Vẫn còn nhiều rào cản để phụ nữ tham gia nhiều hơn vào chính trị

Cập nhật: 22/10/2019

VOV.VN -Tỷ lệ nữ tham gia chính trị tại tất cả các cấp đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ.

Chiều 17/10, tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết, qua 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, tỷ lệ nữ tham gia chính trị tại tất cả các cấp đã có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ nữ Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên BCH TW Đảng tăng trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Lần đầu tiên có nữ Chủ tịch Quốc hội và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị.

van con nhieu rao can de phu nu tham gia nhieu hon vao chinh tri  hinh 1
Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới.

Nhiệm kỳ 2016 – 2021, tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội và HĐND đều tăng so với nhiệm kỳ 2007 – 2011. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của Châu Á. Tính đến 2017 có 13/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 16/63 tỉnh, thành phố có nữ lãnh đạo chủ chốt. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ và vẫn còn nhiều rào cản để phụ nữ tham gia nhiều hơn trong lĩnh vực này.

Theo Bộ LĐTBXH, tỷ lệ cán bộ nữ đứng đầu ngành, địa phương còn rất khiêm tốn. Một số nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể, dẫn đến khó khăn trong triển khai thực hiện như quy định về hỗ trợ cho cán nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo bồi dưỡng mang theo con dưới 36 tháng tuổi.

Khác biệt trong độ tuổi nghỉ hưu cũng tạo ra rào cản trong quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ. Việc mở rộng tuổi nghỉ hưu chỉ quy định được đối với Thứ trưởng và tương đương trở lên. Bên cạnh đó, công tác cán bộ nữ chưa được quan tâm thực chất, tại nhiều cơ quan, đơn vị đã thực hiện quy hoạch nhưng chưa thực hiện đào tạo và bố trí cán bộ nữ.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, 10 năm qua, Luật Bình đẳng giới cùng với các cơ quan quản lý nhà nước đã tiến hành xây dựng tương đối đồng bộ các cơ sở pháp lý, từng bước đưa vấn đề giới vào cuộc sống. Đồng thời, từng bước tăng cường thực thi trách nhiệm lồng ghép giới vào tất cả các văn bản pháp luật, thúc đẩy phụ nữ tham gia vào chính trị, trao quyền cho phụ nữ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ, 1 thay đổi quan trọng là qua 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, thay đổi nhận thức của đàn ông đối với phụ nữ và trẻ em gái rõ rệt, điều này hiện hữu trong từng gia đình.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, thời gian tới cần thúc đẩy nhận thức trao quyền năng cho phụ nữ, nhất là quyền tham gia vào chính trị.

“Yêu cầu bắt buộc phụ nữ phải tham gia cấp ủy, vào HĐND. Tuy nhiên, công tác chuẩn bị phải rất quan trọng, phải có sự chuẩn bị nhân sự trước, xây dựng kế hoạch bài bản. Nơi nào chưa bầu được nhân sự thì phải để trống và phải bầu bằng được”- Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Tại hội nghị, Bộ LĐTBXH cũng cho biết, qua 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới, trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng từ 4% năm 2009 tới năm 2017 đạt 27,8% (trong đó tại thành thị là 33,2% và tại nông thôn là 20,1%), cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân và xếp thứ 7/54 trong số các nước có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ.

Trong lĩnh vực lao động, tỷ lệ lao động nam và nữ tham gia thị trường lao động luôn giữ ở mức khá ổn định, trong đó nữ từ 48% đến 48,5%.

Các quy định về bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình đã được lồng ghép trong các luật chuyên ngành, cụ thể như Luật đất đai 2013, Luật hôn nhân và gia đình 2014, Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007, Luật trẻ em năm 2016...

Tuy nhiên, tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Định kiến về vai trò của nam và nữ trong gia đình và xã hội tạo gánh nặng cho cả phụ nữ và nam giới. Tâm lý ưa thích con trai dẫn đến tình trạng gia tăng tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh và tình trạng nạo phá thai lựa chọn giới tính./.


Từ khóa: bình đẳng giới, phụ nữ tham gia vào chính trị, bộ lđtbxh, bộ trưởng Đào Ngọc Dung

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập