Vận chuyển trái phép chất ma túy phải đối diện mức án nào?

Cập nhật: 02/07/2024

VOV.VN - Thời gian qua, tình hình vận chuyển trái phép các chất ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam có chiều hướng gia tăng với nhiều chiêu thức, thủ đoạn mới hết sức tinh vi, phức tạp.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, đường biển và đường hành không trở thành những tuyến trọng điểm mà các đối tượng sử dụng để vận chuyển trái phép các chất ma túy.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy toàn quốc đã phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh, khám phá hơn 14.000 vụ việc về ma túy, bắt giữ 23.000 đối tượng, thu giữ trên 196kg heroin, hơn 2,34 tấn và 1,47 triệu viên ma túy tổng hợp, 882kg cần sa.

Trong đó, phát hiện và triệt phá hàng chục đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ nước ngoài về Việt Nam.

Cuối tháng 2, tổ công tác liên ngành gồm Đồn biên phòng Tam Chung và Công an xã Tam Chung khi đang tuần tra trên địa bàn thì phát hiện đối tượng Giàng A Sính, sinh năm 1977, trú tại bản Trung Thắng, xã Mường Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hoá có nhiều biểu hiện nghi vấn nên đã tiến hành kiểm tra người và phương tiện. Qua đấu tranh khai thác thông tin tại chỗ, Sính khai báo được thuê sang Lào mua ma tuý và mang về. Ngay sau đó, đối tượng Giàng A Sính đã bị bắt giữ.

Đầu tháng 4 vừa qua, Công an huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên chủ trì, phối hợp với phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Ma túy Công an tỉnh, Đồn Biên phòng Mường Nhà và Công an huyện Phôn Thoong, tỉnh Luông Pha Bang (Lào) bắt giữ thành công hai đối tượng người Lào về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy.

Cũng trong tháng 4, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị mở phiên tòa sơ thẩm, tuyên phạt mức án tử hình đối với bị cáo Đào Xuân Tùng (47 tuổi, trú thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị) về tội vận chuyển trái phép chất ma túy, theo quy định tại Khoản 4, Điều 250, Bộ luật Hình sự 2015; 6 năm tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy, theo quy định tại khoản 2 Điều 249 Bộ luật Hình sự 2015.

Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng Luật sư Đồng đội cho biết, pháp luật hiện nay quy định hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp chất ma túy từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào, bằng bất kì phương tiện gì mà không nhằm mục đích mua bán, tàng trữ hay sản xuất trái phép chất ma túy khác. Và hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy tùy vào mức định lượng sẽ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính (theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP) hoặc bị xử lý hình sự (theo Điều 250 BLHS 2015).

Đối với hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy chưa đủ định lương truy cứu trách nhiệm hình sự thì có sẽ bị xử phạt hành chính Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể, khoản 2 Điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định: hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Còn theo Điều 250 BLHS 2015 (được sửa đổi bởi khoản 67 Điều 1 Luật sửa đổi BLHS 2017), tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội mà có 4 khung hình phạt chính được áp dụng đối với người phạm tội.

Theo đó, khung hình phạt nhẹ nhất là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; đối với hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy có tính chất nghiêm trọng hơn như phạm tội có tổ chức, phạm tội từ 2 lần trở lên, lợi dụng chức vụ quyền hạn... hay trọng lượng ma túy lớn hơn thì có thể bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm; nặng hơn là phạt tù từ 15 năm đến 20 năm. Khung hình phạt cao nhất đối với hành vi này là phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Tội vận chuyển trái phép chất ma túy bị truy cứu trách nhiệm hình sự đến khung tử hình khi phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 250 BLHS 2015:

a) Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;

b) Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;

c) Lá cây côca; lá khát (lá cây Catha edulis); lá, rễ, thân, cành, hoa, quả của cây cần sa hoặc bộ phận của cây khác có chứa chất ma túy do Chính phủ quy định có khối lượng 75 kilôgam trở lên;

d) Quả thuốc phiện khô có khối lượng 600 kilôgam trở lên;

đ) Quả thuốc phiện tươi có khối lượng 150 kilôgam trở lên;

e) Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;

g) Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;

h) Có 2 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm g khoản này.

Bên cạnh đó, người phạm tội có thể phải chịu kèm theo hình phạt bổ sung khác theo quy định tại Khoản 8 điều 23 Nghị định 144/2021/NĐ-CP như:

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

- Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

- Tước quyền sử dụng Giấy phép, Chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự từ 06 tháng đến 12 tháng

- Đình chỉ hoạt động từ 03 tháng đến 06 tháng;

- Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.

Để chủ động trong công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với hoạt động của tội phạm ma túy mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, người dân cần nâng cao cảnh giác cũng như ý thức trách nhiệm, tuân thủ pháp luật trước các hành vi, thủ đoạn của các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép ma túy. Trường hợp phát hiện những đối tượng khả nghi cần nhanh chóng trình báo cho các cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở nơi gần nhất, tuyệt đối không được bao che, cất giấu hoặc mua bán. Bởi đây là hành động vi phạm pháp luật hình sự đặc biệt nghiêm trọng.

Từ khóa: ma túy, ma túy, vận chuyển ma túy, vận chuyển ma túy về Việt Nam

Thể loại: Giáo dục

Tác giả: thu hằng/vov2

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập