Ukraine tung chiến thuật hiểm với tiêm kích F-16 khiến Nga phải dè chừng

Cập nhật: 08/04/2025

VOV.VN - Ukraine đã điều động các tiêm kích F-16 và Mirage để yểm trợ các chiến đấu cơ thời Liên Xô. Kiểu tấn công đó đã thay đổi đáng kể cách phản ứng của quân đội Nga.

Ukraine khai thác tối đa sức mạnh tiêm kích phương Tây

Một phi công lái F-16 của Ukraine cho biết lực lượng của Moscow dường như đặc biệt tránh xa chiến đấu cơ này vì họ biết khả năng sát thương của chúng. Không quân Ukraine đã công bố các bình luận của phi công trên ngày 26/3 như một phần trong cuộc phỏng vấn video đầu tiên với một phi công lái F-16. Danh tính của phi công này đã được giữ bí mật vì mục đích an ninh.

"Với sự xuất hiện của các trang thiết bị phương Tây, tình hình thực hiện các nhiệm vụ yểm trợ máy bay chiến đấu đã được cải thiện", phi công này nói. Theo ông: "Hiện chúng tôi có các vũ khí khác nhau với chất lượng cao hơn. Nga cũng hiểu điều đó".

Ông cho biết Ukraine đã triển khai các chiến đấu cơ F-16 Fighting Falcon của Mỹ và Mirage 2000-5 của Pháp trong các cuộc chạm trán tầm gần.

"Dựa trên hành động của họ, chúng tôi có thể thấy họ đang bắt đầu rút lui. Họ sợ tiếp cận chúng tôi", phi công Ukraine nhận định.

Phi công này cho biết Ukraine đã sử dụng các tiêm kích F-16 cho các cuộc tấn công chiến thuật chính xác, trong khi các tiêm kích thời Liên Xô như MiG-29, Su-24 và Su-27 được giao nhiệm vụ rộng hơn là chế áp và phá hủy các mục tiêu hạng nặng. Các tiêm kích thời Liên Xô của Ukraine cũng thường được điều động để ném bom các mục tiêu của Nga ở cự ly gần, điều mà phi công này cho biết, đồng nghĩa với việc các đồng đội của ông phải bay "rất gần tiền tuyến".

Vì vậy, Ukraine đã điều động các chiến đấu cơ F-16 và Mirage để yểm trợ các chiến đấu cơ thời Liên Xô. Kiểu tấn công đó đã thay đổi đáng kể cách phản ứng của quân đội Nga.

"Họ biết sơ qua các đặc điểm kỹ thuật vũ khí của chúng tôi. Họ biết nên tiến công ở đâu, rút lui ở đâu", phi công Ukraine nói, đồng thời tiết lộ Kiev đang cố gắng khai thác những lỗ hổng này.

Phi công cũng cho biết F-16 và Mirage trao cho Ukraine khả năng tiến hành các cuộc tấn công "rất chính xác".

"Hiện tại chúng tôi chỉ có thể tấn công ở chiều sâu chiến thuật. Nhưng những cuộc tấn công như vậy cực kỳ chính xác", ông nói về các phi công Ukraine được giao điều khiển các chiến đấu cơ phương Tây.

"Nếu muốn, quả bom của chúng tôi có thể bay thẳng qua cửa sổ của ai đó", phi công Ukraine cho hay.

Bộ Quốc phòng Nga chưa bình luận về việc này.

Ưu thế của F-16 so với các tiêm kích thời Liên Xô

F-16 là một thiết kế cũ hơn theo tiêu chuẩn phương Tây, với hơn 50 năm hoạt động, nhưng vẫn được Ukraine đánh giá cao vì khả năng mang và phóng nhiều loại đạn dược dẫn đường chính xác của NATO, chống lại cả mục tiêu trên không và trên bộ. Các loại đạn này bao gồm Đạn tấn công trực diện phối hợp với tầm bắn mở rộng (JDAM-ER) có tầm hoạt động 80km và tên lửa phóng từ trên không tầm trung AIM-120 có thể tiêu diệt các mục tiêu trên không khác. Ukraine hiện sở hữu cả hai loại đạn này.

Điều đó tức là F-16 có thể là một công cụ đa năng để chiến đấu với các tiêm kích khác, tiến hành các cuộc tấn công mặt đất hoặc chế áp phòng không Nga.

Một số chiến đấu cơ thời Liên Xô từ MiG-29 cũng là máy bay chiến đấu đa năng nhưng F-16 có hệ thống radar, thiết bị gây nhiễu điện từ và tầm bắn tốt hơn. Vào tháng 1/2025, Ukraine cho biết một trong các phi công của họ đã phá hủy tới 6 tên lửa Nga trong một lần xuất kích.

Trong khi đó, Mirage của Dassault là một máy bay chiến đấu khác được gửi đến Ukraine, mặc dù nó thường chỉ giới hạn ở việc sử dụng đạn dược từ Pháp. Chẳng hạn, Mirage có thể phóng tên lửa hành trình Storm Shadow tầm xa nhưng phải gắn cùng tên lửa không đối không MICA tầm ngắn hơn khi đối phó với các mục tiêu trên không.

Kiev đã nhận được tiêm kích F-16 từ các đồng minh châu Âu kể từ mùa hè năm 2024 và nhận được lô Mirage đầu tiên từ Pháp vào tháng 2. Ukraine vẫn giữ im lặng về số lượng tiêm kích mà họ nhận được. Các quốc gia như Bỉ, Hà Lan và Đan Mạch đã cam kết cung cấp hơn 100 máy bay F-16 cho Ukraine, nhưng toàn bộ quá trình này có thể mất nhiều tháng đến nhiều năm.

Dù vậy, Ukraine vẫn phải cẩn thận với các tiêm kích phương Tây có giá trị của mình. Hệ thống phòng thủ tên lửa đất đối không của Nga như S-400 sở hữu những khả năng đáng gờm, do đó các phi công Ukraine phải hạn chế độ cao hoặc tầm bay để giảm khả năng tiếp xúc với chúng.

Kiev đã mất một tiêm kích F-16 hồi tháng 8/2024 khi phải chiến đấu với tên lửa hành trình và máy bay không người lái gần thủ đô.

Đầu tháng này, một số kênh Telegram ủng hộ Điện Kremlin cho biết một chiếc F-16 khác đã bị bắn hạ ở khu vực Sumy. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã bác bỏ báo cáo này khi phát biểu với các nhà báo ngày 19/3.

Ông Zelensky cũng tiết lộ, Ukraine cần 128 chiếc F-16 để chiến đấu hiệu quả với Nga.

Gần đây, chương trình F-16 của Ukraine đã bị đặt dấu hỏi khi Tổng thống Donald Trump tạm dừng viện trợ quân sự cho Kiev vào đầu tháng 3. Cuối cùng, viện trợ đã được nối lại khi Ukraine đồng ý với các điều khoản do Mỹ làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn.

Từ khóa: ukraine, tiêm kích của ukraine, tiêm kích f-16, chiến đấu cơ f-16, chiến đấu cơ thời liên xô, ưu thế của f-16, chiến thuật hiểm của ukraine, so sánh f-16 và máy bay nga, so sánh vũ khí

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: kiều anh/vov.vn (biên dịch)

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập