Tuyên bố về nâng tầm quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Thuỵ Sĩ

Cập nhật: 5 giờ trước

VOV.VN - Nhân dịp dự Hội nghị thường niên lần thứ 55 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, ngày 21/1/2025, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter.

Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi quan điểm về quan hệ song phương, tình hình mỗi nước và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại và hợp tác trên tinh thần hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau.

Tổng thống Karin Keller-Sutter ghi nhận vai trò ngày càng tăng của Việt Nam với tư cách là đối tác khu vực quan trọng của Thụy Sĩ. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Thụy Sĩ. Hai bên nhất trí về nguyên tắc nâng quan hệ song phương lên khuôn khổ Đối tác toàn diện, phản ánh các ưu tiên hợp tác hiện nay.

Chia sẻ nhận thức về vai trò trung tâm của hợp tác kinh tế trong quan hệ song phương, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tiềm năng tăng cường hợp tác kinh tế và khai thác các cơ hội mới để tận dụng hiệu quả tính bổ trợ lẫn nhau giữa hai nền kinh tế. Hai bên nhất trí tăng cường nỗ lực và thực hiện các bước cụ thể nhằm sớm kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).

Tổng thống Karin Keller-Sutter cho biết Thụy Sĩ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thông qua Chương trình Hợp tác phát triển giai đoạn 2025-2028 dưới sự bảo trợ của Tổng cục Kinh tế Liên bang Thụy Sĩ, cam kết hỗ trợ mục tiêu của Việt Nam trở thành nền kinh tế thu nhập cao bền vững và tự cường. Hai bên nhất trí tăng cường đối thoại và hợp tác trong các lĩnh vực cùng quan tâm như đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, sở hữu trí tuệ, trao đổi kinh nghiệm xây dựng và phát triển trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam.

Nhận thức về những lợi ích của hợp tác giáo dục và văn hóa, hai bên nhất trí tiếp tục xem xét tiềm năng mở rộng các sáng kiến hợp tác học thuật chung, chương trình đào tạo và hợp tác du lịch. Hai bên cũng nhất trí xác định đổi mới sáng tạo, khoa học và công nghệ, chia sẻ tri thức là những lĩnh vực ưu tiên đầy hứa hẹn cho hợp tác song phương sâu rộng thời gian tới.

Hai bên khẳng định giao lưu nhân dân, cộng đồng người Việt Nam và Thụy Sĩ sinh sống tại mỗi nước đóng vai trò quan trọng thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và xây dựng cầu nối giữa hai nước.

Hai bên ghi nhận các cơ hội thúc đẩy đổi mới sáng tạo, hợp tác khoa học và công nghệ, bao gồm quan hệ đối tác giữa các viện nghiên cứu và các sáng kiến chung hỗ trợ phát triển khoa học, như các sáng kiến tài trợ cho các hoạt động nghiên cứu khoa học chung thông qua Quỹ Khoa học Quốc gia Thụy Sĩ (SNSF) và Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia Việt Nam (NAFOSTED). Hai bên cũng trao đổi quan điểm về việc tăng cường các nỗ lực giải quyết các thách thức về môi trường và thúc đẩy khả năng chống chịu với khí hậu, phù hợp với Thỏa thuận Paris.

Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của hợp tác tại các diễn đàn đa phương và đóng góp vào sự thịnh vượng, ổn định ở khu vực và trên thế giới, tăng cường các nỗ lực giải quyết các thách thức toàn cầu, bao gồm bảo vệ môi trường, hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và an ninh nguồn nước.
Hai bên bày tỏ ủng hộ đối với chủ nghĩa đa phương và trật tự thế giới dựa trên luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc. Hai bên tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và việc giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Hai bên tin tưởng vào tương lai quan hệ Việt Nam - Thụy Sĩ và quyết tâm hợp tác chặt chẽ hơn nữa để thúc đẩy lợi ích chung của cả hai nước.

Từ khóa: Việt Nam, hội nghị, Việt Nam, Liên bang Thuỵ Sĩ, Davos, Thủ tướng Phạm Minh Chính

Thể loại: Nội chính

Tác giả: vũ khuyên/vov

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập