Từng bước "thay da đổi thịt" vùng dân tộc thiểu số tại Sóc Trăng

Cập nhật: 12/09/2024

VOV.VN - Tỉnh Sóc Trăng là địa phương có hơn 35% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong những năm qua, tỉnh đã luôn quan tâm thực hiện kịp thời, hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào dân tộc. Nhờ vậy, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và bà con dân tộc Khmer nói riêng trên địa bàn tỉnh ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Đang chăm sóc 2 con bò sinh sản vừa được nhà nước hỗ trợ cách nay hơn 1 tháng trong dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025, ông Trần Ngọc Phương ở xã Thuận Hòa, huyện Châu Thành không giấu được niềm vui, bởi với sự hỗ trợ này, gia đình ông sẽ có thêm điều kiện để ổn định đời sống. Hiện nay, ông Phương đã trồng thêm cỏ làm thức ăn cho bò, đồng thời thuê 3 công đất vườn để trồng thêm cây táo hồng với kỳ vọng gia đình có thu nhập ổn định, sớm vươn lên thoát nghèo.

“Được Nhà nước hỗ trợ, mình sẽ cố gắng, làm sao thu hiệu quả cao nhất. Tôi cũng đã trồng cỏ, chuồng trại cũng xây xong, hiện đang học kỹ thuật chăn nuôi”, ông Trần Ngọc Phương, chia sẻ.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng nhiều chương trình, dự án, chính sách dân tộc khác được các cấp, các ngành trong tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo thực hiện đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, đã góp phần giúp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo nói chung và hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng từng bước cải thiện đời sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Về huyện Trần Đề hôm nay, chúng tôi cảm nhận về sự đổi thay lớn ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó là hệ thống cầu, đường, giao thông nông thôn ngày càng trở nên khang trang, kiên cố. Riêng trong giai đoạn năm 2019 – 2024, huyện đã xây dựng mới 519 công trình, hoàn thành và đưa vào sử dụng 451 công trình. Nhiều công trình phúc lợi xã hội hoàn thành đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, thay đổi diện mạo nông thôn.

“Nhà nước rất quan tâm đến đời sống nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, trước kia con đường này chỉ rộng 2 mét, giờ đã mở rộng ra 3 mét, nhân dân cũng rất đồng tình ủng hộ, hiến đất cho nhà nước làm đường, từ đó mà việc đi lại của người dân rất thuận tiện, con em đi học cũng dễ dàng”, ông Thạch Soi, người dân ở ấp Hội Trung, thị trấn Lịch Hội Thượng phấn khởi.

Từ nguồn vốn phân bổ trên 103 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021 – 2025; huyện Trần Đề đã hỗ trợ nhà ở cho 344 hộ, hỗ trợ đất ở cho 37 hộ, chuyển đổi nghề cho hơn 360 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho hơn 190 hộ; đầu tư xây dựng 28 công trình cầu, đường nông thôn ấp, xã đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, xây dựng và cải tạo chợ vùng dân tộc thiểu số, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế cộng đồng, đào tạo nghề…

Ông Trịnh Văn Bé, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Đề cho biết, huyện luôn xác định công tác dân tộc và chính sách dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp để triển khai thực hiện đạt hiệu quả cao nhất.

“Tập trung ưu tiên đầu tư cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn như: giải quyết tình trạng đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa sinh kế cộng đồng; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Củng cố hệ thống chính trị cơ sở, chú trọng bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ, nhất là cán bộ người dân tộc thiểu số. Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao dân trí gắn với đào tạo, dạy nghề, tạo việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Trịnh Văn Bé cho biết.

Theo Bí thư Tỉnh uỷ Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn, Sóc Trăng đã đi qua giai đoạn 2019 - 2024 đầy khó khăn với nhiều biến động lớn, nhiều vấn đề nảy sinh chưa có tiền lệ và khó dự báo, đặc biệt là đại dịch Covid-19, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng đã tác động tiêu cực đến đời sống của người dân. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số đã phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần yêu nước, ra sức thi đua, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, gặt hái được nhiều thành quả to lớn.

Trong giai đoạn 2019 - 2024, kinh tế của tỉnh liên tục có bước tăng trưởng. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, ước đạt hơn 6,5%, cao hơn so với mức bình quân chung cả nước (6,42%), đứng thứ 6 khu vực đồng bằng sông Cửu Long. GRDP bình quân đầu người tính đến cuối năm 2023 đạt trên 60 triệu đồng/người/năm.

Ông Lâm Văn Mẫn cũng nhấn mạnh, từ nguồn lực của 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được lồng ghép, triển khai thực hiện hiệu quả để đầu tư, nâng cấp, làm mới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, nhờ vậy, đến nay, tất cả các xã đều có đường ô tô đến trung tâm; trên 99% hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số được sử dụng lưới điện quốc gia; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 99,6%. Đặc biệt, công tác giảm nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có sự chuyển biến tích cực; toàn tỉnh đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 4.600 hộ với 67 mô hình phát triển sản xuất, góp phần đa dạng hóa sinh kế cộng đồng và giảm nghèo bền vững. Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh còn hơn 4.000 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, giảm hơn 6.500 hộ so với năm 2021.

“Tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 2%/năm; trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 3%/năm Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng. Trong giai đoạn 2019 - 2024, tỉnh đã hỗ trợ xây dựng 14.826 căn nhà dành cho hộ nghèo; trong đó, có 6.184 căn nhà dành hộ nghèo người dân tộc thiểu số...”, ông Lâm Văn Mẫn cho biết thêm.

Những thành tựu đạt được là quyết tâm chính trị và sự chỉ đạo, lãnh đạo quyết liệt của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong tỉnh Sóc Trăng, bên cạnh đó là sự nỗ lực, vượt khó vươn lên của nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh, qua đó, đã từng bước làm “thay da đổi thịt” vùng dân tộc thiểu số.

Từ khóa: Sóc Trăng, dân tộc thiểu số, đồng bào dân tộc thiểu số, Sóc Trăng, xóa đói giảm nghèo, thoát nghèo

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: thạch hồng/vov-đbscl

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập