Tuyển sinh Đại học- Bài toán có nhiều lời giải
Cập nhật: 01/03/2021
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
[VOV2] - Tuyển sinh Đại học luôn là vấn đề nóng không chỉ đối với ngành giáo dục mà đối với cả xã hội. Việc thực hiện quyền tự chủ trong tuyển sinh sẽ giúp các cơ sở giáo dục đại học có nhiều lời giải cho bài toán tuyển sinh của mình.
Sau thời gian dài thực hiện kỳ thi 3 chung để xét tuyển Đại học với khá nhiều ưu điểm nhưng sự di chuyển thí sinh đi thi tại các cơ sở Giáo dục đại học gây ra sự tốn kém phiền phức , Bộ Giáo dục đã quyết định lấy kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT quốc gia làm cơ sở để xét tuyển đại học. Tuy nhiên, phương án này đã bộc lộ nhiều điểm yếu, đặc biệt vụ gian lận thi cử ở 1 số tỉnh như Hà Giang, Hòa Bình ...đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, gây mất công bằng cho thí sinh và làm mất uy tín của ngành giáo dục đối với xã hội.
Bất ngờ năm 2020, khi chỉ còn chưa đầy 3 tháng nữa diễn ra kỳ thi tuyển sinh ĐH, Bộ GDĐT lại đột ngột quyết định : kỳ thi Tốt nghiệp THPT không còn có giá trị 2 trong 1 như những năm trước mà chỉ có giá trị công nhận tốt nghiệp phổ thông, tuy nhiên các cơ sở giáo dục Đại học có thể sử dụng làm căn cứ xét tuyển Đại học.
Như rắn không đầu, các trường Đại học CĐ không kịp trở tay. 1 số trường top trên như ĐHQG TP HCM kiên định với phương thức sử dụng bài thi đánh giá năng lực được thực hiện từ năm 2018 và ĐHBK Hà Nội quyết định cho thí sinh thực hiện bài kiểm tra tư duy để xét tuyển cùng với các phương thức xét tuyển khác. Còn lại hầu hết các trường sử dụng kết quả kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, xét học bạ và căn cứ vào 1 số chứng chỉ quốc tế khác để tuyển sinh. Sự bấn loạn chỉ mang tính nhất thời bởi cuối cùng cung – cầu tuyển sinh vẫn đâu vào đấy. Có điều hiện tượng nhiều thí sinh điểm cao tập trung vào 1 số ngành nghề hot vẫn tồn tại. Trong khi đó, ở những ngành nghề truyền thống nhu cầu xã hội rất cần lại thiếu người học hoặc người học có năng lực thấp so với yêu cầu gây ra thực trạng cung cầu không cân bằng, vấn đề việc làm sau khi tốt nghiệp ở vào cảnh: ngành thừa cứ thừa, ngành cần cứ thiếu!
Tự chủ tuyển sinh là một trong những yêu cầu bắt buộc của tự chủ đại học. Các cơ sở giáo dục Đại học phải chủ động xây dựng cho mình phương án tuyển sinh mục tiêu là làm sao tuyển được những thí sinh có năng lực phù hợp theo học những ngành đào tạo của mình.
Khi nhận thức xã hội đã thay đổi, chất lượng đào tạo, uy tín của nhà trường sẽ tự tạo sức hút đối với thí sinh và cũng là điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học có quyền đưa ra những phương thức tuyển sinh của riêng mình. Truyền thông đến với thí sinh bằng nhiều con đường, áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh để chọn được thí sinh có năng lực phù hợp để quá trình đào tạo hiệu quả tăng uy tín đối với người học, với nhà tuyển dụng và xã hội là chính sách phát triển bền vững của các cơ sở giáo dục đại học. Như vậy với quyền tự chủ tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học có rất nhiều lời giải cho bài toán có tên gọi "tuyển sinh" !
Từ khóa: tuyển sinh, phương thức, đánh giá năng lực
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2