Văn hóa là nền tảng của phát triển
Cập nhật: 27/01/2021
Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa (30/11/2024)
Những dự án mới kích cầu du lịch xuân Ất Tỵ 2025 tại thành phố HCM (29/11/2024)
[VOV2] - Văn hóa nếu nói là động lực thúc đẩy sự phát triển không thôi thì chưa đủ, mà hơn thế - văn hóa còn được xác định là sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển, chi phối mọi mặt đời sống xã hội.
Có lẽ cũng đã từ khá lâu rồi, văn hóa không chỉ được nhìn nhận một cách đơn thuần là yếu tố tinh thần mà nó còn bao hàm trong đó cả những giá trị vật chất. Văn hóa đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước, chi phối mọi mặt của đời sống xã hội.
Cũng chính bởi vậy nên, trải qua các giai đoạn, qua các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn nhất quán một quan điểm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội”.
“Nền tảng” - tức là nền móng, bệ đỡ chắc chắn cho các yếu tố khác tồn tại lâu dài, phát triển bền vững. Nói như vậy để thấy, văn hóa - nếu nói là động lực thúc đẩy sự phát triển không thôi thì chưa đủ, mà hơn thế - văn hóa còn được xác định là sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển.
Nhìn từ góc độ xã hội, văn hóa là nền tảng của các hoạt động xã hội. Khi các giá trị văn hóa được đề cao thì các mối quan hệ xã hội cũng tựa vào đó để điều chỉnh theo hướng chuẩn mực, chân - thiện - mỹ. Ngược lại, xã hội phát triển, con người phát triển thì văn hóa cũng có điều kiện được bảo tồn và phát triển.
Dưới góc độ kinh tế - chính trị, thực tế đã chứng minh, sẽ không thể thực hành chính trị một cách thông minh và thành công, không thể phát triển kinh tế nhanh và bền vững nếu thiếu sự chỉ dẫn soi đường của văn hóa. Nói cách khác, đất nước muốn phát triển bền vững thì văn hóa phải thật sự thấm sâu, gắn kết chặt chẽ với chính trị và kinh tế. Nghĩa là, văn hóa không thể đứng ngoài mà phải ở bên trong kinh tế - chính trị.
Vậy xét về góc độ con người thì sao? Có lẽ không quá khi nói rằng, văn hóa kích thích sự sáng tạo và đánh thức những năng lực tiềm ẩn của con người.
Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đã dành mục VII với tiêu đề “Xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam”. Con người vừa là chủ thể sáng tạo ra văn hóa, đồng thời cũng là mục tiêu của phát triển văn hóa. Vì vậy, đầu tư xây dựng các giá trị văn hóa cũng chính là bắt nguồn từ xây dựng con người văn hóa.
Với người Việt Nam chúng ta, tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết và tính nhân văn nhân ái, sự ham học hỏi, sẵn sàng tiếp thu cái mới – đó chính là những giá trị cốt lõi, là sức mạnh nội sinh làm nên giá trị văn hóa Việt, con người Việt trong thời đại mới. Chính sức mạnh ấy, giá trị ấy đã giúp Việt Nam vững vàng đi qua những năm tháng chiến tranh tàn khốc để mỗi ngày thêm lớn mạnh, trưởng thành, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước hôm nay.
Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ, Việt Nam với những thành tích ngoạn mục trong xoá đói giảm nghèo và được thế giới công nhận, Việt Nam tham gia hầu hết các tổ chức tiến bộ của quốc tế, có quan hệ ngoại giao với tất cả các nước và vùng lãnh thổ… Đó chính là minh chứng rõ nét cho thấy chúng ta đã và đang phát huy cao độ phẩm chất, giá trị cốt lõi của người Việt, của văn hoá Việt. Chính sự kết tinh hài hoà các giá trị ấy đã làm nên một sức mạnh Việt Nam thật đáng tự hào.
Nói như vậy để thấy, văn hóa thấm vào và chi phối mọi mặt của đời sống xã hội, vào lĩnh vực chính trị với tư cách là văn hóa chính trị, vào kinh tế với tư cách là văn hoá kinh doanh, văn hoá doanh nghiệp, văn hoá tổ chức, quản trị và điều hành đất nước - và hơn hết - vào con người…
Tài nguyên quý giá nhất của con người đó chính là văn hoá, là nguồn nhân lực, là tri thức, trí tuệ trong nền kinh tế tri thức. Do vậy, việc thiết lập mối quan hệ văn hoá - kinh tế là cực kỳ quan trọng, đảm bảo phát triển bền vững đất nước.
Nâng cao văn hoá chính trị cũng là điều mà bất cứ quốc gia nào cũng không thể xem nhẹ. Một hệ thống chính trị chỉ có thể vận hành tốt, đi đúng đường hướng… khi mà mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống ấy xây dựng được cho mình văn hoá chính trị chuẩn mực, chuẩn mực từ tri thức cho tới đạo đức, lối sống… Văn hoá chính trị phải làm sao mang lại giá trị sức mạnh tinh thần, khơi dậy những tiềm năng, góp phần hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam thời đại mới.
“Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực phát triển bền vững đất nước, con người là trung tâm trong chiến lược phát triển”. Quan điểm xuyên suốt đó của Đảng như một lời khẳng định cho những sức mạnh văn hóa tiềm tàng, cũng là sự thể hiện quyết tâm, làm sao để bồi đắp, xây dựng nền tảng ấy thực sự vững chắc, tạo bệ phóng cho những giá trị Việt thăng hoa, vươn mình lớn mạnh cùng đất nước.
Từ khóa: văn hóa là nền tảng phát triển; văn hóa chi phối; văn hóa kinh tế; văn hóa chính trị
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2