Văn chương gắn kết những phận người
Cập nhật: 18/02/2022
(VOV5) - Vừa qua, tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam (số 9 Nguyễn Đình Chiều- Hà Nội) diễn ra Lễ trao giải thưởng Văn học năm 2021 và kết nạp hội viên mới. Khép lại một hoạt động thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam với những thành tích đáng tự hào, trong một năm mà dịch bệnh covid vẫn đang diễn ra, mỗi nhà văn lại càng phải có trách nhiệm hơn nữa trong từng sáng tác, để văn chương luôn là nơi gắn kết những phận người, những hỉ, nộ, ái, ố trong cuộc sống đương đại hôm nay.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam trao giải tặng các tác giả, tác phẩm đoạt giải. - Ảnh: Báo Quân đội nhân dân điện tử |
Năm 2021, Hội Nhà văn Việt Nam đã nhận được hơn 200 tác phẩm gửi về xét giải, trong đó có 70 tác phẩm văn xuôi, 91 tác phẩm thơ, 16 tác phẩm Lý luận và phê bình, 20 tác phẩm văn học dịch và 19 tác phẩm văn học thiếu nhi.
Nhận xét về chất lượng tác phẩm đoạt giải, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam lấy làm tiếc cho thể loại thơ: "đến phút cuối không có cuốn nào đoạt số phiếu quá bán để vào giải. Loại hình Văn xuôi tiểu thuyết “Một ví dụ xoàng” của Nguyễn Bình Phương đã vinh dự nhận được số phiếu cao nhất. Từ vụ án người buôn 4 cân chè mà mất 2 mạng người từng rúng động đất Thái Nguyên thời bao cấp, tác giả đã dựng lại cả một thời đói khổ, nghiệt ngã, thông qua nhân vật chính tác phẩm đã khai thác sâu sắc về thân phận con người. Về Lý luận phê bình qua bỏ phiếu cuốn “Văn bản văn học và sự bất ổn của chữ” của Trương Đăng Dung đã đoạt giải. Công trình có chất lượng khoa học cao, luận giải các vấn đề khoa học, văn học xuất phát từ nền tảng của triết học và mỹ học.
Về Văn học dịch, số phiếu tập chung cao cho cuốn “Châu Phi nghìn trùng” của dịch giả Hà Thế Giang. Tác giả có góc nhìn uyển chuyển, bao quát về châu Phi rộng lớn, qua đó người đọc hình dung rõ hơn về thiên nhiên và con người cùng bản sắc độc đáo của các nước châu Phi. Thể loại Văn học thiếu nhi cuốn “Mùa tiểu học cuối cùng” của nhà văn Lê Văn Nghĩa đã hội tụ đủ số phiếu để nhận giải thưởng."
Cuốn tiểu thuyết “Một ví dụ xoàng” của nhà văn quân đội Nguyễn Bình Phương đã vinh dự nhận giải ở thể loại văn xuôi. Đây là tác phẩm mới nhất và cũng là cuốn tiểu thuyết thứ 10 của Nguyễn Bình Phương. Từ vụ án một người buôn bốn cân chè mà mất 2 mạng người từng rúng động đất Thái Nguyên thời bao cấp, tác giả dựng lên một cốt truyện phức tạp với mối quan hệ người chồng chéo, những nhân quả xa gần xoắn trộn vào nhau, làm thành tấn kịch nhân sinh vừa nhẹ bẫng vừa u uất.
Nhà văn Nguyễn Bình Phương cho rằng sự vị kỷ trong mỗi con người sẽ hủy hoại chính bản thể đó, chứ không phải do một thế lực nào khác bên ngoài: "Quá trình phục dựng một nhân vật cũng giống như một người già đi giật lùi về thời thanh tân cũng đầy gian nan chứ không đơn giản. Câu chuyện tôi viết về vụ án xử tử hình một con người, trong tôi luôn váng vất ý nghĩ rằng hình như tất cả chúng ta như cũng đang sửa soạn để khai tử một ai đó, ở một khía cạnh nào đó cả nghĩa đen và nghĩa bóng, và không ngoại trừ cả lĩnh vực tinh thần. Điều này luôn khiến tôi day dứt. Nhưng tôi nghĩ rằng sự sống và cái thiện sẽ luôn chiến thắng sự vị kỷ, sự hủy diệt và tinh thần bi quan. Nhưng hiện thực luôn chỉ ra một điều vô cùng nghiệt ngã rằng con người hủy hoại con người là nhiều hơn con người bị các loài khác hủy diệt. Liệu chúng ta có chấp nhận rằng mình có giống như nhân vật chính trong tác phẩm không, có là một ví dụ xoàng không? Đấy chính là câu hỏi là tôi muốn đặt ra."
Về thể loại Lý luận phê bình, trong 4 tác phẩm lọt vào chung khảo thì số phiếu tập chung cao nhất thuộc về cuốn sách “Văn bản văn học và sự bất ổn của chữ” của Trương Đăng Dung. Đây là cuốn sách có tính chuyên sâu trong đời sống lý luận phê bình văn học hiện nay. Những vấn đề liên quan đến văn bản, tiếp nhận và cơ chế tạo nghĩa của văn bản trong văn chương sẽ giúp người sáng tác tự do hơn trong câu chữ.
Đó là điều luôn được nhà phê bình Trương Đăng Dung dày công phân tích: "Đây là một cuốn sách tập hợp nhiều bài viết phê bình, bài tiểu luận của tôi, được tôi viết có hệ thống ngay từ đầu. Cuốn sách gồm 3 phần chính. Phần 1 là các bài viết về khoa học văn chương, những đặc điểm khoa học văn học để khu biệt với khoa học xã hội khác. Phần 2 được xem là trọng tâm. Tôi nghiên cứu về phương phức tồn tại của văn học. Cụ thể là nghiên cứu về lý thuyết tiếp nhận, vai trò của người đọc trong việc tạo nghĩa của văn bản. Để từ đấy chúng ta thấy rằng mô hình phản ánh nghệ thuật nếu không được xem xét từ chủ thể tiếp nhận mà chỉ đơn giản xem xét giữa nhà văn và hiện thực thì sẽ không giải quyết được vấn đề một cách khoa học. Phần 3 là tôi tập chung nghiên cứu những vấn đề liên quan tới văn học. Đặc biệt là những suy tư về thơ hiện đại. Vì tôi cũng là một người làm thơ và yêu thơ."
Ở thể loại Văn học dịch, cuốn truyện “Châu Phi nghìn trùng” của dịch giả Hà Thế Giang, do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành đã vượt qua 19 tác phẩm để nhận giải thưởng. Tác phẩm giúp độc giả hiểu hơn về đất nước con người của xứ sở Kenya nói riêng và Châu Phi nói chung trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc. Mảng Văn học thiếu nhi đã gọi tên cuốn truyện “Mùa tiểu học cuối cùng” của cố nhà văn Lê Văn Nghĩa. Câu chuyện thường nhật của những đứa trẻ, qua ngòi bút trào phúng hóm hỉnh, người viết đã dựng một thời tưởng như đã xa, nhưng vẫn luôn hiển hiện trong lời ăn, tiếng nói, cùng cách ứng xử của người Sài thành hôm nay.
Nhân dịp này Hội Nhà văn Việt Nam đã kết nạp 34 hội viên mới, trong đó lĩnh vực thơ là nhiều hơn cả với 15 hội viên. Nhà thơ trẻ Trần Khánh My ở tỉnh Tây Ninh khá xúc động khi sự nỗ lực cố gắng trong từng tác phẩm thơ của chị đã được ghi nhận: "Thời gian qua tôi đã xuất bản 4 tập thơ. Nhận được 2 giải thưởng của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, 2 giải thưởng của tỉnh Tây Ninh. Tôi sẽ cố gắng nỗ lực hơn nữa để xứng đáng là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ở tỉnh Tây Ninh hiện nay không có hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nào sinh sống. Chính vì thế bằng những tác phẩm thơ cụ thể tôi muốn quảng bá về đất nước và con người, đặc sản Tây Ninh hiền hòa và mến khác tới đông đảo bạn bè văn chương trong cả nước."
Còn trung úy công an Phan Đức Lộc, hiện đang công tác tại tỉnh Điện Biên cũng không giấu nổi niềm vui khi cầm tấm thẻ hội viên Hội Nhà văn. Với thế mạnh là văn xuôi, anh đã xuất bản nhiều cuốn truyện như: “Thung lũng mưa”, “Mùa sương thương mẹ”, “Kiếp người trôi ngược”… và đoạt nhiều giải thưởng Văn học nghệ thuật của Trung ương và địa phương, thì khi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam Phan Đức Lộc cho rằng: "Đây chính là cơ hội và đi kèm với đó là thách thức và trách nhiệm bản thân trong nghiệp viết. Tôi cũng vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài công an nhân dân, khắc họa hình tượng người chiến sĩ công an trong cuộc sống đời thường, cũng như trong công tác đấu tranh phòng chống các loại tội phạm để bảo vệ bình yên và hạnh phúc cho nhân dân."
Tại Lễ trao Giải thưởng Văn học năm 2021 và kết nạp hội viên mới, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương chúc mừng các tác giả, tác phẩm đoạt giải, những cây bút được kết nạp trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, và nhấn mạnh tới sự lan tỏa của văn chương trong đời sống tinh thần của con người: "Lĩnh vực văn học nghệ thuật rất tinh tế, liên quan tới tinh thần, văn hóa, con người. Yêu cầu của sự sáng tạo trên cơ sở đồng hành gắn liền với dân tộc, với nhân dân và cũng là trọng trách lớn, yêu cầu cao đối với văn học nghệ thuật nói chung và anh em văn nghệ sĩ nói riêng. Hệ giá trị quốc gia, tạo sự đồng thuận và cũng là điểm để đoàn kết, tập hợp tất cả nhân dân trong đó có nhà văn đều luôn hướng tới điều này. Trong thời gian tới tôi mong các chủ đề ở cả mảng văn xuôi và thơ quan tâm hơn nữa tới chủ đề này."
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, giải thưởng văn học 2021, Hội nhà văn Việt Nam, Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Nguyễn Bình Phương, nhà thơ Trần Đăng Khoa, một ví dụ xoàng, lý luận phê bình văn học, tiểu thuyết
Thể loại: Âm nhạc - Điện ảnh
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5