Văn hoá phải được quan tâm đầy đủ và tương xứng
Cập nhật: 17/12/2022
VOV.VN - Bên cạnh nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, văn hóa vẫn chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng với kinh tế.
Sáng nay 17/12, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa".
Chủ trì điều hành Hội thảo có: ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội; ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên Trung Đảng, Ủy viên UBTVQH Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
Hội thảo diễn ra trong 1 ngày với 800 đại biểu tham dự trực tiếp và được kết nối với một số điểm cầu trong cả nước và phát trực tuyến trên nền tảng Internet.
Hội thảo gồm 2 phiên (phiên chuyên đề buổi sáng và phiên toàn thể buổi chiều) với 3 nhóm nội dung chính: Thể chế, Chính sách và Nguồn lực phát triển văn hóa. Mỗi phiên sẽ có 1 báo cáo trung tâm, các tham luận và phần thảo luận của các diễn giả, chuyên gia (phần thảo luận với hình thức trao đổi, thảo luận bàn tròn).
Phát biểu khai mạc, ông Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước luôn nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của văn hoá, dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng, phát triển văn hoá, con người Việt Nam.
Hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa, con người Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, thể hiện rõ trong nhiều văn kiện quan trọng kể từ khi Đảng được thành lập tới nay.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; xác định một trong những định hướng lớn là phát triển con người toàn diện, xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
“Hoàn thiện thể chế, chính sách, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế, trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong giai đoạn hiện nay” – ông Trần Thanh Mẫn khẳng định.
Bên cạnh nhiều thành tựu to lớn trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng chỉ rõ, văn hóa vẫn chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm đầy đủ, tương xứng với kinh tế.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ một trong các nguyên nhân chính của những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hoá là “việc thể chế hoá và tổ chức thực hiện đường lối văn hoá của Đảng còn thiếu đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả”; đồng thời yêu cầu phải “phân tích sâu sắc các nguyên nhân này để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển nền văn hoá Việt Nam trong thời gian tới” và nhấn mạnh việc “sớm khắc phục tình trạng chậm thể chế hoá đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hoá, xây dựng con người”; “phát huy tối đa các nguồn lực từ Nhà nước và xã hội, từ trong nước và nước ngoài để phát triển văn hoá”.
Quốc hội từ các khóa XII, XIII đã tổ chức nhiều diễn đàn lớn nhằm huy động và phát huy rộng rãi trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm của các vị đại biểu Quốc hội, của cử tri, Nhân dân cả nước, của các chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong và ngoài nước trong việc đóng góp kịp thời vào các quyết sách của Quốc hội.
Kế thừa thành công, kinh nghiệm của các diễn đàn, hội thảo trước đây; với tinh thần chuẩn bị “từ sớm, từ xa” của Quốc hội; nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, lãnh đạo Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, đề xuất tổ chức Hội thảo về chủ đề “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.
Hội thảo hôm nay sẽ tập trung đánh giá tình hình thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển văn hóa; việc huy động, bố trí nguồn lực cho bảo tồn và phát triển văn hóa và các vấn đề đặt ra từ thực tiễn.
Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa đáp ứng yêu cầu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam.
“Mong sẽ nhận được nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, sâu sắc của các quý vị đại biểu, đóng góp cho thành công của Hội thảo. Trên cơ sở các đề xuất, kiến nghị và giải pháp, sau khi kết thúc Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo sẽ xây dựng Báo cáo tổng thuật gửi tới Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các Ban, Bộ, ngành và địa phương để phục vụ kịp thời công tác hoạch định, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển văn hóa” – ông Trần Thanh Mẫn nói./.
Từ khóa: Hội thảo văn hoá 2022, Trung tâm văn hoá kinh bắc, chính sách về văn hoá, nguồn lực đầu tư cho văn hoá, Trần Thanh Mẫn, Vương ĐÌnh Huệ, Võ Văn Thưởng
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN