Tuần lễ Từ trang sách đến màn ảnh

Cập nhật: 01/12/2020

Tuần lễ Từ trang sách đến màn ảnhlần thứ 3 diễn ra tại L’Espace từ 1/12-6/12 do Viện Pháp tại Hà Nội – L’Espace phối hợp với Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam tổ chức, với một loạt các hoạt động chiếu phim, tọa đàm, trưng bày và workshop xoay quanh các tác giả và tác phẩm văn học Pháp từng được chuyển thể sang điện ảnh.

Tuần lễ Từ trang sách đến màn ảnh - ảnh 1

5 bộ phim được chuyển thể từ các tác phẩm văn học kinh điển: Ngài bộ trưởng hài hước, Ba chàng lính ngự lâm - Chuỗi kim cương của hoàng hậu; Ba chàng lính ngự lâm - Cuộc báo thù của Milady, Không gia đình, Khinh miệt

Điểm nhấn của tuần lễ “Từ trang sách đến màn ảnh” lần thứ ba này là hai tập phim “Ba chàng chính ngự lâm” chuyển thể từ kiệt tác cùng tên của đại văn hào Pháp Alexandre Dumas (cha).

Xuyên suốt hai tập phim, khán giả sẽ đồng hành với chàng lính ngự lâm trẻ tuổi, hào hoa D'Artagnan cùng ba người bạn Athos, Porthos, Aramis và người hầu trung thành Planchet trong cuộc chiến chống lại Đức Hồng Y Richelieu và bè lũ tay sai.

Tác phẩm là thiên sử thi hào hùng về tình đồng đội, lòng dũng cảm đồng thời còn là bản tình ca lãng mạn nhưng đầy đau thương giữa đôi trai tài, gái sắc D'Artagnan và Constance.

“Ba chàng lính ngự lâm” (1961) là một trong những phiên bản điện ảnh chuyển thể được đánh giá cao nhất mọi thời đại của kiệt tác văn học cùng tên này. Với những tên tuổi lừng danh như tài tử Gérard Barray, nữ diễn viên Mylène Demongeot, nữ viên Perrette Pradier,... ‘Ba chàng lính ngự lâm” 1961 là viên ngọc quý, đại diện cho một thời kỳ vàng son của điện ảnh Pháp.

Tuần lễ Từ trang sách đến màn ảnh - ảnh 2

“Ngài bộ trưởng hài hước” được chuyển thể từ truyện tranh cùng tên của nhà văn Abel Lanzac - người từng có kinh nghiệm làm việc ở Bộ ngoại giao Pháp. Cốt truyện kể bằng góc nhìn của một chàng học việc trong Bộ, xoay quanh chân dung của Alexandre Taillard de Worms - một người đàn ông cao lớn, tuyệt vời, bảnh bao và kiểu cách, người thu hút ánh nhìn của mọi phụ nữ, đồng thời cũng là Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao của kinh đô ánh sáng : Nước Pháp.

Chàng trai trẻ Arthur Vlaminck được tuyển vào phụ trách mảng "ngôn ngữ" trong các bài phát biểu của Bộ Trưởng. Anh sẽ phải học cách đối phó với tâm trạng thất thường của Ngài Bộ Trưởng và tạo dựng chỗ đứng tại Quai d'Orsay - nơi không thiếu những cạm bẫy.

Với lối quay phim kiểu cách, trang phục nuột nà cùng nhịp dựng hối hả, phim là chuỗi những phân cảnh trào phúng về cuộc sống chốn quan trường. Tác phẩm từng trình chiếu ở Liên hoan phim Toronto và được đề cử ba giải César năm 2013.

“Không gia đình” của đạo diễn Antoine Blossier là một trong những bộ phim chuyển thể được mong đợi nhất năm 2018, đặc biệt là với những người yêu thích cuốn sách “Sans Famille” của tác giả người Pháp Hector Malot. Bộ phim kể về những cuộc phiêu lưu của cậu bé mồ côi Remi, nhưng may mắn được Barberin nhận nuôi. Khi lên 10, cậu buộc phải rời xa người mẹ nuôi tốt bụng và gia nhập gánh xiếc nhỏ của người nghệ sĩ bí ẩn Vitalis. Cậu phải làm quen với cuộc sống khó khăn của người hát rong khi phải hát để kiếm miếng ăn. Đồng hành cùng với cụ Vitalis, chú chó trung thành Capi và chú khỉ Joli-Coeur trong cuộc hành trình dài trên đất Pháp, cậu được học đọc, học viết, học hát ca, học cách yêu thương cuộc sống và những người xung quanh.

Bộ phim tiếp theo trong tuần lễ “Từ trang sách đến màn ảnh” là tác phẩm của bậc thầy điện ảnh Jean-Luc Godard mang tên “Khinh miệt”, dựa trên tiểu thuyết Ý Il disprezzo năm 1954 của Alberto Moravia. Kiệt tác điện ảnh này thuộc trường phái “Nouvelle vague - Làn sóng mới” của Pháp. Đặt ra câu hỏi về mối xung đột giữa nghệ thuật và tính thương mại, những chuyển biến tinh vi của tình yêu giữa đàn ông và đàn bà, “Khinh miệt” được giới chuyên môn trên toàn thế giới đánh giá cao và dành nhiều lời ca ngợi. Liên hoan phim Cannes 2016 đã sử dụng một hình ảnh từ bộ phim để thiết kế thành poster chính thức, phần nào cho thấy tấm ảnh hưởng sâu rộng của “Khinh miệt”.

Chương trình cũng có tọa đàm Đi tìm các tác phẩm kinh điển được chuyển thể điện ảnh nhiều lần trong văn học Pháp với sự tham dự của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên và cô giáo Nguyễn Thanh Nguyệt, diễn ra vào 18h ngày 4/12. Ngành công nghiệp điện ảnh luôn muốn những chủ đề vừa độc đáo lại vừa hấp dẫn số đông, nên đương nhiên không thể bỏ qua kho tàng văn chương rộng lớn, lựa ra từ đó các tác phẩm có thể tạo nên những bộ phim đình đám. Tờ Le Figaro (Pháp) đã đưa ra kết luận: Cứ 5 phim lại có 1 chuyển thể từ sách! Chính vì vậy mà có những tác phẩm văn chương, nhất là các tác phẩm văn chương kinh điển, đã được chuyển thể nhiều lần, mỗi lần là một góc nhìn mới, một cách tiếp cận mới, mang lại cho chính tác phẩm đó một cuộc đời mới và thành công mới. Trà hoa nữ của Alexandre Dumas con, hay Mai Nương Lệ Cốt của Abbé Prévost đều là những cái tên có thể liệt được vào danh sách các tác phẩm kinh điển được chuyển thể điện ảnh ít nhất 10 lần.

Tọa đàm sẽ đi kèm trưng bày bìa sách cùng ấn bản mười tác phẩm văn học Pháp kinh điển và đương đại từng được và sắp được chuyển thể điện ảnh.

Một hoạt động thú vị khác trong khuôn khổ tuần lễ Từ trang sách đến màn ảnh chính là workshop Cuốn sách của chính bạn. Đây là hoạt động dành cho các thanh thiếu nhi có thẻ thành viên của Viện Pháp tại Hà Nội –L’Espace. Workshop là nơi các em thỏa sức sáng tạo và viết nên cuốn sách của chính mình, dựa trên một cuốn tiểu thuyết của Alexandre Dumas, thông qua app Book Creator!

Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, Tuần lễ Từ trang sách đến màn ảnh, phim kinh điển, ba chàng lính ngự lâm, tọa đàm , tác phẩm kinh điển, chuyển thể điện ảnh

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV5

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập