Ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý y tế ở Tây Nguyên vẫn còn chậm

Cập nhật: 08/03/2025

VOV.VN - Khó khăn đáng kể trong hành nghề y-dược hiện nay là cơ quan quản lý gặp khó khăn trong theo dõi và kiểm soát hoạt động hành nghề, đặc biệt là với số lượng lớn cơ sở và người hành nghề; Quá trình thẩm định, phê duyệt danh mục kỹ thuật mất nhiều thời gian và công sức, khó giám sát, kiểm tra.

 

Sáng nay (7/3) tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Sở y tế tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Ytế thành phố Hồ Chính Minh tổ chức Hội thảo y tế vùng Tây Nguyên nhằm chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý hành nghề y - dược. Đây là cơ hội quan trọng để các tỉnh Tây Nguyên học hỏi từ mô hình thành công của TP. Hồ Chí Minh, từ đó thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, nâng cao chất lượng quản lý và dịch vụ y tế trong khu vực. 

Khó khăn đáng kể trong hành nghề y-dược hiện nay là cơ quan quản lý gặp khó khăn trong theo dõi và kiểm soát hoạt động hành nghề, đặc biệt là với số lượng lớn cơ sở và người hành nghề; Quá trình thẩm định, phê duyệt danh mục kỹ thuật mất nhiều thời gian và công sức, khó giám sát, kiểm tra.

Để khắc phục, các đại biểu cho rằng giải pháp chủ yếu là chuyển đổi số các hoạt động quản lý hành nghề, gồm: chuyển đổi số trong quản lý hành nghề khám chữa bệnh; chuyển đổi số trong đăng ký và phê duyệt danh mục kỹ thuật; chuyển đổi số trong đánh giá chất lượng cơ sở y tế; chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra; chuyển đổi số trong quản lý nhân sự; chuyển đổi số trong khảo sát không hài lòng người bệnh; chuyển đổi số trong quản lý dữ liệu sức khỏe; chuyển đổi số trong hoạt động điều phối thuốc cấp cứu, v.v.

Ông Nay Phi La, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, cho rằng ngành Y tế Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung vẫn đang trong giai đoạn đầu của việc ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý y tế.

“Với 15 trung tâm y tế huyện, thị cũng như bệnh viện đa khoa vùng, thành phố thì gần như 20 đơn vị sử dụng 20 phần mềm khác nhau chỉ phục vụ trong đơn vị mình. Do vậy công tác quản lý của nhà nước về ngành y tế chủ yếu thực hiện trên giấy và tất cả nhập trên Exel", ông Phi La cho biết.

Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở y tế thành phố Hồ Chí Minh, trong những năm gần đây y tế thành phố Hồ Chí Minh đã không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số trong toàn hệ thống. Theo đó, đã vận hành hệ thống quản lý bệnh án điện tử (EMR); Hệ thống quản lý thông tin tiêm chủng; Ứng dụng y tế trực tuyến; Chuyển đổi số trong quản lý thuốc; Mạng lưới y tế thông minh. Điều này góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế cũng như giúp tối ưu hóa quy trình tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người bệnh.

Ông Tăng Chí Thượng chia sẻ: "Điều quan trọng nhất là mỗi phòng chức năng phải xây dựng dữ liệu số của phòng mình. Nếu không có dự liệu mỗi phòng thì không có cổng tra cứu online và nếu không cập nhật dữ liệu thường xuyên thì cũng không có ý nghĩa gì. Hiện chúng tôi đang cố gắng thực hiện Nghị quyết 57 của Trung ương trong đó đẩy mạnh yếu tố chuyển đổi số, làm nền tảng đầu tư cho y tế. Tuy nhiên điều này đòi hỏi người đứng đầu ngành phải quyết liệt, phải đeo đuổi".

Chuyển đổi số y tế: Kỳ vọng và thực tế

VOV.VN - 32,1 triệu sổ sức khỏe điện tử đã được tích hợp qua VNeID, nhưng bệnh nhân vẫn phải lặp lại xét nghiệm. Điều này phản ánh gì về hệ thống y tế số mà chúng ta đang xây dựng?

Từ khóa: chuyển đổi số, chuyển đổi số, y tế, khó khăn,y tế, chuyển đổi số, Nghị quyết 57, chuyển đổi số y tế, y tế thông minh, Tây nguyên

Thể loại: Xã hội

Tác giả: nam trang/vov-tây nguyên

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan