Ủy ban Kiểm tra tập trung vào những điểm "nóng"

Cập nhật: 27/01/2021

VOV.VN - Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp thời gian qua tập trung nhiều vào những điểm "nóng"; kết luận và xử lý nghiêm sai phạm của đảng viên, trong đó có nhiều cán bộ cấp cao.

Không vùng cấm, không ngoại lệ

Phát biểu tham luận tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng, chiều 27/1, ông Mai Trực - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhấn mạnh, thời gian qua, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy về tầm quan trọng của công tác kiểm tra, giám sát được nâng lên rõ rệt. Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Uỷ ban Kiểm tra các cấp rất chủ động, quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và đã tạo ra bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này.

Trong nhiệm kỳ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với trên 15.000 tổ chức đảng và trên 47.000 đảng viên, giám sát trên 183.000 tổ chức đảng và trên 528.000 đảng viên. Tập trung nhiều vào những điểm "nóng", những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực, những vấn đề bức xúc mà dư luận quan tâm.

Trong đó có nhiều việc mới, việc tồn tại đã lâu, rất khó khăn, phức tạp, nhạy cảm, liên quan nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, gây bức xúc trong xã hội đã được phát hiện, làm rõ, kết luận và xử lý kỷ luật nghiêm minh nhiều tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, có cả những cán bộ giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, đương chức hoặc đã nghỉ hưu,... với tinh thần làm nghiêm từ trên xuống, không có "vùng cấm", không có ngoại lệ, nhưng cũng rất nhân văn.

Bên cạnh những kết quả, nỗ lực cố gắng của các cấp, ngành, địa phương và Ủy ban Kiểm tra các cấp, ông Mai Trực cho biết, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình hiện nay.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra cũng cho biết, ngay sau Đại hội, công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phải bám sát nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng nói chung cũng như thực tiễn của từng địa phương, đơn vị.

Một điểm đáng chú ý là xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực và kỷ luật của Đảng, kỷ luật hành chính, xử lý bằng pháp luật gắn với việc xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức để cán bộ đảng viên "không thể tham nhũng", "không dám tham nhũng", “không cần tham nhũng".

“Có cơ chế để bảo vệ, khuyến khích cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn, đi đầu trong đổi mới vì sự phát triển. Việc đánh giá, xử lý các sai phạm cần đặt trong những điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể để có quan điểm xử lý khách quan, đúng đắn, phù hợp” - ông Mai Trực nhấn mạnh.

Chính sách hợp lòng dân mới vận động được nhân dân

Trong bài tham luận trình bày tại Đại hội cùng ngày, ông Nguyễn Hồng Lĩnh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định, dưới sự lãnh đạo của toàn Đảng, sự điều hành của Nhà nước, nhiệm kỳ qua nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại đã đạt kết quả tích cực, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân.

“Các cấp ủy, tổ chức đảng ngày càng coi trọng việc lắng nghe, nắm tình hình và giải quyết nguyện vọng chính đáng, quan tâm giải quyết những bức xúc trong Nhân dân” – ông Nguyễn Hồng Lĩnh nói.

Thực tế có chuyển biến tích cực nhận thức và nâng cao trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tiến hành điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng dư luận xã hội quan tâm, được nhân dân đồng tình. Công tác dân vận trong hoạt động hòa giải, đối thoại được chú trọng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó trưởng Ban Dân vận Trung ương, công tác dân vận còn có những hạn chế, bất cập. Cụ thể là một số nơi nhận thức và trách nhiệm về công tác dân vận của Đảng chưa thật sâu sắc.

“Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức còn quan liêu, sách nhiễu; thiếu trách nhiệm, thậm chí làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân” – ông Nguyễn Hồng Lĩnh thẳng thắn chỉ rõ và cho rằng hạn chế trên ảnh hưởng đến công tác dân vận, làm giảm hiệu lực quản lý của bộ máy nhà nước, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân.

Nhấn mạnh trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới và trong nước những năm tới có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn thách thức đan xen như trong Dự thảo các văn kiện đã nêu, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng phải nâng cao hiệu quả vận động nhân dân bằng chính sách hợp lòng dân, bằng sự gương mẫu chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, người đứng đầu và bằng những hành động cụ thể, những hình ảnh đẹp của cả hệ thống chính trị chăm lo cho dân./.

Từ khóa: Uỷ ban kiêm tra Trung ương, phòng chống tham nhũng, xử lý cán bộ, công tác dân vận

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập