Ứng xử đúng mực để đẩy lùi dịch bệnh

Cập nhật: 17/02/2020

VOV.VN -Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra, người dân cần có thái độ, hành xử như thế nào để vượt qua dịch bệnh?

Lo lắng thái quá vì bị nhiễu thông tin

Sau khi Việt Nam công bố tình trạng khẩn cấp của dịch bệnh Covid-19, người dân đổ xô đi mua khẩu trang khiến thị trường khẩu trang tăng giá chóng mặt.

Trong số những người xếp hàng dài chờ mua khẩu trang không ít người dân do hoang mang, lo lắng thái quá đã mua rất nhiều khẩu trang về nhà tích trữ. Chị Lan Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) là một trong số đó.

Từ khi có dịch, chị Lan Anh ngày nào cũng tìm hiểu thông tin về dịch bệnh ở đủ các nguồn, mà nhiều nhất là trên các mạng xã hội. Chị Lan Anh cho biết: “Hằng ngày lên mạng, tôi đều đọc được thông tin ở nước ta hết ở địa phương này đến địa phương khác có người nhiễm virus Covid-19, tử vong vì virus Covid-19, tôi thấy rất hoang mang. Chẳng biết dịch bệnh kéo dài đến bao giờ, tôi đã mua được hơn 50 hộp khẩu trang y tế tích trữ trong nhà. Dù phải mua với giá cao hơn ngày thường cả chục lần, tôi vẫn không dám tiếc tiền vì sức khỏe của các thành viên trong gia đình là quan trọng nhất”.

ung xu dung muc de day lui dich benh hinh 1
Du khách nước ngoài được phát khẩu trang miễn phí tại TP HCM. (Ảnh minh họa)

Hành vi lợi dụng tình hình dịch bệnh găm hàng, tăng giá bán khẩu trang để kiếm lời của các cá nhân, đơn vị là hành vi rất đáng lên án. Tuy nhiên, người dân cũng nên tỉnh táo trước các nguồn tin không chính thống, tự trang bị cho mình những kiến thức khoa học để có cách ứng xử đúng mực trước tình hình dịch bệnh, tránh gây ra những bất ổn cho gia đình và xã hội.

Bởi thực tế là thời gian qua có những chủ tài khoản đã đưa lên những tin đồn chưa được kiểm chứng. Ví như tin đồn bé gái 10 tuổi tử vong vì bị nhiễm Covid-19 ở Khánh Hòa; trường hợp có người bị dịch cúm Covid-19, người Vũ Hán đang nằm cách ly tại BVTƯ Huế; người nhiễm Covid-19 tại Hạ Long... Qua kiểm tra đều là những tin đồn thất thiệt và chủ nhân của những tài khoản đưa tin đồn này đã bị xử lý.

Việc cơ quan công an nhanh chóng xử lý những chủ tài khoản tung tin đồn thất thiệt về Covid-19 đã phần nào khiến người dân đưa tin một cách có trách nhiệm hơn, tránh tâm trạng hoang mang lo lắng cho xã hội. Về việc tăng giá bán khẩu trang cũng đã được Chính phủ chỉ đạo xử lý nghiêm minh.

Những hành động đẹp giữa mùa dịch

Trong khi có những đối tượng tìm cách trục lợi hay gây nhiễu thông tin giữa mùa dịch thì xã hội ngày càng xuất hiện nhiều hành động nhân văn.

Ngày 31/1, một số hiệu thuốc trên phố Thái Hà, Bà Triệu, Chùa Láng (Hà Nội) đã cho nhân viên đứng ở vỉa hè phát khẩu trang miễn phí cho người dân để phòng tránh Covid-19.

Những ngày qua, cậu bé 11 tuổi Andy Đào Nguyên ngụ 24 Lý Tự Trọng, quận 1 TP.HCM dùng số tiền lì xì 10 triệu đồng đưa mẹ mua khẩu trang y tế và đứng phát miễn phí cho người dân, nhận được nhiều lời khen ngợi. Hành động đẹp của Andy đã lan tỏa đến mọi người. Không ít người khi thấy hình ảnh này đã tặng tiền hoặc ủng hộ những hộp khẩu trang để Andy tiếp tục phát tặng cho mọi người.

Trước tình trạng khan hiếm nước rửa tay chống dịch, thầy và trò Khoa Công nghệ Hóa - Môi trường, Trường Cao đẳng Công nghiệp Huế; thầy trò Trường ĐH Lạc Hồng (tỉnh Đồng Nai) đã sản xuất nước rửa tay khô cấp phát miễn phí cho người dân phòng chống dịch.

Nhận xét về những hành động đẹp này, PGS.TS. Trịnh Hòa Bình cho rằng, người Việt luôn có tinh thần tương thân tương ái, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn. Cứ mỗi khi xuất hiện khó khăn thì luôn có những hành động đẹp, làm ấm lòng bất kỳ ai. Nếu ai cũng nâng cao tinh thần trách nhiệm bên cạnh sự chỉ đạo của Nhà nước, chúng ta sẽ nhanh chóng vượt qua dịch bệnh với những tổn thất ít nhất.

Cần những ứng xửđúng mực

Theo PGS.TS. Trịnh Hòa Bình, bên cạnh những người có tâm lý hoang mang lo lắng thái quá thì có những người lại thờ ơ với việc chống dịch. Những người này có tâm lý, dịch bệnh trừ mình ra, không làm theo khuyến cáo của chính quyền hay các cơ quan chuyên môn. Theo ông Bình, 2 thái cực này đều không nên.

PGS.TS Bình cho rằng, Việt Nam đang làm tốt việc kiểm soát Covid-19 và hoàn toàn làm chủ được tình hình. Vì vậy, người dân không nên quá hoang mang lo lắng. “Người dân nên tiếp nhận những nguồn thông tin chính thống, chuẩn xác có trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, thay vì lựa chọn những thông tin trôi nổi. Điều đó sẽ giúp ổn định trạng thái tâm lý, tránh những trạng thái xáo động không đáng có khi dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát” - ông Bình khuyến cáo.

TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho rằng, thay vì bàng quan hay lo lắng thái quá, người dân nên tìm hiểu thông tin một cách chuẩn xác về cơ chế lây nhiễm của Covid-19 để có biện pháp phòng ngừa bệnh cho mình và người thân đúng cách, tin tưởng vào sự chỉ đạo của chính quyền và cơ quan chức năng, làm theo các khuyến nghị để giảm thiểu độ lan của virus trong cộng đồng, giảm thiểu những tổn hại do dịch bệnh gây ra.

“Sự lo lắng thái quá của người dân sẽ tạo áp lực đối với chính quyền, với người làm chuyên môn, cuối cùng lại dội lại chính chúng ta. Trong thời gian này cần bản lĩnh của người làm chính sách và những người làm chuyên môn để đưa ra những giải pháp khoa học dựa trên những bằng chứng khoa học. Và người dân cần có hành xử đúng mực, chúng ta cùng giúp nhau an toàn vượt qua dịch bệnh” - bác sĩ Sơn nhấn mạnh./.

Từ khóa: bệnh viêm đường hô hấp, Covid-19, nCoV, dịch bệnh nCoV

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập