gian và bây giờ là sự khác biệt của nền văn hóa hiện đại có sự kế thừa nhưng cũng có nét khác biệt."

Với độ lùi rất xa về mặt thời gian, nhưng truyền thuyết về “Thánh Gióng” vẫn luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà nghiên cứu về văn hóa và các giá trị tinh thần song hành với thời gian. Với đề tài nghiên cứu “Truyền thuyết Thánh Gióng- Đặc điểm và giá trị văn hóa” tác giả Ngô Thị Hồng Giang đã tìm ra được nét mới, đó là đi sâu phân tích ở góc độ văn hóa, từ các di tích lịch sử, các trò diễn trong lễ hội cho đến những trang sách, truyện, kiến trúc, tượng đài và trong ngôn từ sinh hoạt hằng ngày.

Đây là một trong những công trình nghiên cứu công phu, bài bản thể hiện trí tuệ, tâm huyết của tác giả Ngô Thị Hồng Giang trong việc kết nối giá trị văn hóa truyền thống trong truyền thuyết “Thánh Gióng” với loại hình nghệ thuật đương đại: "Truyền thuyết Thánh Gióng là đề tài, cảm hứng sáng tạo cho nhiều loại hình nghệ thuật, trong đó có nghệ thuật tạo hình. Ví dụ như tượng đài. Tượng đài Thánh Gióng ở huyện Sóc Sơn- Hà Nội là địa điểm tâm linh cho nhân dân cả nước về chiêm bái thể hiện lòng thành kính.

Thánh Gióng cũng là đề tài cho các bạn sinh viên trong các môn học mới như là thiết kế đồ họa, thiết kế 3D, thiết kế game, thiết kế phim… đều lấy hình tượng Thánh Gióng về cả quy mô và kích thước thể hiện rất độc đáo, cùng trí tượng tượng vô cùng sáng tạo.

Thánh Gióng trong lĩnh vực truyện, các em học sinh đều có thể tưởng tượng và đưa ra những kết thúc khác nhau. Hình tượng Thánh Gióng từ người trẻ cho tới người già đều tìm thấy hình ảnh của mình ở trong đó, nên rất sống động."

Trong dòng chảy của cuộc sống đương đại, có những giá trị văn hóa bị mai một, thậm chí là biến mất. Nhưng cũng có những giá trị có sự biến thể để phù hợp với xu thế phát triển chung của xã hội. Cuộc sống ngày càng phát triển thì con người luôn muốn nhìn lại quá khứ, để soi chiếu những giá trị nhân văn cốt lõi trường tồn.

Với 70 công trình dự giải, Hội Văn nghệ dân gian đã trao hai giải Nhì A, mỗi giải trị giá 25 triệu đồng cho hai tác phẩm xuất sắc là “Sự tương đồng và khác biệt trong âm nhạc dân gian các tộc người Thái, Lào ở Tây Bắc Việt Nam và Đông Bắc Lào của tác giả Lê Văn Toàn (chủ biên) và các cộng sự Kiều Trung Sơn, Boun Theng Souksavatd, Đỗ Thị Thanh Nhàn, Hà Văn Đức, Nguyễn Minh Cường; tác phẩm “Văn hóa - Nghệ thuật Chùa Việt - Vài nét cơ bản” của tác giả Trần Lâm Biền (Cục Di sản Văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Từ khóa:

Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập