Ưu tiên chống dịch nCoV, bám sát kịch bản phát triển kinh tế
Cập nhật: 05/02/2020
Thưởng Tết cho cán bộ công chức theo Nghị định 73 thực hiện như thế nào?
Tiền thưởng Tết 2025 sẽ tính thuế thu nhập cá nhân như thế nào?
VOV.VN - Chính phủ yêu cầu điều hành, vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ dịch nCoV.
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2020 diễn ra chiều 5/2, đề cập những tác động của dịch nCoV đối với chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, theo tính toán của Bộ KH&ĐT báo cáo trước Chính phủ, dự kiến nếu dịch corona được khống chế kịp thời trong quí I/2020, ước tính GDP năm 2020 tăng 6,27% so với năm trước.
Trong trường hợp dịch corona kéo dài sang quý II/2020, tăng trưởng GDP quí II sẽ sụt giảm còn 5,81%, điều này dẫn tới ước tính GDP năm 2020 chỉ tăng 6,09% so với năm trước. Vì thế, mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm 2020 sẽ là thách thức rất lớn.
Chính phủ xác định việc chống dịch nCoV là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay, tuy nhiên chúng ta tuyệt đối không được lơ là việc thực hiện các nhiệm vụ đã đề ra và phải chủ động để giữ được nhịp độ phát triển.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng. |
Đặc biệt, ngay sau khi dịch nCoV được kiểm soát thành công, cả hệ thống phải tập trung để khôi phục sản xuất, bảo đảm cung cầu, giá cả hàng hóa, đời sống nhân dân và thực hiện linh hoạt các chính sách, giải pháp để kích thích sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng.
Chúng ta phải điều hành, vận dụng linh hoạt các chính sách kinh tế vĩ mô để ứng phó kịp thời với những diễn biến bất lợi từ dịch nCoV. Đồng thời phải kiểm soát chặt chẽ lạm phát theo kịch bản đã đề ra từ đầu năm, trong đó tập trung giảm giá thịt lợn về mức bình thường.
Theo dõi chặt chẽ sự biến động của giá cả thị trường nhằm có những giải pháp phù hợp hạn chế sự tăng bất thường của giá cả; xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, nâng giá.
"Với tình hình phức tạp như hiện nay, Chính phủ yêu cầu giảm giá xăng dầu theo giá thị trường; không tăng giá điện và các dịch vụ công trong thời gian tới. Đẩy mạnh công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, xuất xứ", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết.
Trình bày rõ hơn về kịch bản điều hành tăng trưởng nền kinh tế, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT – ông Trần Quốc Phương cho biết, từ năm 2016 đến nay, kịch bản tăng trưởng nền kinh tế do Bộ KH&ĐT, Tổng cục Thống kê xây dựng nhằm phục vụ tốt cho công tác điều hành của Chính phủ.
Những kịch bản này sẽ là bản dự kiến, đưa ra con số tăng trưởng GDP theo quý, 6 tháng và cả năm. Trong trường hợp các điều kiện, bối cảnh diễn ra bình thường thì kịch bản sẽ diễn ra gần với các con số dự báo. Nếu điều kiện, bối cảnh tốt hơn thì dự báo tốc độ phát triển sẽ tăng cao hơn và ngược lại. Tùy theo từng bối cảnh và điều kiện, Bộ KH&ĐT sẽ tham mưu cho Chính phủ có phương án điều hành hợp lý nhất.
"Hôm nay Bộ KH&ĐT đã phối hợp vơi các Bộ, ngành để đưa dự báo của Quý I/2020 thông qua số liệu tháng 1 và những tác động của dịch nCoV đối với kịch bản tăng trưởng kinh tế. Bộ KH&ĐT sẽ thường xuyên cập nhật, rà soát các kịch bản để báo cáo Thủ tướng, Chính phủ điều chỉnh phương án", ông Phương cho biết.
Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ KH&ĐT. |
Cũng theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, liên quan đến các gói hỗ trợ và chính sách khác nhằm giảm thiểu tác động của dịch đối với tốc độ tăng trưởng sẽ gồm 2 gói giải pháp, trong đó ưu tiên phòng chống và kiểm soát dịch, dành mọi nguồn lực kiểm soát dịch trước, sau đó khắc phục và phục hồi nền kinh tế.
Việc hỗ trợ sẽ tùy thuộc vào các yếu tố như về nguồn lực và đối tượng. Trong điều kiện hiện nay, cần cứ sự hỗ trợ người nông dân trồng thanh long, trồng dưa hấu đang chịu tác động trực tiếp của dịch. Cũng cần có phương án hỗ trợ người chăn nuôi khi mắc dịch tả lợn là bao nhiêu.../.
Từ khóa: tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng GDP, chỉ số lạm phát, dịch nCoV, kiểm soát dịch
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN