Văn hóa chưa thật sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội

Cập nhật: 24/11/2021

VOV.VN - Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Hội nghị chỉ rõ, văn hóa chưa thật sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội.

Sáng 24/11/2021, tại Hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội), Bộ Chính trị - Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ điểm cầu T.Ư (tại Nhà Quốc hội) đến 63 tỉnh, thành và mở rộng đến các xã, phường, thị trấn.​​​​​

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng tại hội nghị. Cùng dự có Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng.

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ: Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động, sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử của dân tộc; hình thành những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững: yêu nước, cần cù, dũng cảm, tài trí, lạc quan, hòa hiếu và khoan dung.

Sau 35 năm đổi mới đất nước, các tầng lớp xã hội quan tâm đến giáo dục con người toàn diện ngay từ thủa ấu thơ, ở từng cấp học; kết hợp dạy chữ, dạy người, dạy kỹ năng. Các giá trị đạo đức truyền thống được giữ gìn, phát huy, đổi mới theo hướng phù hợp với nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế.  Sự liên kết, phối hợp 3 lĩnh vực gia đình- nhà trường - xã hội trong xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống, nhân cách cho giới trẻ được phát huy.

Nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc có sự chuyển biến tích cực, tạo cơ chế xử lý hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, kinh tế, xã hội; huy động được nhiều nguồn lực giữ gìn di sản văn hóa truyền thống, nhất là một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một. Nhiều di sản văn hóa được vinh danh. Di sản văn hóa dân tộc thiểu số được quan tâm, giữ gìn và phát huy, nhất là nhiệm vụ bảo tồn khẩn cấp văn hóa các dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: “Trong dòng chảy của văn hóa Việt Nam sau 35 năm đổi mới cho thấy, nhận thức về văn hóa, xã hội, con người ngày càng toàn diện, sâu sắc hơn. Tư tưởng, đạo đức và lối sống - lĩnh vực then chốt của văn hóa đã có những chuyển biến tích cực; hệ thống chính sách pháp luật về văn hóa tiếp tục được hoàn thiện, tạo điều kiện cho nhân dân tham gia tích cực vào hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hoá…Thực tiễn đã chứng minh, những lúc đất nước khó khăn thì các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc được khơi dậy và phát huy mạnh mẽ; lòng yêu nước, tinh thần tương thân, tương ái, sống có nghĩa, có tình, mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam lại càng tỏa sáng”.

Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được triển khai gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Chuẩn mực văn hóa chính trị từng bước được hình thành.

Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Hội nghị chỉ rõ quan điểm xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách chưa thật sự thấm sâu trong các tầng lớp xã hội. Đời sống vật chất nâng lên nhưng đời sống văn hóa tinh thần chưa phát triển tương xứng, một số mặt yếu kém, tiêu cực chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, thậm chí gia tăng. Một số mặt đạo đức xã hội có biểu hiện xuống cấp nghiêm trọng, lối sống thực dụng, hưởng thụ vật chất, khoảng cách giàu - nghèo, phân hóa xã hội đã và đang ảnh hưởng không tốt đến giáo dục lý tưởng, đạo đức và nhân cách. Đáng chú ý, văn hóa chưa thật sự được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội.

Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam nêu rõ: “Công nghiệp văn hóa hiện nay đang đóng vai trò mũi nhọn của nền kinh tế tri thức, làm nên thành tựu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ, góp phần truyền bá, bảo tồn, phát huy giá trị tinh hoa văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, nền văn nghệ còn xa lạ với cách mạng công nghệ 4.0. Cơ sở vật chất, sân khấu, các đơn vị nghệ thuật đa phần cũ kỹ lỗi thời khó có thể nói đến việc ứng dụng công nghệ 4.0. Có thể thấy nghệ thuật sân khấu Việt Nam trong công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có lẽ phải có những nhà hát với những trang thiết bị cơ sở vật chất tương ứng, đặc biệt phải có đội ngũ sáng tạo và cả khán giả đều phải mang tầm tri thức của thời cách mạng công nghệ 4.0”.

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội; tỉnh Thừa Thiên Huế và tỉnh An Giang đã nêu bật những kết quả đạt được và bài học kinh nghiệm trong phát huy giá trị văn hóa, trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội. Đại diện các nhà trí thức, khoa học và văn nghệ sỹ đã nhấn mạnh văn hóa- con người nhân tố bảo đảm sự phát triển bền vững của Việt Nam. GS. TS Khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh điều quyết định thành công trong sự nghiệp phát triển đất nước tới phồn vinh là khơi dậy khát vọng dân tộc. Khát vọng sẽ dẫn tới tự tin và có thể biến những nguồn lực nội sinh thành lợi thế, sức mạnh.

“Giải pháp quan trọng đầu tiên phải là đổi mới tư duy nhận thức một cách căn bản. Trước hết phải thấm nhuần sâu sắc quan điểm văn hóa không chỉ là một lĩnh vực hoạt động chúng ta phải hiểu văn hóa làm nền tảng tinh thần của xã hội là hồn cốt là khí chất của một dân tộc. Trong thời kỳ hiện nay văn hóa không chỉ là tài sản để chúng ta cất giữ để chúng ta nâng niu để chúng ta tự hào mà phải được coi là sức mạnh mềm của đất nước để có thể mở rộng hợp tác và cạnh tranh sòng phẳng trên trường quốc tế” - GS. TS Khoa học Vũ Minh Giang nói.

Từ 6 bài học kinh nghiệm được rút ra, Hội nghị Văn hóa toàn quốc thống nhất mục tiêu, định hướng và giải pháp trọng tâm nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thời gian tới. Trong đó tập trung xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, dân chủ, khoa học và nhân văn. Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững đất nước và bảo vệ  vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ: “Tập trung nghiên cứu, xác định và triển khai xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người Việt Nam gắn với giữ gìn, phát huy hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới. Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống, nhân cách, tâm hồn. Gắn xây dựng, rèn luyện đạo đức với thực hiện quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Xây dựng gia đình thực sự là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục nếp sống cho con người. Phát huy vai trò của Văn học nghệ thuật trong bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm, nhân cách của con người”./.

Từ khóa: Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, Hội nghị Diên Hồng về văn hóa, Tổng Bí thư, Nguyễn Phú Trọng

Thể loại: Văn hóa - Giải trí

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập