Tuyến Cát Linh-Hà Đông chưa vận hành đã phải trả 79% giá trị hợp đồng
Cập nhật: 31/03/2020
Sớm nâng cấp đèn để thuận lợi chấp hành, giảm ùn tắc giao thông
Thực hiện Nghị định 168, ý thức người dân Tiền Giang nâng lên rõ rệt
VOV.VN - Đường sắt Cát Linh chậm tiến độ nhiều lần và chưa biết khi nào vận hành, nhưng đã phải thanh toán 509/644 triệu USD, tương đương 79% giá trị hợp đồng.
Ngày 30/3, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) cho biết, đến nay dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã thanh toán cho tổng thầu 509/644 triệu USD, tương đương 79% giá trị hợp đồng.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa biết khi nào vận hành đã phải trả cho tổng thầu Trung Quốc 509 triệu USD. |
Theo hợp đồng ký kết, khi dự án được đưa nghiệm thu, đưa vào sử dụng sẽ thanh toán cho tổng thầu đến 95% giá trị (tương đương tăng thêm 105 triệu USD); 5% còn lại là giá trị bảo hành dự án.
Đơn vị quản lý và tổng thầu dự án dự kiến tháng 2/2020 bắt đầu vận hành thử toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông liên tục 20 ngày nhằm tiếp tục phục vụ công tác đánh giá an toàn hệ thống, nghiệm thu, thanh toán. Tuy nhiên, do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến tiến độ bị lùi lại và chưa xác định được thời hạn vận hành thử, kéo theo chậm hoàn thành, bàn giao dự án.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc dự án chậm hoàn thành, bàn giao.
Cũng theo đơn vị quản lý dự án, dự án đang được nghiệm thu các hạng mục thành phần để tiếp tục thanh toán, giải ngân. Tuy nhiên, công tác thanh, quyết toán hiện gặp một số vướng mắc do Kiểm toán Nhà nước yêu cầu giảm trừ thanh toán tại một số hạng mục đã thanh toán. Việc này kéo theo chưa thể hoàn thành thanh toán các hạng mục bị yêu cầu giảm trừ.
Tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13.05km, với 13 đoàn tàu. |
Cùng đó, hiện dự án vẫn còn một số tồn tại về kỹ thuật trang thiết bị mà tổng thầu phải khắc phục theo yêu cầu được đơn vị tư vấn đánh giá độc lập (Liên danh tư vấn Apave - Certifer - Tricc) về an toàn hệ thống đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã nêu ra tại 12/13 báo cáo đánh giá về an toàn đã phát hành.
Đại diện Ban Quản lý dự án cho biết, hiện đơn vị đang khẩn trương chuẩn bị các bước như: rà soát, phân loại công việc cần giải quyết... để thực hiện theo kết luận cuộc họp giữa Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể mới đây về giải pháp đẩy nhanh tiến độ dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Theo lãnh đạo Bộ GTVT, vướng mắc nhất hiện nay của dự án là vấn đề thanh toán, quyết toán, nhất là việc tuân thủ kết luận liên quan của Kiểm toán Nhà nước ban hành cách đây hơn 1 năm. Trong khi đó, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 làm chậm tiến độ vận hành thử và bàn giao dự án cho thành phố Hà Nội theo kế hoạch đề ra.
Vì sao phải xin gia hạn trả nợ gốc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông?
Tại cuộc họp trên, Bí thư Thành ủy Hà Nội thống nhất góp ý của Bộ GTVT, lãnh đạo các bộ, ngành và UBND TP. Hà Nội về việc lập tổ công tác do một Thứ trưởng Bộ GTVT làm tổ trưởng, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội làm tổ phó và thành viên là lãnh đạo một số bộ, ngành để xây dựng một kế hoạch, phân loại các công việc của Ban quản lý dự án, tổng thầu, từng bộ, ngành và TP. Hà Nội, báo cáo Chính phủ quyết định, nhằm thúc đẩy dự án sớm đi vào hoạt động.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông dài 13,05km đi trên cao và có 12 nhà ga, 13 đoàn tàu. Dự án sau khi hoàn thành sẽ được bàn giao cho UBND TP. Hà Nội quản lý, khai thác vận hành.
Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (hơn 20.000 tỷ đồng). Dự kiến ban đầu đưa vào khai thác năm 2016, nhưng phải điều chỉnh lùi tiến độ nhiều lần./.
Từ khóa: Đường sắt Cát Linh-Hà Đông, tàu Cát Linh - Hà Đông, tổng thầu Trung Quốc, đường sắt đô thị, cát linh hà đông
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN