Vaccine COVID-19 thường gây ra các vấn đề về tim ở trẻ em không?

Cập nhật: 04/11/2021

VOV.VN - Theo các dữ liệu mới nhất tại Mỹ, viêm cơ tim sau tiêm vaccine COVID-19 rất hiếm gặp, và hầu như luôn nhẹ và tạm thời nếu biến chứng này xuất hiện. Nguy cơ bệnh tim do mắc COVID-19 lớn hơn nhiều so với việc tiêm phòng.

Được biết, các loại vaccine do Pfizer/BioNTech và Moderna sản xuất dường như có liên quan đến việc tăng nguy cơ viêm cơ tim. Một số phụ huynh bày tỏ mối lo ngại về việc tiêm phòng cho con em mình do biến chứng này. Vậy, bố mẹ có nên quan ngại và thực sự bệnh viêm cơ tim phổ biến như thế nào?

Một số chuyên gia am hiểu về các nghiên cứu gần đây nhận định, biến chứng bệnh tim sau tiêm vaccine COVID-19 là hoàn toàn không phổ biến, nguy cơ tuyệt đối vẫn rất nhỏ. Hầu hết các trường hợp đều nhẹ và trẻ hồi phục nhanh chóng.

The New York Times dẫn lời Tiến sĩ Brian Feingold, chuyên gia về bệnh viêm cơ tim ở trẻ em tại Bệnh viện Nhi UPMC, Pittsburgh: “Nếu bạn nhìn vào một nguy cơ riêng lẻ, bạn thực sự có thể rất lo lắng và sợ hãi. Nhưng bản thân COVID-19 cũng có nhiều khả năng gây tổn thương tim vĩnh viễn. Về mặt số liệu, COVID-19 là tác nhân phổ biến hơn”.

Viêm cơ tim thường là  do việc nhiễm virus hoặc vi khuẩn và gây ra các triệu chứng như tim đập nhanh hoặc không đều, đau ngực và thở gấp. Trên toàn cầu, cứ 100.000 người có khoảng 10 - 20 người phát triển viêm cơ tim mỗi năm, nhưng nhiều người trong số đó có các triệu chứng nhẹ.

Theo dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), tại Mỹ, kể từ khi đại dịch bùng phát, hàng chục nghìn trẻ em đã phải nhập viện vì virus SARS-CoV-2, 657 trẻ đã tử vong. Một số trẻ em mắc COVID-19 có thể tiếp tục phát triển COVID kéo dài, hoặc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS), đã ảnh hưởng đến ít nhất 5.200 trẻ em Mỹ. Mặc dù nguy cơ viêm cơ tim sau khi tiêm vaccine thực tế vẫn xảy ra, song những con số thực nêu trên còn lớn hơn, Tiến sĩ Feingold nhấn mạnh.

Đáng chú ý, tỷ lệ viêm cơ tim sau khi tiêm chủng thay đổi theo độ tuổi, giới tính và liều lượng. Tuy nhiên, nguy cơ mắc bệnh cao nhất sau liều thứ 2 của vaccine mRNA thường gặp ở bệnh nhân nam từ 16 - 29 tuổi. Một nghiên cứu ước tính có khoảng 11 ca viêm cơ tim trong số 100.000 bệnh nhân nam tiêm vaccine ở nhóm tuổi này. Tỷ lệ viêm cơ tim giảm dần theo tuổi tác.

Đối với viêm cơ tim trẻ từ 12 - 15 tuổi, dữ liệu còn hạn chế vì vaccine Pfizer/BioNTech chỉ mới được cung cấp gần đây cho các em. Nhưng cho đến nay, các vấn đề về tim sau khi tiêm phòng dường như ít phổ biến hơn ở các bé trai ở độ tuổi đó so với những người đàn ông lớn tuổi, Tiến sĩ Paul A. Offit, Giám đốc Trung tâm Giáo dục vaccine tại Bệnh viện Nhi Philadelphia cho biết.

Virus SARS-CoV-2 có thể lây nhiễm sang cơ tim, cũng như thành mạch máu, khiến tim và các cơ quan khác có nguy cơ bị tổn thương lâu dài. Loại virus này cũng có thể làm suy yếu tim đến mức bệnh nhân cần phải cấy ghép, và thậm chí có nguy cơ tử vong. Ngược lại, viêm cơ tim quan sát được sau khi tiêm chủng là nhẹ, ít xảy ra và hiếm khi đe dọa đến tính mạng.

Hiện chưa rõ nguyên nhân tại sao viêm cơ tim ảnh hưởng đến trẻ em trai cao hơn trẻ em gái, và liệu biến chứng tim mạch này là tác dụng phụ của tất cả loại vaccine COVID-19 hay chỉ riêng vaccine mRNA. Các chuyên gia y tế cho biết cần tập trung nghiên cứu bệnh viêm cơ tim sau khi tiêm phòng để xác định và hiểu rõ hơn về tình trạng này.

“Tôi sẽ an tâm hơn rất nhiều về điều này khi chúng tôi hiểu được cơ chế bệnh sinh, về chính xác những gì đang diễn ra. Nếu các bác sĩ có thể xác định được nguyên nhân, thì sẽ có thể điều trị được bệnh ở một mức độ nào đó”, Tiến sĩ Offit chia sẻ./.

Từ khóa: vaccine covid-19 của trẻ em, trẻ em tiêm vaccine covid-19 có sao không, biến chứng sau tiêm vaccine covid-19 ở trẻ em

Thể loại: Y tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập