Từ Trung “đồng nát” tới Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2019
Cập nhật: 11/03/2020
Xe máy đối đầu xe tải, 2 thanh niên tử vong
Người Hà Nội chật vật di chuyển trên đường kể cả không phải giờ cao điểm
VOV.VN - Khác với nhiều người, Trung không đặt nặng việc phát triển sự nghiệp riêng mà quan tâm duy nhất là được cống hiến hết mình cho đam mê thiện nguyện.
“Tôi là người hay là những việc “trái khoáy”. Nhiều người nói con trai phải cắt tóc, phải mặc đồ nghiêm chỉnh; phải lobby tiền cho xã để làm dự án này, dự án kia, tôi không làm. Tôi chỉ làm những điều mình cho là đúng”.
Đó là chia sẻ của anh Hoàng Hoa Trung - Trưởng nhóm Tình nguyện niềm tin, người vừa nhận giải thưởng “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2019”, người đã giúp thay đổi cái nhìn của cộng đồng về việc làm tình nguyện.
Khác với các bạn đồng trang lứa, vì lý do riêng, Trung quyết định không tham dự kỳ thi đại học mà theo học hệ thống giáo dục Ấn Độ tại Việt Nam. Đó cũng là cơ hội giúp chàng trai trẻ bén duyên với những hoạt động xã hội.
Mỗi năm 1 lần, Hoàng Hoa Trung đều tới tận bản thăm và theo sát tình hình học tập, ăn uống của từng em nhỏ. |
Năm 17 tuổi, dự án đầu tiên Trung thực hiện mang tên “Thiệp nhân ái” giúp những trẻ em khuyết tật, mồ côi tự tay làm thiệp bán để có thêm thu nhập. Cũng từ hoạt động đó, chàng trai trẻ quyết định tham gia vào câu lạc bộ Tình nguyện niềm tin và gắn bó tới tận bây giờ.
“Khoảng thời gian đầu khó khăn nhất vẫn là tài chính. Không phải ai cũng dễ dàng bỏ một số tiền ra khi không biết tôi là ai, dự án như thế nào. Vì thế thay vì đi xin quyên góp, ủng hộ, tôi tập trung phát triển, xây dựng cho dự án của mình. Tôi thực hiện công khai, minh bạch các thông tin về dự án như quyên góp được bao nhiêu, số tiền đó được chi tiêu vào đâu, ai là người nhận,... Không ngờ điều đó mang lại sự tin tưởng tuyệt đối và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng”.
Trong năm 2019, Trung và nhóm tình nguyện Niềm tin đã huy động thành công số tiền gần 20 tỉ đồng, xây dựng được 15 ngôi trường cho trẻ em vùng cao, nâng tổng số trường đã xây dựng cho học sinh vùng cao là 25 trường trên cả nước. Dự án nuôi em được triển khai từ năm 2014 cũng ngày càng được mở rộng với lượng người tham gia lên đến 12.000 nhà hảo tâm trên cả nước. Nhờ dự án này, hàng chục nghìn bữa ăn đã được triển khai, các em đã có cơm ăn, tỉ lệ bỏ học buổi chiều cũng được giảm đáng kể từ 80% xuống 5%.
Suốt 12 năm cống hiến sức trẻ cho đam mê tình nguyện, đến nay, chàng trai sinh năm 1990 Hoàng Hoa Trung đã làm nên những con số kỷ lục khi kết nối hàng nghìn nhà hảo tâm trên khắp cả nước và quyên góp số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng.
Trung “đồng nát” - biệt danh có 1-0-2 về người thủ lĩnh kiên trì, sáng tạo
Được bạn bè gọi đùa là Trung “đồng nát” bởi tư duy sáng tạo nhìn đâu cũng có thể ra tiền để phục vụ mục đích xã hội.
Trung chia sẻ: “Ví dụ như khi thấy những tấm bạt cũ, hỏng đã vứt đi, tôi nghĩ tại sao không xin nó, thu gom lại mang mang lên che chắn các điểm trường vùng cao.
Thậm chí là có lần tôi và các bạn đã vào khu ký túc xá gõ cửa để xin đồng nát ve chai. Số ve chai xin được ở mỗi ký túc xá tôi bán được 1 triệu đồng. Đi 10 ký túc xá là tôi có 10 triệu. Số tiền đó có thể mua được hơn 180 con gà và đc 4 con lợn tặng cho những gia đình có HIV ở trên Sóc Sơn”.
Với tính tỉ mỉ, kiên trì, cùng tư duy sáng tạo, Trung và các bạn đã dần góp những “viên gạch đầu tiên” cho sự thành công của các dự án thiện nguyện hôm nay.
Từ thiện không phải chỉ chăm chăm đi xin “ủng hộ”
Nếu có dịp trò chuyện sẽ dễ cảm nhận được đam mê và cái “tâm” Trung dành cho thiện nguyện. Đối với Trung, từ thiện không phải là đi xin ủng hộ. “Cá nhân tôi không bao giờ dùng từ “ủng hộ”. Khi tiếp xúc với ai, chỉ cần người ta nghe thấy từ “ủng hộ”, ngay lập tức sẽ nghĩ bị xin tiền. Tôi muốn thay vì bị động, đợi được mọi người ủng hộ, tôi sẽ đi gây quỹ và những người muốn được từ thiện sẽ tự tìm đến.” - Trung chia sẻ. Tư duy ấy cũng chính là mấu chốt giúp người thủ lĩnh ấy xây thực hiện được những dự án lan tỏa lớn như hiện nay.
Khi được hỏi về bí quyết để thành công, Trung khiêm tốn chia sẻ cách mà Trung đã thực hiện cho các dự án của mình: “Tôi luôn suy nghĩ làm sao cải tiến những cách làm có sẵn để có kết quả tốt hơn. Như dự án “Nuôi em” là cải tiến từ dự án “Cơm có thịt” nhưng có thêm hình ảnh, thông tin, mặt mũi, số điện thoại liên hệ của Trưởng bản để mọi người có thể gọi bất cứ lúc nào, thậm chí là lên thăm các cháu bé vùng cao. Thầy cô giáo cũng 1 tháng/lần cập nhật thông tin. Tất cả đều được báo cáo rõ ràng, minh bạch. Chỉ có vậy thôi nhưng tạo được lòng tin của mọi người và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, giúp cho dự án “Nuôi em” đạt được con số mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến - 12.000 nhà hảo tâm tham gia.”
Khi mục tiêu không còn là những con số
Nếu như khi bắt đầu, mục tiêu của Trung và các bạn là phải tính toán, suy nghĩ xem gây quỹ mất bao nhiêu lâu, thực hiện cần bao nhiêu kinh phí để xây dựng được 1 điểm trường, 2 điểm trường,... thì hiện tại, người thủ lĩnh của câu lạc bộ Tình nguyện niềm tin đang ấp ủ mục tiêu lớn hơn, không phải là mỗi năm sẽ phải xây bao nhiêu trường, mà xác định bao giờ mới có đủ tiền xây hết những điểm trường trên khắp Việt Nam. Đó chính là lý do mà mới đây, dự án “Sức mạnh 2.000đ” đã được ra đời.
“2.000đ đối với một người có thể không là gì cả, nhưng nếu mỗi chúng ta chỉ cần dành ra 2.000đ mỗi ngày để quyên góp sẽ có thể tích đủ số tiền triển khai dự án. Nếu như có 2 triệu người cùng tham gia dự án, số tiền góp được sẽ đủ giúp tất cả trẻ em Việt Nam có thể cắp sách tới trường.”
Toàn bộ số tiền quyên góp sẽ được hiển thị hoàn toàn trên trang web chính thức của dự án. Mọi người sẽ biết được nguồn tiền của mình sẽ về đâu, giúp đỡ hoàn cảnh nào, xây dựng điểm trường nào…. Tất cả đều công khai, minh bạch.
“Có những người “ném đá”, nói tôi dở hơi. Nhiều người khác lại không tin chúng tôi có thể làm mà không cầm 1 đồng nào trong đó. Tôi không để ý ai nói gì, quan trọng là mình như thế nào và có thể giúp đỡ người khác đến khi nào”. Trung chia sẻ./.
Từ khóa: Hoàng Hoa Trung, Trung đồng nát, thiện nguyện, tình nguyện, Nuôi em
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN