Vẫn còn nhiều dư địa cho việc cải thiện môi trường kinh doanh
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN -Việc tăng cường đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp, thúc đẩy cải cách hành chính sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương trong thời gian tới.
Theo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2018, mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam đã có sự thay đổi tích cực tạo động lực giúp doanh nghiệp phát triển. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức là 54,8% - mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây - nhưng vẫn là tỷ lệ rất cao. Điều này cho thấy các cơ quan nhà nước đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc tăng cường liêm chính hoạt động sản xuất kinh doanh là vấn đề rất cần thiết.
Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng các địa phương cần tăng cường công khai, minh bạch hơn nữa. |
Năm nay, tỉnh Đồng Tháp đứng hàng thứ 2 về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và đây cũng là 11 năm tỉnh nằm trong nhóm đầu của cả nước về chỉ số PCI. Theo ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, kinh nghiệm của tỉnh Đồng Tháp là sau mỗi kỳ công bố chỉ số PCI, tỉnh sẽ rà soát những chỉ số còn thấp, chưa đạt để phấn đấu cải thiện trong thời gian tới.
Cụ thể, tỉnh sẽ phân công các sở, ngành những công việc cụ thể và thường xuyên theo dõi kiểm tra đôn đốc thực hiện. Mô hình cà phê doanh nhân của tỉnh Đồng Tháp đang được duy trì nhiều năm nay nhằm góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Trong 2018 có tới 92% doanh nghiệp tham gia điều tra PCI tại Đồng Tháp đánh giá cán bộ có thái độ thân thiện trong quá trình giải quyết công việc hiệu quả, 90% nhận thấy cán bộ nhà nước giải quyết công việc hiệu quả- đây là hai chỉ tiêu Đồng Tháp cao nhất cả nước. Về môi trường kinh doanh bình đẳng nhất so với các tỉnh, thành phố khác.
Ông Nguyễn Văn Dương cho biết:Tỉnh Đồng Tháp chúng tôi luôn xem chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là cảm hứng là động lực cải cách mạnh mẽ. Do đó, chúng tôi xây dựng bộ máy gần gũi thân thiện hơn, xem doanh nghiệp là trung tâm, cùng đồng hành với doanh nghiệp để tháo gỡ cho doanh nghiệp, điều này là lợi thế của tỉnh.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), những lĩnh vực có cải thiện mạnh mẽ nhất là cắt giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp (tăng 0,73 điểm), tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân với các khu vực kinh tế khác (tăng 0,54 điểm) và cải cách hành chính (tăng 0,46 điểm). Một số lĩnh vực khác cũng có sự cải thiện như tiếp cận đất đai, thiết chế pháp lý, an ninh trật tự (đều tăng 0,27 điểm) và tính năng động, tiên phong của chính quyền tỉnh (tăng 0,11 điểm). Hiện tượng “tham nhũng vặt” – chi phí bôi trơn quy mô nhỏ mà doanh nghiệp phải chi trả để xin cấp các loại giấy phép - trong năm 2018 đã giảm so với thời kỳ trước. Chỉ 54,8% doanh nghiệp phải trả chi phí không chính thức, thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá, mặc dù đã có sự chuyển biến rõ rệt trong việc giảm sự nhũng nhiễu và chi phí không chính thức, song chi phí này vẫn là tỷ lệ còn cao.
Hiện nay mức chi phí không chính thức vẫn còn cao, 58% doanh nghiệp cho rằng họ vẫn bị nhũng nhiễu khi thực hiện các thủ tục, 54% doanh nghiệp vẫn phải chi trả những khoản chi phí bôi trơn, 40% cho rằng môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài… Đây là những con số rất đáng quan ngại và cần có sự nỗ lực đột phá để chấm dứt tình trạng này, ông Lộc nêu rõ.
Tăng cường đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh trong thời gian tới. |
Cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng, thời gian tới đối với các địa phương cần tăng cường công khai, minh bạch hơn nữa, nâng cao chất lượng lao động và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính sau đăng ký doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Cây, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư phát triển nhà Constrexim nêu ý kiến:Về cải cách thủ tục hành chính có 2 vấn đề đặt ra, một là thời gian trả lời, và thứ 2 là cách trả lời. Theo đó, các cơ quan hành chính trả lời càng sớm thì giúp doanh nghiệp càng bứt phá nhanh trong con đường hoạt động kinh tế. Cách trả lời của các cơ quan này càng rành rọt những vấn đề cần giải quyết càng được hiệu quả, rút ngắn được thời gian. Các doanh nghiệp muốn bứt phá trên con đường hoạt động kinh tế, do đó việc cải cách hành chính cần phát triển nhanh hơn và mạnh hơn nữa.
Rõ ràng, bên cạnh những cải thiện về môi trường kinh doanh, các doanh nghiệp vẫn chi trả các chi phí không chính thức vẫn ở mức cao. Do đó, lãnh đạo địa phương và sự chuyên nghiệp của bộ máy công chức tỉnh, thành phố sẽ quyết định tốc độ và hướng phát triển của Việt Nam thời gian tới. Như vậy, với việc tăng cường đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp và thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh địa phương trong thời gian tới./.
Từ khóa: cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, PCI 2018, năng lực cạnh tranh, cà phê doanh nhân,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN