Vấn đề gai góc nhất cho thỏa thuận hòa bình ở Ukraine

Cập nhật: 15/11/2024

VOV.VN - Các đảm bảo an ninh chứ không phải lãnh thổ, được coi là vấn đề gai góc nhất trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào.

Vấn đề gai góc nhất

Tổng thống đắc cử Donald Trump có lẽ sẽ thúc đẩy thời hạn cho đàm phán hòa bình ở Ukraine. Kiev coi các đảm bảo an ninh để chống lại các cuộc tấn công trong tương lai đóng vai trò quan trọng với bất kỳ sự dàn xếp nào.

Các quan chức Ukraine đã tuyên bố trong nhiều tháng qua rằng họ sẽ không nhượng bộ các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát để đổi lấy thỏa thuận hòa bình. Hiện nay, trước một lịch trình đàm phán được ông Donald Trump đẩy nhanh, điều Kiev coi trọng là việc đạt được các đảm bảo an ninh về xác định ranh giới ngừng bắn cuối cùng.

Trong bối cảnh các lực lượng của Ukraine liên tục mất đi lãnh thổ ở phía Đông, 2 quan chức cấp cao cho biết việc bảo vệ các lợi ích của Ukraine trong các cuộc đàm phán tiềm năng sẽ không phụ thuộc vào ranh giới lãnh thổ, vốn được quyết định bởi giao tranh, mà là phụ thuộc vào những đảm bảo nào được đưa ra để duy trì lệnh ngừng bắn.

"Các cuộc đàm phán phải dựa trên các đảm bảo. Với Ukraine, không có gì quan trọng hơn điều đó", Roman Kostenko, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và Tình báo của Quốc hội Ukraine cho biết. Một quan chức cấp cao Ukraine giấu tên đã chia sẻ trực tiếp hơn khi nói rằng: "Vấn đề lãnh thổ cực kỳ quan trọng nhưng đó vẫn là vấn đề thứ yếu. Vấn đề đầu tiên là các đảm bảo an ninh".

Ukraine thiết lập biên giới của mình dựa trên tuyên bố độc lập năm 1991. Nga hiện kiểm soát khoảng 20% lãnh thổ Ukraine nhưng Kiev sẽ không chính thức từ bỏ yêu sách của mình đối với bất kỳ lãnh thổ nào đang nằm dưới sự kiểm soát của Nga, ông Kostenko cho hay.

Vào tháng 10, Tổng thống Volodymyr Zelensky khi thảo luận về lệnh ngừng bắn đã nói rằng: "Mọi người đều hiểu bất kể chúng ta đi theo con đường nào, về mặt pháp lý, sẽ không ai công nhận các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng là thuộc về các quốc gia khác".

Các quan chức ở Kiev đã tìm kiếm tư cách thành viên trong NATO như một sự đảm bảo chống lại các cuộc tấn công mới từ Nga. Các quan chức phương Tây đã cho thấy họ muốn Ukraine gia nhập NATO nhưng không phải theo bất kỳ lịch trình nào được đẩy nhanh.

Giới chức Ukraine cũng cho rằng, một kho vũ khí thông thường mạnh mẽ do phương Tây cung cấp cho phép Ukraine phản công nhanh chóng, đối phó với các hành động thù địch trong tương lai.

Các đảm bảo an ninh chứ không phải lãnh thổ, được coi là vấn đề gai góc nhất trong bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. Khi Ukraine và Nga tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình vào năm 2022, Nga đã phản đối điều khoản quan trọng của thỏa thuận được đề xuất: Đó là việc ràng buộc các quốc gia khác phải bảo vệ Ukraine nếu nước này bị tấn công lần nữa.

Nga từ lâu đã nói rằng họ coi việc Ukraine gia nhập NATO là không thể chấp nhận được. Họ ám chỉ rằng động thái như vậy sẽ phá vỡ thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời cho thấy họ muốn giữ quyền kiểm soát lãnh thổ đã chiếm được ở Ukraine.

Các cuộc thảo luận về một giải pháp tiềm năng nóng lên kể từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tuần trước với chiến thắng thuộc về ông Trump, người đã tuyên bố sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán ngay lập tức. Đó là sự thay đổi so với lập trường bấy lâu nay của chính quyền Tổng thống Biden, rằng thời điểm và các điều khoản của bất kỳ giải pháp nào nên do Ukraine quyết định. Ông Trump đã công khai bày tỏ nghi ngờ về việc tiếp tục cung cấp viện trợ của Mỹ cho Ukraine và nói rằng ông có thể chấm dứt xung đột trong 1 ngày nhưng không nói bằng cách nào.

Quân bài mặc cả của Ukraine

Một vấn đề cấp bách đối với bất kỳ lệnh ngừng bắn nào trên mặt trận là việc Ukraine chiếm một số khu vực của Kursk ở phía Tây Nam nước Nga, nơi mà các lực lượng của Kiev tiến hành cuộc đột kích vào tháng 8. Ukraine coi vùng lãnh thổ này là một quân bài mặc cả tiềm năng trong các cuộc đàm phán nhưng ở Moscow, việc Ukraine rời đi được coi là điều kiện tiên quyết để bắt đầu trao đổi. Các quan chức Mỹ cho biết, Nga đã điều 50.000 quân tới Kursk để chuẩn bị cho cuộc phản công đẩy lùi Ukraine khỏi lãnh thổ Nga.

Nếu Ukraine bị đẩy khỏi Kursk, Nga có thể chấp nhận lệnh ngừng bắn dọc tiền tuyến vào mùa xuân năm sau, nghị sĩ Nga Konstantin Zatulin cho hay trong một cuộc trả lời phỏng vấn. Theo ông: "Mọi thứ đều dựa trên sự thật. Mọi thứ chúng ta có là của chúng ta. Mọi thứ Ukraine có là của Ukraine".

Đối với một số người theo đường lối cứng rắn ở Moscow, các điểm tranh chấp, bao gồm cả các yêu sách lãnh thổ, khiến việc giải quyết vào mùa xuân năm sau khó xảy ra.

Một quan chức cấp cao của Ukraine cho biết Kiev muốn đảm bảo rằng bất kỳ lệnh ngừng bắn nào đều sẽ không gây tổn hại đến quá trình phục hồi kinh tế đất nước sau xung đột. Các quan chức Kiev cũng nhận định, chiều rộng của một khu phi quân sự là một cân nhắc quan trọng.

Đã có những phe phái đối địch trong đội ngũ của ông Trump đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về Ukraine. Một lập trường do Phó Tổng thống đắc cử JD Vance đưa ra chủ yếu phù hợp với các điểm thảo luận của Điện Kremlin. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thì ủng hộ sự hỗ trợ quân sự mạnh mẽ hơn những gì chính quyền Tổng thống Biden sẵn sàng cung cấp cho Kiev.

Ông Trump và ông Zelensky đã nói chuyện vào tuần trước, nhưng không bên nào công khai những gì đã thảo luận.

Tổng thống Zelensky kêu gọi sự ủng hộ từ Mỹ và các nước châu Âu cho cái mà ông gọi là chiến lược "hòa bình thông qua sức mạnh" nhằm củng cố quân đội Ukraine và cải thiện vị thế của nước này trên chiến trường trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu.

Đổi lãnh thổ lấy hòa bình?

Hiện nay, Ukraine đang mất dần lãnh thổ nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào kể từ khi xung đột nổ ra. Nga đã mài giũa một chiến thuật hiệu quả thông qua các cuộc tấn công bộ binh nhỏ. Với quá ít binh lính, Ukraine buộc phải điều chuyển quân giữa các điểm nóng trên mặt trận để ngăn chặn các phòng tuyến sụp đổ.

Trong kế hoạch của mình được gọi là Công thức Hòa bình, Ukraine đã đưa ra 10 yêu cầu, bao gồm rút quân hoàn toàn, truy tố tội ác chiến tranh và bồi thường thiệt hại. Tại một Hội nghị Thượng đỉnh vào tháng 6, nơi không có sự tham gia của Nga, những yêu cầu đó đã không được giải quyết.

Tuy nhiên, có khoảng 80 quốc gia đã tán thánh 3 điểm trong kế hoạch trên của Ukraine bao gồm: trao đổi tù nhân chiến tranh và Nga thả các con tin là dân thường, bảo vệ các địa điểm hạt nhân như nhà máy điện Zaporizhzhia bị chiếm đóng và đảm bảo vận chuyển thương mại tự do trên Biển Đen.

Kể từ đó, ông Zelensky đã làm dịu lập trường của Ukraine, cử Ngoại trưởng đến Trung Quốc để hoan nghênh vai trò của nước này và nói rằng Nga có thể được mời tham dự phiên đàm phán tương lai về Công thức Hòa bình.

Tỷ lệ người dân Ukraine ủng hộ giải pháp nhượng bộ lãnh thổ để đổi lấy hòa bình đang ngày càng gia tăng. Một cuộc thăm dò của Viện Xã hội học Quốc tế Kiev vào tháng 10 cho thấy 32% người dân Ukraine ủng hộ một thỏa thuận như vậy, tăng so với con số 19% vào năm ngoái.

Nhưng theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andriy Zagorodnyuk, việc đảm bảo một giải pháp có lợi cho Ukraine trong khi Nga đang tiến công sẽ cực kỳ khó khăn.

Từ khóa: ukraine, thỏa thuận hòa bình ở ukraine, đảm bảo an ninh, xung đột ukraine, nhượng bộ lãnh thổ, xung đột ở ukraine, vấn đề gai góc nhất, quân đội nga

Thể loại: Tin tức sự kiện

Tác giả: kiều anh/vov.vn (biên dịch)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập