Tuyển sinh đại học sẽ kéo dài đến tháng 2/2021
Cập nhật: 10/05/2020
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN - Đến nay, nhiều trường Đại học trên cả nước công bố sẽ sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 để xét tuyển đầu vào.
Theo quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Thu Thủy, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2020, Quy chế Tuyển sinh (QCTS 2020) có một số điểm mới để phù hợp với tình hình, đồng thời vẫn đảm bảo chất lượng giáo dục và tuyển sinh của các trường.
Theo đó, các địa phương chủ trì thi tốt nghiệp THPT 2020 nghiêm túc, Bộ GD-ĐT ra đề thi có tính phân loại, phân hóa và các trường Đại học tham gia vào giám sát thanh tra. Bà Thủy nhấn mạnh, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, năm nay Bộ GD-ĐT quy định rõ với những ngành có số lượng thí sinh trúng tuyển ít, không thể mở ngành, trường cần phải thông báo cho các bộ phận liên quan giải quyết, không nâng điểm chuẩn để đánh rớt thí sinh như năm 2019.
BàNguyễn Thu Thủyquyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. |
Tuyển sinh đại học nhiều đợt
Bộ GD-ĐT tiếp tục hỗ trợ cơ sở dữ liệu để các thí sinh đăng ký xét tuyển, đặc biệt có quá trình “lọc ảo” trong đợt một của quy trình tuyển sinh. Theo đó, các Sở GD-ĐT và UBND các địa phương tiếp tục hỗ trợ thí sinh đăng ký thi tuyển như năm 2019.
“Nguyên tắc là các trường có thể tuyển sinh nhiều lần trong năm, do vậy không cần phải lo lắng việc phải tuyển đủ ngay trong đợt 1. Vì điều kiện dịch bệnh, nên quá trình tuyển sinh năm 2020 có thể kéo dài đến hết tháng 2/2021”, bà Thủy nhấn mạnh.
Cũng theo bà Thủy, vấn đề “đào tạo đặt hàng” trong QCTS 2020, các bên liên quan đều có thể đặt hàng tuyển sinh (các bộ ngành, các tỉnh) theo hợp đồng đào tạo. Vấn đề được quan tâm là điểm xét tuyển, có thể được ưu tiên hoặc thấp hơn không quá 1 điểm so với đầu vào của các ngành cụ thể… QCTS đã tạo thuận lợi cho tất cả các bên và hỗ trợ các trường đảm bảo chuẩn đầu ra.
Bộ GD-ĐT tiếp tục thu ý kiến góp ý của các trường để quy trình tuyển sinh rõ ràng hơn và thuận tiện hơn khi thực hiện. Dự kiến, Bộ sẽ các điều chỉnh theo hướng giảm bớt yêu cầu, phù hợp với năng lực của các cơ sở đào tạo, đồng thời đảm bảo tính khả thi của Quy chế.
Với các cơ sở đào tạo đại học muốn tổ chức thi riêng cần đáp ứng các điều kiện cụ thể như: Có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh. Bảo đảm nhân lực đáp ứng các yêu cầu về năng lực quản lý và chuyên môn để tổ chức tốt kỳ thi riêng. Có ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa và/hoặc tự luận đủ lớn để xây dựng đề thi cho việc tổ chức thi trong mỗi lần thi; có đủ điều kiện về cơ sở vật chất phù hợp với quy mô, hình thức tổ chức thi…
Đề thi tốt nghiệp THPT sẽ có sự phân hóa
Tại Hội nghị trực tuyến về Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non tổ chức ngày 8/5, Bộ GD-ĐT nhận được 14 ý kiến đóng góp từ các trường Đại học, học viện... trên cả nước. Theo đó, các trường thống nhất cao với phương án tuyển sinh 2020 của Bộ.
Thầy Trần Nhật Tuấn, Hiệu trưởng ĐH Y Dược TPHCM nhấn mạnh yếu tố phân hóa trong đề thi tốt nghiệp THPT 2020. Đồng thời đề xuất Bộ GD-ĐT chủ động kế hoạch có thể đưa sinh viên nhập học vào đầu tháng 9, để hoạt động giáo dục trở lại bình thường.
“Cơ bản thống nhất QCTS của Bộ GD, đối với các trường khối Y đã có thảo luận và ĐH Y TPHCM thống nhất với kiến nghị của ĐH Y Hà Nội đã đề xuất, trong đó mong muốn đề thi có sự phân hóa và có điểm sàn chất lượng... với mục đích chính là đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh”, thầy Tuấn nói.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ chủ trì Hội nghị trực tuyến về Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ngày 8/5. |
Thầy Đào Đăng Phượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Nghệ thuật TƯ cũng đánh giá, QCTS 2020 ghi rất rõ và chi tiết cho các trường tuyển sinh riêng và trường có môn năng khiếu. Thực hiện chủ trương của Bộ về nâng cao chất lượng đầu vào cho ngành sư phạm, nhà trường có đề án tuyển sinh năm 2020 trong đó nghiên cứu nâng điểm tuyển sinh môn văn hóa, cụ thể là Ngữ văn, cho ngành Sư phạm Âm nhạc và Sư phạm kỹ thuật.
“Là trường đặc thù vừa là sư phạm vừa là nghệ thuật, từ 2013, chúng tôi đã tiến hành tuyển sinh riêng. Chúng tôi xét tuyển môn Ngữ văn và thi 2 môn năng khiếu. Với môn Ngữ văn, chúng tôi xét tuyển học bạ và sử dụng kết quả của kỳ thi THPT. Các môn năng khiếu, chúng tôi tổ chức thi riêng. Năm nay, dù có quy định mới, nhưng chúng tôi không có nhiều vướng mắc trong tuyển sinh, đồng thời điều có chỉnh phù hợp để đảm bảo tuyển sinh đầu vào”, thầy Phượng nói.
Vì tổ chức tuyển sinh, nên bên cạnh hệ thống dữ liệu hỗ trợ lọc ảo của Bộ GD-ĐT, ĐH Sư phạm Nghệ thuật TƯ cũng có phần mềm riêng của nhà trường. Thầy Phượng cũng đề xuất, Bộ có chính sách cụ thể hơn trong việc xác định cơ chế phối hợp giữa các trường, khối ngành, đặc biệt là ngành nghệ thuật khi tổ chức thi năng khiếu để hỗ trợ nhau để tuyển sinh hiệu quả và chất lượng.
Tiếp nhận các ý kiến đề xuất, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định đề thi tốt nghiệp THPT năm nay vẫn có độ phân hóa, trên cơ sở đó, các trường đại học vẫn có thể sử dụng để xét tuyển. Các trường không phải quá lo lắng với chất lượng nguồn tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp năm nay.
“Luật đã quy định các trường tự chủ tuyển sinh gắn với trách nhiệm tự giải trình và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các trường phải có trách nhiệm giải trình với xã hội về chất lượng nguồn tuyển cũng như chất lượng đào tạo dù sử dụng phương thức tuyển sinh nào. Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh, đào tạo đồng thời đẩy mạnh hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục ĐH”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh./.
Từ khóa: thi THPT 2020, thi tốt nghiệp THPT 2020, xét tuyển đại học 2020, thi đại học 2020, đề thi 2020
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN