Tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam
Cập nhật: 17/06/2021
Kon Tum đưa Tết đến vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số (23/1/2025)
THỜI SỰ 21H30 ĐÊM 23/1/2025: Các địa phương tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa mừng Xuất Ất Tỵ.
(VOV5) -Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc Việt Nam, Người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Người chiến sĩ Cộng sản quốc tế mẫu mực, Danh nhân văn hoá thế giới. Những di sản Người để lại cho Đảng cộng sản và nhân dân Việt Nam là vô cùng đồ sộ và quý giá: Đó là Thời đại Hồ Chí Minh; Sự nghiệp Hồ Chí Minh và Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó, Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là di sản tinh thần vô giá để cán bộ, đảng viên và người dân thường xuyên học tập và noi theo.
Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05 – CT/TW của Bộ Chính trị Khóa XII, triển khai Kết luận số 01 – KL/TW của Bộ Chính trị Khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 – CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh - Ảnh: quochoi.vn |
Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Trọn cả cuộc đời, Người đã cống hiến không ngừng nghỉ, tất thảy đều hiến dâng cho Tổ quốc, đồng bào, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội và giải phóng con người. Cuộc đời và sự nghiệp của Người trở thành biểu tượng cách mạng, khơi dậy khát vọng và niềm tin cho nhân dân Việt Nam và nhân dân tiến bộ thế giới trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do, hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống các quan điểm, nhận thức, tư tưởng chỉ đạo rất cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách mạng và con đường đi lên của cách mạng Việt Nam trong thời đại ngày nay. Đó là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại. Người nhiều lần khẳng định: "Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam là một, sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi". "Thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ"; "Không có gì quý hơn độc lập, tự do"; "Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập". "Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành, nước ta có vị trí xứng đáng trên trường quốc tế". "Nước độc lập mà Dân không hưởng hạnh phúc, tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì". Vì vậy, độc lập phải gắn liền với chủ nghĩa xã hội; giải phóng dân tộc phải gắn liền với giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người, tức là phải tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, Dân tộc Việt Nam có vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, điều quan trọng là phải phát huy được sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc, tập hợp được mọi lực lượng, dân tộc, tôn giáo, mọi người dân Việt Nam yêu nước. Theo Người, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản: "Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều, nhưng chủ nghĩa chân chính nhất, cách mệnh nhất là chủ nghĩa Lênin, chủ nghĩa Mác - Lênin". Người khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân dưới sự lãnh đạo đúng đắn của một đảng cách mạng chân chính. Đảng có mạnh thì Dân tộc mới mạnh, vì Đảng là đội tiên phong, là người lãnh đạo của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của toàn dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo tại hội nghị - Ảnh |
Đạo đức Hồ Chí Minh là đạo đức cách mạng, là những phẩm chất cao quý của một người cách mạng. Đó là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Cần: Là cần cù, chăm chỉ, tận tuỵ, hết lòng hết sức vì công việc chung, vì nước, vì dân. Kiệm: Là tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí, nhất là đối với của công. Liêm: Là thanh liêm, giữ liêm sỉ, danh dự, trong sạch, trong sáng. Chính: Là chính trực, ngay thẳng, khẳng khái, không quỵ luỵ, cúi luồn, giữ sĩ khí của một người quân tử, chính khách. Chí công vô tư: Là làm việc vì sự nghiệp chung, đặt lợi ích công lên trên hết, trước hết; không tư lợi, vụ lợi, không vì lợi ích riêng. Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng. Người thường nói: "Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân".
Phong cách Hồ Chí Minh là lối sống, tác phong khiêm tốn, giản dị, cầu thị, gần dân, trọng dân, tin dân, học dân, làm việc gì cũng vì lợi ích của nhân dân; là đầy tớ của dân chứ không phải "làm quan nhân dân", không được lên mặt "làm quan cách mạng". Theo Người, mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác học tập, ra sức tu dưỡng, rèn luyện để không ngừng nâng cao nhận thức, trình độ, trở thành những con người có văn hoá, có liêm sỉ, "tận trung với Đảng, tận hiếu với Dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng".
Từ khóa: VOV, VOVworld, VOV5, tư tưởng Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh, đạo đức Hồ Chí Minh
Thể loại: Thời sự
Tác giả:
Nguồn tin: VOV5