Uống rượu, bia vẫn tự lái xe về nhà: Phải xử phạt nghiêm minh
Cập nhật: 19/10/2019
VOV.VN - Việc các cơ quan nghiên cứu đưa ra những chế tài xử phạt có sự răn đe mạnh hơn đối với hành vi sử dụng rượu, bia khi lái xe là điều hết sức cần thiết.
Theo một khảo sát mới đây của Ủy ban ATGT Quốc gia, có đến 40% người được hỏi cho biết vẫn muốn tự lái xe về nhà sau khi uống rượu, bia. Đây là con số khiến không khỏi bất cứ ai phải giật mình và từ đó cũng không khó để hình dung vì sao thời gian gần đây liên tiếp có nhiều vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến người điều khiển ô tô (cả nam và nữ) say rượu lái xe gây tai nạn.
Để cuộc đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông thật sự phát huy được hiệu quả, ngoài những hoạt động phong trào kêu gọi, điều quan trọng nhất là phải xử lý thật nghiêm hành vi này. |
Liên quan đến tình hình tai nạn giao thông (TNGT), theo số liệu thống kê mới nhất của Ủy ban ATGT Quốc gia, trung bình mỗi năm trên địa bàn cả nước có tới 15.000 người chết vì TNGT, trong đó 4.800 trường hợp có liên quan đến việc sử dụng bia, rượu.
Để cuộc đấu tranh ngăn chặn và đẩy lùi vấn nạn sử dụng bia rượu khi tham gia giao thông thật sự phát huy được hiệu quả, ngoài những hoạt động phong trào kêu gọi, điều quan trọng nhất là phải xử lý thật nghiêm hành vi này.
Phải mạnh tay, kể cả xử lý hình sự
Theo kết quả khảo sát tại 3 địa phương là TPHCM, Bình Dương và Hà Nội từ tháng 5 đến tháng 12 năm 2018 do Ủy ban ATGT Quốc phối hợp với một số đơn vị thực hiện cho thấy, tỷ lệ nam giới gây ra 80% - 90% các vụ tai nạn giao thông do uống rượu bia – lái xe. Thời gian xảy tai tai nạn thường từ 18 giờ đến 24 giờ và cao hơn vào các ngày cuối tuần; phương tiện chủ yếu là xe máy với 70% - 90% số vụ.
Cũng theo kết quả nghiên cứu cho thấy, tỉ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm 68%, trong đó khoảng 40% trong tình trạng bị say và tỷ lệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ rất cao khoảng 36%.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Chính, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức cho biết, tính trung bình, mỗi ngày có 300 bệnh nhân bị tai nạn thương tích đến cấp cứu ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Trong đó, ngày cao điểm có tới 150 bệnh nhân bị tai nạn giao thông. Nhiều bệnh nhân bị cấp cứu trong tình trạng còn nồng nặc mùi rượu, bia.
Hiện trường và chiếc xe gây tai nạn khiến 2 người chết ở hầm chui Kim Liên (hà Nội) do lái xe uống rượu bia gây ra. |
“Tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần xem xét quy định chỉ cần trong máu có nồng độ cồn dù thấp là đủ xác định người điều khiển giao thông có sử dụng chất kích thích chứ không nên đưa ra quy định phải có bao nhiêu lượng cồn trong máu (mg/dl) thì mới bị truy cứu trách nhiệm. Có như vậy, chúng ta mới kiểm soát và răn đe được các đối tượng gây ra tai nạn giao thông bởi nguyên nhân từ uống rượu, bia”, PGS.TS Nguyễn Đức Chính kiến nghị.
TS Nguyễn Hữu Đức – chuyên gia giao thông cho biết, tại các nước phát triển trên thế giới, hành vi sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông bị xử phạt rất nặng, ngoài phạt hành chính còn tước GPLX, phạt lao động công ích...Mức phạt tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của từng trường hợp.
“Chính vì chế tài xử phạt nặng như thế nên ở những quốc gia đó, hầu như rất hiếm khi có trường hợp dùng rượu, bia khi lái xe tham gia giao thông”, TS Nguyễn Hữu Đức nói.
Hiện trường vụ lái xe uống rượu bia gây tai nạn ở đường Láng (Hà Nội) đâm chết một nữ lao công mới đây. |
Ủng hộ đề xuất tăng chế tài xử phạt đối với hành vi sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, TS Trần Hữu Minh – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia khẳng định, những vụ TNGT thảm khốc do tài xế sử dụng rượu bia gây ra trong thời gian qua là bằng chứng sinh động nhất cho thấy vấn nạn “me men” sau tay lái đang gây nhức nhối trong xã hội.
Việc các cơ quan nghiên cứu đưa ra những chế tài xử phạt có sự răn đe mạnh hơn đối với hành vi sử dụng rượu, bia khi lái xe là điều hết sức cần thiết.
"Chế tài xử phạt không chỉ áp dụng với tài xế mà còn phải có một chế tài riêng, nghiêm minh với cả những doanh nghiệp kinh doanh vận tải có tài xế sử dụng rượu, bia khi lái xe. Doanh nghiệp vận tải là chủ thể có ảnh hưởng lớn nhất đối với lái xe và cũng là đơn vị biết rõ nhất về hành trình và điều kiện sức khỏe của lái xe. Vì thế, khi DN vận tải có tài xế dùng bia, rượu rồi lái xe, gây tai nạn thì đương nhiên phải chịu liên đới trách nhiệm", TS Trần Hữu Minh - Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia nói.
Hiện trường vụ TNGT do một phụ nữ say rượu lái xe gây ra vụ tai nạn nghiêm trọng tại Ngã tư Hàng Xanh (TP HCM). |
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, cần thiết tăng chế tài xử lý hình sự người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia lái xe.
Theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015, hành vi người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây hậu quả nghiêm trọng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với lỗi vô ý. Tuy nhiên, do chế tài xử lý hình sự với lỗi vô ý chưa đủ sức răn đe nên hành vi vi phạm vẫn có xu hướng gia tăng.
“Vì vậy, quan điểm của tôi là tăng chế tài, cụ thể là đưa vào hành vi nhóm lỗi cố ý gián tiếp theo Khoản 2 Điều 10 Bộ luật Hình sự năm 2015: "Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra", Luật sư Nguyễn Anh Thơm nói.
Hãy từ bỏ thói quen ép rượu, bia!
Là lái xe đường dài nhiều năm, đã chứng kiến những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do tài xế sử dụng rượu, bia trước khi lái xe ông Nguyễn Thanh Bình, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai cho rằng, thói quen của người Việt khi ngồi xuống mâm cỗ là chúc tụng, ép nhau uống rượu, bia. Đã đến lúc cần từ bỏ thói quen "ép uống" này.
Cần thiết, xử lý rất nặng, tới mức sau đó người vi phạm không bao giờ quên được việc mình đã bị kiểm tra nồng độ cồn như thế nào khi tham gia giao thông thì chắc chắn các vi phạm sẽ được kiểm soát và đẩy lùi. |
“Nhà nước cần nghiên cứu tăng mức xử phạt so với quy định hiện nay. Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất tăng mức xử phạt kể cả xử lý hình sự hay phạt lao động công ích khi bị phát hiện có nồng độ cồn khi lái xe, bởi nếu có nồng độ cồn khi lái xe, tai nạn là nguy cơ nhãn tiền”, ông Bình kiến nghị.
Dư luận vẫn còn phẫn nộ trước hành vi lái xe say rượu, bia gây tai nạn giao thông, cướp đi sinh mạng của nhiều người dân vô tội ở đường Láng, hầm chui Kim Liên (Hà Nội) cướp đi sinh mạng của nhiều người vô tội.
Nhiều người cho rừng, đã đến lúc, chúng ta cần lên án mạnh mẽ hành vi này, cùng nhau chia sẻ thông điệp: "Say xỉn lái xe là tội ác", "Đã uống rượu bia, không được lái xe"….
“Bên cạnh đó là mong muốn các cơ quan chức năng hãy thực hiện ngay theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là xử lý nghiêm, sửa luật để phạt nặng, tước bằng lái vĩnh viễn với người vi phạm. Và hơn nữa, tôi hy vọng người dân Hà Nội cùng chung tay xây dựng văn hóa giao thông…”, anh Đỗ Mạnh Hưng, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân nói.
Ma men sau tay lái chính là tội ác. Để cái ác không có cơ hội gây ra tội, tăng mạnh, áp dụng các mức phạt mang tính răn đe hơn cũng như bổ sung các hình phạt mang tính giáo dưỡng như lao động công ích hay tham gia điều tiết giao thông là cần thiết.
Cần thiết, xử lý rất nặng, tới mức sau đó người vi phạm không bao giờ quên được việc mình đã bị kiểm tra nồng độ cồn như thế nào khi tham gia giao thông thì chắc chắn các vi phạm sẽ được kiểm soát và đẩy lùi./.
68% người uống rượu, bia vẫn lái xe
Dưới sự hỗ trợ của Hiệp hội Các doanh nghiệp Rượu châu Á - Thái Bình Dương (APIWSA), Hội ATGT Việt Nam đã phối hợp Trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải (GTVT) Việt Ðức tiến hành nghiên cứu ảnh hưởng của việc lạm dụng đồ uống có cồn đến hành vi điều khiển mô-tô, xe máy tại Việt Nam.
Kết quả của nghiên cứu đã cho ra nhiều con số báo động về tình trạng URB-LX tại Việt Nam. Theo đó, quan trắc hành vi tại các nhà hàng, quán nhậu cho thấy, hành vi URB-LX là rất phổ biến, bất chấp các quy định luật pháp hiện hành.
Tỷ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện giao thông ra về sau khi uống rượu, bia lên đến 68% (xe máy 62%, ô-tô 6%). Trong khi đó, khoảng 40% số người rời quán nhậu có thể nhận rõ bằng mắt dấu hiệu say xỉn (con số thực tế cao hơn rất nhiều), 34% có dáng đi hơi xiêu vẹo, 9% mặt đỏ gay gắt và 5% xiêu vẹo hoàn toàn.
Tiếp tục theo dõi các đối tượng này trong quá trình tham gia giao thông tiếp đó, tỷ lệ vi phạm Luật Giao thông đường bộ là rất cao; cụ thể, 36% không bật xi-nhan khi sang đường, 26% đi ngược chiều và 17% không bật đèn xe khi lưu thông vào buổi tối.
Gia cảnh khốn khó của nữ công nhân tử nạn do xe điên tại đường Láng
Ám ảnh vụ xe Mercedes đâm chết 2 người tại hầm Kim Liên
“Uống rượu lái xe – một người tốt đã trở thành kẻ giết người“
Từ khóa: vi phạm giao thông, rượu bia lái xe, nồng độ cồn, nghiên cứu, tài xế vi phạm
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN