Ukraine chưa có được “điều mong muốn” sau cuộc gặp lãnh đạo Anh – Mỹ
Cập nhật: 16/09/2024
Vừa chuẩn bị nhậm chức, ông chủ Nhà Trắng đã tuyên bố áp thuế với 3 quốc gia (26/11/2024)
Trung Quốc định xây nhà hình quả trứng bằng kỹ thuật ghép mộng gỗ trên Mặt Trăng (26/11/2024)
VOV.VN - Sau cuộc gặp của Thủ tướng Anh với Tổng thống Mỹ tại Nhà Trắng, Ukraine vẫn chưa được cấp phép quyền sử dụng tên lửa tầm xa, để tấn công sâu lãnh thổ Nga, bất chấp những khó khăn trên chiến trường mà Ukraine đang gặp phải.
Cuộc gặp Thủ tướng Anh Keir Starmer với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng được quốc tế đặc biệt quan tâm, bởi hai bên sẽ bàn về việc có nên cấp phép cho Ukraine sử dụng vũ khí tấn công tầm xa vào sâu lãnh thổ Nga hay không.
Bước vào cuộc gặp, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Keir Starmer lần lượt nhấn mạnh: “Tôi vẫn thường nói, không có vấn đề toàn cầu nào mà Mỹ và Anh không thể hợp tác và chưa từng hợp tác với nhau. Mỹ cam kết sát cánh cùng ngài để giúp Ukraine chống lại Nga. Phải nói rõ ràng rằng Nga sẽ không thắng thế trong cuộc xung đột này mà Ukraine sẽ thắng thế".
“Tất nhiên, chúng ta sẽ bắt đầu với Ukraine, nơi mà tôi nghĩ rằng vài tuần và vài tháng tới có thể rất quan trọng. Chúng ta phải ủng hộ Ukraine trong cuộc xung đột quan trọng này", Thủ tướng Anh Keir Starmer nói.
Thế nhưng khi rời cuộc họp mà Thủ tướng Anh nhận định là hiệu quả, ông đã né tránh trả lời trực tiếp câu hỏi của phóng viên rằng Ukraine có được phép sử dụng vũ khí tầm xa để tấn công Nga hay không. Thủ tướng Anh cho biết sẽ tiếp tục thảo luận về các “quyết định chiến lược” với các đối tác khác bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ở Mỹ trong những ngày tới.
Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby khẳng định, nước này chưa có bất cứ điều chỉnh nào trong quan điểm về việc cung cấp khả năng tấn công tầm xa cho Ukraine nhằm vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Ông John Kirby khẳng định, Mỹ coi trọng cảnh báo của Tổng thống Nga Putin đưa ra trước đó, rằng việc cấp phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa tấn công Nga sẽ bị coi là sự tham gia trực tiếp của phương Tây vào cuộc xung đột.
Hôm qua, Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia tiếp tục nhấn mạnh, NATO cần tính toán thận trọng về hậu quả khi quyết định tham gia chiến đấu trực tiếp chống lại một cường quốc hạt nhân.
Diễn biến này có thể khiến Ukraine không mấy hài lòng. Tại một hội nghị ở Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho rằng, phương Tây đang “quá sợ” Nga, đến mức không dám nêu khả năng bắn hạ tên lửa và thiết bị bay không người lái của Nga trên bầu trời Ukraine như đã giúp Israel ở Trung Đông. Tổng thống Ukraine cũng thừa nhận, Nga đang đẩy mạnh các chiến dịch quân sự để đẩy Ukraine ra khỏi vùng biên giới Kursk của Nga, với việc huy động một lượng quân lớn tại đây.
Theo kế hoạch, trong tháng này, Tổng thống Ukraine sẽ tới Mỹ để gặp Tổng thống Joe Biden và các nhà lãnh đạo thế giới bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, nhằm nêu ra “kế hoạch chiến thắng” - một công thức hòa bình mà Ukraine muốn để kết thúc cuộc xung đột đã kéo dài 2 năm rưỡi với Nga.
Từ khóa: Ukraine, Nga, Anh, Mỹ
Thể loại: Thế giới
Tác giả: đình nam/vov1
Nguồn tin: VOVVN