Từ sự việc thu bằng Tiến sỹ của ông Thích Chân Quang: Cần đảm bảo sự liêm chính trong cấp bằng
Cập nhật: 3 ngày trước
VOV.VN - Sau khi có thông tin về kết quả xác minh bằng bổ túc văn hóa cấp 3 của ông Vương Tấn Việt (tức Thượng tọa Thích Chân Quang) là bằng giả, từ Bộ Giáo dục và đào tạo, Trường Đại học Luật Hà Nội tiến hành thu hồi bằng tiến sĩ của ông này.
Các trường Đại học Hà Nội cũng thực hiện thu hồi bằng Cử nhân ngoại ngữ ngành tiếng Anh hệ đào tạo từ xa đã cấp cho ông Vương Tấn Việt; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng thực hiện xử lí tiếp theo. Theo ý kiến một số đại biểu Quốc hội phương án xử lý này là đúng đắn theo quy định của pháp luật, tuy nhiên cần có sự chấn chỉnh kịp thời để đảm bảo sự liêm chính trong giáo dục nhất là trong đào tạo, cấp bằng.
Trao đổi về việc này, theo đại biểu Phạm Văn Hòa đoàn Đồng Tháp học tập là nhu cầu chính đáng của công dân, tuy nhiên phải đảm bảo được việc học thật, bằng thật. Qua sự việc vừa rồi, vấn đề này càng phải được đặt ra.
“Mặc dù bằng thật nhưng là học giả, đấy là chuyện không chấp nhận được. Nâng cao trình độ để phục vụ cho quốc gia, dân tộc là cần thiết, tuy nhiên chất lượng của bằng đó, của học vị đó, học hàm đó phải đúng bản chất, đúng năng lực. Trong thời gian qua có những trường hợp bằng thật mà học giả, đấy là điều không chấp nhận được. Tới đây phải là bằng thật, học thật, học thật bằng thật là mới đúng” - đại biểu Phạm Văn Hòa nói.
Đại biểu Trần Thị Thu Phước, đoàn Kom Tum cho biết mọi người đều đánh giá cao người có trình độ nhưng đó phải là trình độ thực để phục vụ cho xã hội, cho đất nước. gian lận bằng cấp là việc cả xã hội đều lên án. Để tránh tình trạng này tái diễn, cần siết chặt việc cấp bằng, và cần sự vào cuộc trách nhiệm thường xuyên của các cơ quan chức năng.
“Cũng cần siết chặt việc này, từ đầu vào đầu ra các bằng cấp, chứng chỉ, đối với các cơ quan có chức năng, kiểm tra về đầu vào và việc cấp phép cho các trung tâm có chức năng cấp bằng, cấp chứng chỉ khác, tôi nghĩ nên siết chặt lại. Tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng, nhất là bộ Giáo dục, các bộ có liên quan phải có những biện pháp mạnh hơn, phải chuẩn, đại học, thạc sỹ, tiến sỹ trong thời gian tới” - Đại biểu Trần Thị Thu Phước nêu ý kiến.
Thông tin từ đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoàn Hải Dương cho biết hiện nay có tình trạng rao bán chứng chỉ, bằng cấp giả sôi động trên mạng xã hội, cho thấy nhu cầu mua bằng giả hiện hữu. Dù các cá nhân tự trang bị bằng cấp giả trong hồ sơ để thi tuyển, xét tuyển vào học tiếp một cấp học khác cao hơn, nhưng không phát hiện ra tình trạng này là trách nhiệm của cơ sở đào tạo chưa thực hiện nghiêm túc các quy định pháp luật đã có, nhất là việc rà soát, kiểm tra, đối chiếu hồ sơ.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng để không xảy ra tình trạng này cần quy trách nhiệm cụ thể và có chế tài xử lý: “Hành lang pháp lý của chúng ta đã khá đầy đủ, chỉ có điều khâu tổ chức thực hiện như thế nào để cho nghiêm túc. Trách nhiệm của các cơ sở đào tạo ở đây phải đề cập một cách thẳng thắn, các cơ sở đào tạo phải có trách nhiệm. Cái khâu kiểm tra và rà soát đối chiếu hồ sơ là khâu mà cơ sở đào tạo nào cũng phải làm. Điều quan trọng hơn cả không những chúng ta phanh phui ra những sai phạm mà phải có người chịu trách nhiệm về những sai phạm đấy. Phải có những chế tài cụ thể, chứ không phải là chúng ta chỉ phát hiện ra, lên án, tước bằng thế là xong”.
Trong giai đoạn hiện nay khi mà nhu cầu về lao động chất lượng cao ngày càng lớn trong tất cả các lĩnh vực từ thực hành sản xuất, cho tới nghiên cứu, giảng dạy, hơn lúc nào, việc đảm bảo tính liêm chính trong giáo dục càng phải được đề cao, để giáo dục thực sự cung cấp nguồn lực có chất lượng cho phát triển bền vững.
Từ khóa: Chân Quang, bằng tiến sỹ, ông Thích Chân Quang, liêm chính trong cấp bằng, bằng giả,giáo dục,bằng cấp
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: nguyên nhung/vov1
Nguồn tin: VOVVN