UAV trang bị tên lửa tầm ngắn có thể giúp Ukraine đối phó với Nga?

Cập nhật: 02/11/2022

VOV.VN - Cả 2 công ty Baykar và Rocketsan đều khẳng định, việc trang bị tên lửa không đối không tầm ngắn giá thành phải chăng cho UAV sẽ tạo ra một giải pháp tiết kiệm để đối phó với trực thăng tấn công và máy bay không người lái khác.

Nhà sản xuất máy bay không người lái (UAV) Bayraktar TB2 và Akinci của Thổ Nhĩ Kỳ vừa tuyên bố, các UAV chiến đấu của nước này có thể trở thành một công cụ đối phó hiệu quả đối với UAV chứa chất nổ do Iran chế tạo hiện đang được Nga sử dụng tại Ukraine, sau khi hoàn thành dự án trang bị tên lửa không đối không tầm ngắn (AAM).

Tại Triển lãm quốc phòng Saha Expo ở Istanbul vào cuối tháng 10 vừa qua, Công ty Quốc phòng Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ và nhà sản xuất tên lửa Roketsan đã ký hợp đồng tích hợp tên lửa phòng không tầm ngắn Sungur của hãng này lên các máy bay không người lái Bayraktar. Tổng Giám đốc Roketsan kỳ vọng sự kết hợp này sẽ giúp tạo ra một “nhân tố làm thay đổi cuộc chơi”.

Cả 2 công ty Baykar và Rocketsan đều khẳng định, việc trang bị tên lửa không đối không tầm ngắn giá thành phải chăng cho UAV sẽ tạo ra một giải pháp tiết kiệm để đối phó với trực thăng tấn công và máy bay không người lái của đối phương, giảm nhu cầu sử dụng những tên lửa đắt tiền thường dùng cho các máy bay chiến đấu hiện đại.

Giám đốc điều hành Baykar, ông Haluk Bayraktar cho rằng, máy bay không người lái cảm tử Shahed-136 mà Nga đang sử dụng để tấn công các mục tiêu quân sự tại Ukraine có tốc độ chậm và tạo ra nhiều tiếng ồn khi hoạt động. Do đó, nó có thể trở thành “mục tiêu dễ dàng” cho các tên lửa không đối không tầm ngắn được tích hợp trên UAV của Thổ Nhĩ Kỳ.

“Chẳng bao lâu nữa các máy bay không người lái Bayraktar TB2 và Akincis của chúng tôi sẽ sở hữu tên lửa không đối không. Chúng không chỉ có khả năng đối đấu với các UAV khác mà còn cả máy bay chiến đấu của đối phương. Chúng tôi vẫn đang tiến hành các cuộc thử nghiệm”, ông Bayraktar nói.

Ukraine hiện đang sử dụng hệ thống phòng không trên mặt đất và máy bay chiến đấu để đánh chặn UAV Shahed-136 do Iran sản xuất, ước tính có giá thành khoảng 20.000 USD mỗi chiếc. Nga được cho là đã sử dụng UAV này với số lượng lớn để tấn công vào các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine.

Kiev sở hữu rất nhiều UAV Bayraktar TB2 mua từ Thổ Nhĩ Kỳ, đã được chứng minh khả năng chiến đấu trên chiến trường. Ankara bắt đầu cung cấp cho Ukraine loại máy bay không người lái này vào năm 2019 và chuyển giao với số lượng lớn hơn kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Baykar có kế hoạch thành lập một nhà máy ở Ukraine để sản xuất các UAV TB2, Akinci và Kizilelma.

Với mối quan hệ hợp tác quốc phòng ngày càng chặt chẽ, sẽ không bất ngờ nếu Baykar sớm cung cấp cho Ukraine những UAV mới được trang bị tên lửa đạn đạo tầm ngắn, có thể là một phiên bản khác của tên lửa Sungur. Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự cho rằng, đây sẽ không phải là giải pháp tối ưu để đối phó với mối đe dọa từ các UAV mà Nga đang sử dụng.

Chuyên gia Samuel Bendett thuộc Trung tâm Phân tích Hải quân lưu ý: “Theo tuyên bố nêu trên, lợi ích của cách tiếp cận này nằm ở giá thành. UAV tích hợp tên lửa của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải rẻ hơn so với giá thành của một chiếc Shahed-136. Trong trường hợp ngược lại, đây không phải là giải pháp khả thi, hơn nữa cũng cần phải xét đến khu vực địa lý. Nga đã phóng UAV Shahed-136 từ nhiều địa điểm khác nhau, vì thế câu hỏi đặt ra là liệu Ukraine có đủ UAV TB2 và Akinci hoạt động suốt ngày đêm để theo dõi Shahed-136 hay không”.

Ông Samuel Bendett cho rằng, việc tích hợp AAM trên UAV chỉ có thể là “phương án cuối cùng nhằm đối phó với các UAV do Iran sản xuất. Nhưng ngay cả khi biện pháp này được áp dụng thì chi phí sử dụng UAV như vậy của Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ cao hơn chi phí sử dụng UAV của Iran”.

Giáo sư James Rogers thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh tại Đại học Nam Đan Mạch cũng hoài nghi về hiệu quả của giải pháp nêu trên.

“Mặc dù Giám đốc điều hành công ty Baykar của Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng, việc trang bị tên lửa không đối không Sungur cho máy bay không người lái TB2 và Akinci của họ sẽ là một giải pháp hiệu quả để chống lại UAV Shahed-136 của Iran, nhưng tôi nghĩ đây sẽ không phải là một giải pháp khả thi lâu dài”, ông nói.

Ông Rogers nhấn mạnh, không dễ dàng để tìm ra biện pháp khắc phục nhanh chóng đối với những lỗ hổng trong hệ thống phòng không của Ukraine, đồng thời chỉ ra hai lý do khiến đề xuất của Bayraktar rất khó triển khai.

Thứ nhất, UAV TB2 có thể trợ giúp quân đội Ukraine tại một số địa điểm cụ thể trong một thời gian ngắn, chẳng hạn như ở Kiev – nơi lộ trình của Shahed-136 dễ xác định. Nhưng ngay cả khi điều này được thực hiện, thì chiến thuật của Nga sử dụng UAV theo kiểu bầy đàn để chọc thủng các tuyến phòng thủ của Ukraine nhiều khả năng sẽ áp đảo khả năng phản công của TB2.

“Thứ hai, khi xét đến khả năng phòng thủ rộng lớn hơn của Ukraine cũng như việc ứng phó với các cuộc tấn công tiềm tàng mà Nga thực hiện nhằm vào những thành phố khác, thì Kiev cần phải có hàng trăm UAV TB2 để thực hiện vai trò yểm trợ trên không liên tục ở hàng chục địa điểm. Đây không phải là phương án khả thi”.

Nhà phân tích Rogers cho rằng, hệ thống phòng không của Ukraine đang bị suy yếu nghiêm trọng sau thời gian dài giao tranh và thiếu đầu tư, nâng cấp. Vì thế, Mỹ và châu Âu phải theo đuổi cách tiếp cận đa quốc gia nhằm giúp Kiev tăng cường đầu tư vào công nghệ, chiến thuật và chiến lược phòng không.

Ông Rogers cho rằng, Iran có thể đã chuyển giao cho Nga số lượng lớn UAV với những phiên bản ngày càng tinh vi và hiện đại hơn để Moscow có thể sử dụng trên chiến trường. Trong số đó, phải kể đến UAV cảm tử Arash-2, cơ động hơn, nhanh nhạy hơn và có tầm hoạt động xa hơn so với Shahed-136. Điều này chắn sẽ làm gia tăng áp lực đối với hệ thống phòng không của Ukraine./.

Từ khóa: máy bay không người lái trang bị tên lửa tầm ngắn, chiến tranh nga ukraine, xung đột nga ukraine, tên lửa không đối không tầm ngắn, thổ nhĩ kỳ trang bị tên lửa cho UAV, Ukraine đối phó với Nga, Nga dùng máy bay không người lái của iran tấn công ukraine, iran cung cấp cho nga UAV cảm tử, máy bay không người lái TB2, máy bay không người lái Shahed-136, hệ thống phòng không của ukraine

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập