Ukraine tung tiêm kích "Chim cắt" F-16 mang bom lượn chiến đấu với Nga

Cập nhật: 2 giờ trước

VOV.VN - Một đoạn video hiếm hoi xuất hiện trên mạng được cho là ghi lại cảnh tiêm kích F-16AM Fighting Falcon (tạm dịch "Chim cắt"') của không quân Ukraine lần đầu tiên tham chiến khi mang theo bom lượn.

Trước đó, có nhiều ý kiến cho rằng F-16AM của Ukraine sẽ chủ yếu được triển khai cho nhiệm vụ phòng không, tránh xa tiền tuyến nhằm bảo vệ những chiến đấu cơ đắt đỏ này khỏi tổn thất. Tuy nhiên, đoạn video mới tiết lộ một hình ảnh đầy bất ngờ: chiếc F-16AM bay ở độ cao thấp, mang theo bom đường kính nhỏ GBU-39 (SDB) do Mỹ sản xuất. Đây là chiến thuật thường được các phi công dày dạn kinh nghiệm sử dụng để né tránh radar và nâng cao độ chính xác của các đợt tấn công.

GBU-39 là loại bom lượn có thể được sử dụng trọng mọi điều kiện thời tiết, được dẫn đường bằng GPS và Hệ thống dẫn đường quán tính (INS), giúp tấn công mục tiêu với độ chính xác cao và giảm thiểu thiệt hại ngoài ý muốn. Với khối lượng chỉ hơn 100kg, GBU-39 cho phép máy bay mang theo số lượng vũ khí gấp 4 lần so với thông thường, theo dữ liệu từ công ty tình báo quốc phòng Janes. Tầm bắn mở rộng của loại bom này cũng giúp phi công tấn công từ khoảng cách an toàn hơn.

Diễn biến này cho thấy Kiev hiện đã đưa F-16AM vào các cuộc giao tranh trực tiếp với lực lượng Nga, trong bối cảnh Moscow tiếp tục tiến quân chậm nhưng chắc ở Kursk và Donetsk.

Máy bay cũng có thể được trang bị bom dẫn đường chính xác JDAM-ER, Mồi nhử phóng từ trên không thu nhỏ ADM-160 (MALD) và tên lửa Hammer do Pháp sản xuất, giúp Ukraine mở rộng khả năng tấn công sâu vào những phần lãnh thổ hiện do Nga kiểm soát.

Tuy nhiên, những ưu điểm kể trên không thể xóa nhòa thực tế rằng, tiêm kích F-16 thực chất là máy bay chiến đấu thế hệ 4 đời đầu, vốn đã bị loại khỏi biên chế chiến đấu ở các nước như Đan Mạch và Hà Lan. Xét về khả năng không chiến, F-16 khó có thể sánh ngang với các tiêm kích đánh chặn hiện đại của Nga như MiG-31 hay Su-35. Bên cạnh đó, quá trình triển khai những chiến đấu cơ này đã bị trì hoãn, một phần do yêu cầu đào tạo chuyên sâu bắt buộc đối với phi công và đội bảo dưỡng máy bay của Ukraine. Việc những chiếc F-16AM lần đầu tiên tham chiến không chỉ đánh dấu một bước tiến quan trọng mà còn mang lại cú hích tinh thần rất lớn cho các lực lượng Kiev.

Tuần trước, Ukraine xác nhận đã tiếp nhận lô máy bay chiến đấu Mirage 2000 đầu tiên từ Pháp, cùng với các tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất được Hà Lan chuyển giao. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo rằng chuyến hàng viện trợ này có thể đến quá muộn để tạo ra bước ngoặt quyết định trên chiến trường.

“Vào năm 2022 và 2023, một số người đã hy vọng rất nhiều rằng việc cung cấp F-16 sẽ là một bước ngoặt đối với Ukraine", chuyên gia Keir Giles thuộc tổ chức tư vấn Chatham House có trụ sở tại London (Anh) cho biết. “Tuy nhiên, màn ra mắt cuối cùng của những chiến đấu cơ này lại diễn ra khá âm thầm, không đi kèm những kỳ vọng lớn về hiệu quả tác chiến như các đợt viện trợ vũ khí cấp cao khác".

Ông nói thêm rằng Nga đã có đủ thời gian để chuẩn bị cho sự xuất hiện của các chiến đấu cơ F-16: "Sự chậm trễ trong việc đưa ra quyết định cung cấp máy bay cho Ukraine đã làm giảm uy lực của những chiếc tiêm kích này. Nga đã có đủ thời gian để lên kế hoạch đối phó".

Từ khóa: ukraine, nga, ukraine, f-16, máy bay

Thể loại: Thế giới

Tác giả: diệp thảo/vov.vn (biên dịch)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập