Uống quá nhiều nước ảnh hưởng như thế nào đến huyết áp?
Cập nhật: 26/05/2022
Phòng ngừa và điều trị bệnh đái tháo đường (24/11/2024)
Loại quả nhỏ bé nhưng lại “siêu bổ dưỡng”, không khí lạnh tràn về càng nên ăn
VOV.VN - Nước đóng vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của chúng ta, nhưng điều gì sẽ xảy ra khi bạn uống quá nhiều nước?
Nước mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm cải thiện hoạt động thể chất, kiểm soát nhiệt độ cơ thể, giảm stress oxy hóa, cải thiện chức năng não, giảm nguy cơ sỏi thận và giảm tỷ lệ mắc các vấn đề về đường tiêu hóa như táo bón.
Ngoài ra, nước góp phần duy trì huyết áp ổn định trong cơ thể và ngăn ngừa nguy cơ mắc các triệu chứng như đau đầu dữ dội, mệt mỏi, đau ngực và khó thở.
Lượng nước tối ưu sẽ tốt cho tim và các cơ quan khác trong cơ thể, nhưng khi bạn uống quá nhiều nước trong khoảng thời gian ngắn, cơ thể sẽ nhận lại một số tác dụng phụ.
Tình trạng thừa nước
Tình trạng thừa nước có thể xảy ra trong hai trường hợp. Thứ nhất, thừa nước xảy ra khi một người uống quá nhiều nước và thận không thể thải bỏ hoặc tích trữ lượng nước dư thừa, khiến nước di chuyển vào máu. Trường hợp thứ 2, tình trạng thừa nước là khi cơ thể không thể bài tiết lượng nước dư thừa do một số bệnh lý như các vấn đề về thận, tiểu đường không kiểm soát được và các vấn đề về gan.
Một số triệu chứng của tình trạng thừa nước có thể bao gồm đau đầu dữ dội, nôn, buồn nôn, lú lẫn, yếu cơ và bàn tay và bàn chân đổi màu.
Tình trạng thừa nước ảnh hưởng đến huyết áp như thế nào?
Lượng nước dư thừa hoặc không đủ nước đều ảnh hưởng đến huyết áp. Uống quá nhiều nước giúp kiểm soát sỏi thận, song nó không có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Uống quá nhiều nước làm tăng lượng nước trong máu, có thể làm loãng các chất điện giải có trong máu, bao gồm cả natri. Các chất điện giải này giúp duy trì lượng chất lỏng và chịu trách nhiệm cân bằng các hóa chất như axit và bazơ trong cơ thể.
Natri cũng là một chất cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ bắp và dây thần kinh. Khi nồng độ natri trong máu giảm xuống dưới 135 mmol/L, hiện tượng hạ natri máu xảy ra, khiến nước xâm nhập vào các tế bào của cơ thể và làm cho chúng sưng lên. Sự sưng tấy tế bào sẽ cản trở huyết áp và làm tăng nguy cơ mắc các biến cố tim mạch như cứng động mạch và suy tim, cùng với đó là tăng nguy cơ co giật và hôn mê.
Nếu không được điều trị lâu hơn, hạ natri máu có thể dẫn đến các biến chứng như phù não và hội chứng hủy myelin do thẩm thấu (rối loạn chức năng tế bào não).
Cách kiểm soát tình trạng thừa nước
Cách tốt nhất là tránh uống quá nhiều chất lỏng và chỉ uống theo lượng khuyến nghị. Theo một nghiên cứu, lượng chất lỏng được khuyến nghị mỗi ngày là 3000 ml (khoảng 12-13 cốc) đối với nam giới và 2200 ml (khoảng 8-9 cốc) đối với phụ nữ. Lượng chất lỏng nạp vào có thể là từ đồ uống và thực phẩm, bao gồm cả nước.
Ngoài ra, các loại thuốc như thuốc lợi tiểu có thể giúp tăng sản xuất nước tiểu và giảm lượng nước trong cơ thể. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế trước khi sử dụng bất kỳ dạng thuốc nào./.
Từ khóa: uống nhiều nước, uống quá nhiều nước, tác hại của uống nhiều nước
Thể loại: Y tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN