Tướng Nguyễn Chí Vịnh - người đưa hình ảnh bộ đội Cụ Hồ gần hơn với bạn bè quốc tế
Cập nhật: 09/10/2023
Sắp xếp tổ chức tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. (28/11/2024)
Rà soát các chính sách phát triển điện lực, tránh dàn trải nguồn lực, khả thi (25/11/24)
VOV.VN - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, trên cương vị Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, ông đã đưa hình ảnh bộ đội Cụ Hồ ra gần hơn với bạn bè quốc tế; đưa văn hóa Việt Nam, văn hóa yêu chuộng hòa bình đến với thế giới.
Được Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chọn đích danh về thành lập Trung tâm Gìn giữ hòa bình (nay là Cục Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam) chuẩn bị cho nhiệm vụ đưa quân đội Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ cho đến ngày về nghỉ chế độ (tháng 3/2023) là chừng ấy thời gian Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, nguyên Cục trưởng Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam được làm việc, gắn bó với vị thủ trưởng nổi tiếng cứng rắn, nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn. Đối với Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Tướng Vịnh không chỉ là thủ trưởng trực tiếp mà còn như một người thầy lớn, một người anh mà vị cựu tư lệnh của lực lượng GGHB Việt Nam luôn kính trọng.
Theo Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người đặt nền móng, người đã đóng góp công sức rất lớn cho sự ra đời của lực lượng GGHB Việt Nam cũng như những thành công của lực lượng GGHB Việt Nam ngày hôm nay. Phóng viên VOV ghi lại cảm nhận của Thiếu tướng Hoàng Kim Phụng về người thủ trưởng của mình - Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, người vừa từ trần ngày 14/9/2023
** Điều đầu tiên để nói về Tướng Vịnh, đó là một vị tướng có tư duy chiến lược. Được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh giao làm Trưởng Ban Chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về việc đưa quân đội Việt Nam tham gia lực lượng GGHB LHQ, ông lên kế hoạch cực kỳ tỉ mỉ để sắp xếp, bố trí theo lộ trình cho “trận địa” mới. Tướng Vịnh đích thân dẫn đoàn liên ngành đầu tiên của Việt Nam với các sĩ quan cao cấp, cán bộ nòng cốt của các bộ ngành sang Phái bộ Nam Sudan vào tháng 6/2013 trực tiếp thị sát “chiến trường”. Tại đây, ông tới gặp tổng thống, rồi phó tổng thống, các bộ trưởng của Nam Sudan để hiểu rõ nơi sẽ đưa quân tới. Sở dĩ ông phải đích thân đi sâu sát trận địa mới bởi ông muốn biết tỉ mỉ, cặn kẽ về hoạt động GGHB, không chỉ mặt mạnh mà cả những khó khăn, thách thức mà lực lượng của ta sẽ phải chấp nhận. Không chỉ vậy, Tướng Vịnh còn thành lập một tổ nghiên cứu của Trung tâm GGHB cùng một số đơn vị trong quân đội tiến hành nghiên cứu. Qua chuyến khảo sát và kết quả nghiên cứu đã đi tới kết luận, Việt Nam hoàn toàn có đủ năng lực để tham gia.
Quá trình lên kế hoạch, lộ trình cho “chiến trường” mới, Tướng Vịnh luôn nhắc nhở cán bộ chiến sĩ phải ghi nhớ nguyên tắc của quân đội Việt Nam “đã ra quân là chiến thắng”. Thành công ngay từ trận ra quân đầu tiên mang một ý nghĩa rất lớn, không những cho thấy chúng ta có chuẩn bị tốt hay không, mà còn là tiền đề và động lực để các lực lượng đi sau và các hoạt động kế tiếp vững tin mà làm, vững bước mà đi. Trận đầu đánh thắng sẽ tạo ra uy tín cho lực lượng GGHB của Việt Nam khi tham gia.
** Tướng Vịnh là vị thủ trưởng khắt khe nên cấp dưới của ông không khỏi áp lực mỗi khi nhận lệnh. Trong công việc, ông đòi hỏi cán bộ chiến sĩ sự can đảm rất lớn, đặc biệt là người chỉ huy, nhất là khi dấn thân vào lĩnh vực mới.
Đã có giai đoạn chúng ta không cho phép sĩ quan quân đội tham gia bất kỳ hoạt động tác chiến đa phương nào, chứ chưa nói đem quân ra nước ngoài. Nhưng khi nghiên cứu về GGHB, Tướng Vịnh đã có những thay đổi rất nhanh trong tư duy, chủ động tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị để quân đội là lực lượng đảm nhận vai trò tiên phong, đi đầu thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế sâu rộng của Đảng. Đây là vấn đề được nói đến nhiều, nhưng làm còn ít bởi khi đã làm là xác định dấn thân vào một mặt trận mới, sẵn sàng hứng chịu những rủi ro, vì tiền lệ chưa ai làm. Muốn làm được còn phải đả thông tư tưởng và phải thuyết phục cả những người trong Bộ Quốc phòng, Đảng, Chính phủ, Quốc hội cùng đồng hành.
Tướng Vịnh đã đưa ra đề xuất và Đề án rất cơ bản mang tên Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hoạt động GGHB LHQ giai đoạn 2014-2020 và những năm tiếp theo. Đề án đã được thông qua vào cuối năm 2013. Đây là một đề án lớn, vì sự hiểu biết cũng như đòi hỏi rất tỉ mỉ về nghiên cứu đối tác, đối tượng và các mặt thuận, chưa thuận của LHQ nên Tướng Vịnh yêu cầu triển khai lực lượng GGHB theo từng bước, không nóng vội dù LHQ và bạn bè quốc tế luôn hối thúc. Lúc đó, Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia ở ASEAN chưa cử quân tham gia lực lượng GGHB LHQ.
Theo lộ trình ông đưa ra, đầu tiên chỉ là 2 cá nhân tham gia với tư cách quan sát viên quân sự, hoạt động độc lập; sau đó mới từng bước mở rộng, đến nay ở Nam Sudan có 5 cán bộ, ở CH Trung Phi hiện có 8 cán bộ, khu vực Abyei cũng có 8 cán bộ. Sau cá nhân, chúng ta triển khai tới hình thức đơn vị, ban đầu cũng lựa chọn hình thức đơn vị bé, là bệnh viện dã chiến (BVDC) cấp 2, với 63 cán bộ. Đến năm 2022, chúng ta đã đưa đội công binh 184 người đi.
Có thể thấy, lộ trình ông đưa ra đi từ đơn giản đến phức tạp, từ cá nhân đến đơn vị, từ đơn vị nhỏ đến đơn vị lớn. Tới đây, theo đúng lộ trình, chúng ta sẽ mở rộng các phái bộ tham gia, mở rộng lực lượng và mở rộng lĩnh vực tham gia.
** Nói về thủ trưởng Vịnh, là nói đến một con người nhạy cảm trong hoạt động đối ngoại. Dù trong hoạt động GGHB hay thúc đẩy quan hệ song phương và đa phương trong đối ngoại quốc phòng, ông luôn đặt lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và sự toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải, không phận của đất nước là bất khả xâm phạm. Việc đưa mặt trận tham gia hoạt động GGHB trở thành mặt trận tác chiến mới của quân đội và yêu cầu phải đưa nó thành một mặt trận tác chiến của quân đội trong giai đoạn mới hội nhập quốc tế, bởi ông xác định đây là biện pháp để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa ngay trong thời bình.
Đối với thủ trưởng Vịnh, việc bảo vệ đất nước không chỉ trong phạm vi khuôn khổ bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải, không phận của đất nước, mà quân đội phải giành thế chủ động để vươn ra, đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Vì thế, trong gần 10 năm qua, hình ảnh bộ đội Cụ Hồ cùng với văn hóa Việt Nam đặc sắc đã được những người lính GGHB của Việt Nam thể hiện ở các phái bộ của LHQ. Chúng ta đã để lại dấu ấn rất tốt đẹp. Sỹ quan Việt Nam tham gia bằng niềm tự hào dân tộc, bằng tâm thế của những người mang đầy đủ các kiến thức quân sự về chiến tranh nhân dân địa phương, kiến thức từ các cuộc chiến tranh trước đây người lính đã đánh thắng những kẻ thù lớn. Hơn nữa, những sỹ quan Việt Nam bằng tâm thế của những người lính cụ Hồ gần dân cùng với những hoạt động từ thiện như dạy học cho trẻ em ngoài giờ, khám chữa bệnh từ thiện, xây dựng trường học, hướng dẫn bà con trồng trọt, hay may khẩu trang tặng cho sỹ quan các nước và người dân ở khu vực trong thời kỳ dịch Covid, đã giành được bằng khen của lãnh đạo LHQ vì những nghĩa cử đẹp và sáng kiến tuyệt vời.
Trong những chỉ đạo của mình, có thể nhận thấy Tướng Vịnh là một con người sâu sắc. Trong các trang bị để mang sang các phái bộ, Tướng Vịnh yêu cầu mang theo gáo dừa để làm bát, mang đũa theo để ăn, hạn chế tối đa mang túi nilon, đồ nhựa, để khi rút quân về không để lại hậu họa về môi trường phải giải quyết cho nước bạn. Một lần Thủ tướng Australia đến thăm Học viện Quân y, thấy chúng tôi chuẩn bị rất nhiều gáo dừa, cốc đĩa giấy, túi giấy… ông rất ngạc nhiên. Sau khi nghe Tướng Vịnh giải thích, ông ấy ấn tượng đến mức khi về nước đã có bài thuyết trình về sự cần thiết phải bảo vệ môi trường xanh…
** Một vị tướng mang tầm chiến lược như ông thì mỗi suy nghĩ, hành động của ông đều là những bài học để chúng ta phải suy nghĩ, phải học tập. Ở Tướng Vịnh không có chuyện quan hệ đối ngoại là bắt tay xã giao, cười nói hời bợt, mà chiều sâu của các cuộc trao đổi, đàm phán mới là vấn đề ông quan tâm. Mỗi lần gặp đối tác, ông luôn đòi hỏi công tác chuẩn bị rất kỹ, nói gì, thể hiện thế nào, nước này từng quan hệ với Việt Nam thế nào, tác động tới quan hệ Việt Nam với các nước ra sao, vai trò của họ với thế giới thế nào, lĩnh vực nào mình có thể tận dụng để đẩy lên, lĩnh vực nào ta cần tạo điều kiện để cho họ có lợi thế trong quan hệ với ta. Chưa bao giờ Tướng Vịnh nghĩ lợi một bên, chỉ mình có lợi, mà hai bên cùng thắng và dành cơ hội cho bạn nhưng không bao giờ quên chủ quyền đất nước, lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Những việc ông làm đã để lại những dấu ấn, những bài học để cho cấp dưới chúng tôi cũng như các lực lượng tham gia GGHB của chúng ta có tinh thần trách nhiệm hơn với bạn bè quốc tế. Làm như vậy, thực chất chúng ta đang tôn vinh hình ảnh đẹp, nhân văn của bộ đội Cụ Hồ trước bạn bè quốc tế. Tại Phái bộ Nam Sudan không chỉ có các quân nhân Việt Nam mà còn có quân nhân của 26 quốc gia khác. Sỹ quan của 26 quốc gia đó sẽ là các phương tiện thông tin, sẽ mang về đất nước họ những thiện cảm đối với bộ đội Cụ Hồ và con người Việt Nam.
Ghi nhớ và thực hiện căn dặn của ông, chúng tôi đã làm được và thành công. Việt Nam đã để lại dấu ấn vô cùng tích cực trong lòng bạn bè quốc tế ở các phái bộ. Nơi nào Việt Nam đến, ở đó hình ảnh quân nhân LHQ được nhân dân yêu quý. Hình ảnh cờ Việt Nam, sự có mặt của sĩ quan Việt Nam đã tạo được lòng tin với người dân bản xứ và các phe phái đang có xung đột. Đó là những dấu ấn rất đẹp, nhưng để có được kết quả đó là là nhờ có sự chỉ đạo, tính toán đường hướng từ ban đầu, đặt nền móng cho hoạt động này của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh.
** Nói về Tướng Vịnh còn phải nói về sự sát sao trong chuẩn bị lực lượng khi lựa chọn những cán bộ đầu tiên làm nòng cốt cho việc thành lập Trung tâm GGHB sau này là Cục GGHB Việt Nam. Ông yêu cầu chúng tôi phải chọn những cán bộ có năng lực, có phẩm chất chính trị để đưa ra nước ngoài đào tạo; sau đó cho phép chúng tôi mời giảng viên, chuyên gia nước ngoài sang huấn luyện, tiếp đến cho phép chúng tôi mở các khóa huấn luyện cho cả học viên quốc tế. Ông luôn lo lắng về công tác cán bộ, vừa phải có phẩm chất chính trị vững vàng để hoạt động trong môi trường đa phương nhiều cám dỗ, đòi hỏi phải có kỷ luật; đòi hỏi về kiến thức quân sự; kiến thức về luật của LHQ, hiểu biết về đối ngoại quốc phòng, đủ sức khỏe và đủ vốn tiếng Anh để hoạt động.
Chính vì thế, đến nay có thể nói chúng tôi đã không chọn nhầm, các sĩ quan đều phát huy tốt năng lực, có thể lực tốt, có khả năng sinh tồn tốt, làm dân vận tốt, đã thể hiện được phẩm chất bộ đội Cụ Hồ trước bạn bè quốc tế ở những phái bộ, những nơi khó khăn nhất. Đây cũng là niềm hãnh diện của quân đội ta trong giai đoạn mới hội nhập quốc tế.
Và cũng chính sự nghiêm khắc, khắt khe, kỹ tính, tỉ mỉ, sâu sát trong những yêu cầu của Tướng Vịnh đã là động lực, là cơ sở để cho các lực lượng GGHB của Việt Nam, kể cả những người chỉ huy, dựa vào đó tự rèn luyện, học tập, khép mình vào khuôn khổ, trách nhiệm. Những bài học này không thể dạy hết được, trong đối ngoại có rất nhiều vấn đề, đặc biệt khi tham gia với người dân ở các phái bộ, trước những xung đột, mâu thuẫn về sắc tộc, tôn giáo, mâu thuẫn giữa các lực lượng trong cùng phái bộ của các quốc gia khác nhau, đòi hỏi tính linh hoạt, dám xông pha, nhưng nền tảng vẫn là tôn chỉ, mục đích rõ ràng, phải nâng cao được hình ảnh bộ đội Cụ Hồ, tầm vóc của văn hóa Việt Nam yêu chuộng hòa bình. Đó là những yêu cầu Tướng Vịnh đặt ra cho lực lượng quân đội khi tham gia.
Mỗi người lính tham gia GGHB LHQ đều nhìn thấy ở Tướng Vịnh một tấm gương để học tập, phấn đấu rèn luyện. Chúng tôi may mắn được làm việc và được thực hiện những nhiệm vụ đầy tính chiến lược, nhân văn của thủ trưởng. Sự ra đi của ông là sự mất mát to lớn đối với lực lượng GGHB Việt Nam, chúng tôi mất đi một người thầy lớn, một vị thủ trưởng xuất sắc, người đã đặt nền móng cho sự vươn tầm của quân đội Việt Nam trước bạn bè quốc tế.
** Tôi đã nhìn thấy mơ ước của thủ trưởng đó là việc triển khai các lực lượng không chỉ đi phái bộ, mà sau này còn phải trở thành những lãnh đạo, chỉ huy ở các phái bộ. Chúng ta không chỉ cử người đến các phái bộ, mà phải đưa được lực lượng vào cơ quan đầu não, cơ quan hoạch định chính sách của LHQ. Khi được thủ trưởng giao nhiệm vụ này tại LHQ, chúng tôi đã từng giật mình nghĩ rằng yêu cầu này là quá cao, không biết bao giờ mới làm được, nhưng cách đây 4 năm, 3 sĩ quan quân đội Việt Nam đã đứng trong đội ngũ nhân viên tại trụ sở LHQ. Hiện các sĩ quan này đã được LHQ kéo dài thời gian làm việc sang năm thứ 4, tham gia và hoạch định các chính sách của LHQ, tham gia đóng góp vào các nghị quyết để LHQ thông qua ở ĐHĐ LHQ. Vừa rồi, công an đã cử 1 sĩ quan, như vậy đến nay, Việt Nam có 4 sĩ quan làm việc ở trụ sở LHQ. Trong tương lai, chúng ta sẽ phải tiếp tục bồi dưỡng cho những sĩ quan đã có kinh nghiệm ở các phái bộ 1-2 nhiệm kỳ phải trở thành chỉ huy ở những phái bộ. Việt Nam phải có tiếng nói và ở những cương vị quan trọng hơn của LHQ và một số phái bộ. Đây là móng ước của Tướng Vịnh và là mục tiêu để các lực lượng GGHB phấn đấu.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng từ trần hồi 01h17 ngày 14/9/2023 tại nhà riêng.
Để tỏ lòng thương tiếc và ghi nhận những công lao, cống hiến của đồng chí Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam; Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng quyết định tổ chức lễ tang đồng chí Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh theo nghi thức Lễ tang Cấp cao.
Lễ viếng được tổ chức từ 7h đến 12h30 ngày 18/9/2023; Lễ truy điệu hồi 12h30, Lễ đưa tang hồi 13h5 Lễ an táng hồi 17h15 cùng ngày tại Công viên Thiên Đức (Xã Bảo Thanh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ).
Từ khóa: Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, chiến lược gia, nhà ngoại giao, lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ của Việt Nam,
Thể loại: Nội chính
Tác giả: thanh hà/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN