Từ nay đến cuối năm, lãi suất có thể tăng thêm 1%
Cập nhật: 24/10/2019
Phiên chứng khoán chiều qua: Thị trường tăng nhẹ, giao dịch quanh mốc 1230 điểm (26/11/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh y, dược vi phạm (26/11/2024)
VOV.VN - TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, theo xu hướng tăng lãi suất, từ nay đến cuối năm, cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay có thể tăng thêm khoảng 1%.
Trong những tháng cuối năm, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh mạnh lãi suất tiền gửi nhằm thu hút nguồn vốn nhàn rỗi từ người dân, nhất là tiền gửi trung và dài hạn để tăng nguồn lực, đáp ứng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp.
Cụ thể, từ ngày 4/10, ngân hàng SHB áp dụng mức lãi suất tăng ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất tối đa mà ngân hàng này áp dụng là 8,1% cho kỳ hạn 6 tháng, 8,2% kỳ hạn 9 tháng; 8,3% kỳ hạn 12 tháng và 8,4% cho kỳ hạn 13 tháng.
Từ nay đến cuối năm, lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 1%. (Ảnh minh họa: KT) |
Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) mới đây cũng thông báo mức lãi suất ưu đãi lên đến 8,9%/năm, áp dụng từ ngày 14 – 18/10 đối với khoản tiền gửi trên 100 triệu đồng. Với các kỳ hạn 6 tháng, 12 tháng và 15 tháng; lượng tiền gửi trên 100 triệu đồng, mức lãi suất tương ứng sẽ là 8,5%, 8,7% và 8,9%/năm.
Tại ngân hàng Nam A Bank, mức lãi vẫn là 8,5% cuối kỳ với các khoản tiền gửi có kỳ hạn 18 tháng và 24 tháng. Còn ngân hàng Eximbank áp dụng mức 8,4% với các khoản tiền lớn hơn 100 tỉ đồng…
Phân tích về xu hướng tăng lãi suất tiền gửi của các ngân hàng trong thời điểm những tháng cuối năm, chuyên gia tài chính-ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho hay, theo chu kỳ kinh doanh, cuối năm, các ngân hàng cho vay nhiều, bởi nhu cầu vay của các doanh nghiệp để sản xuất, tất toán vào dịp cuối năm là rất lớn. Vì nhu cầu vay tăng nên ngân hàng phải tăng cường huy động vốn. Cách huy động hiệu quả nhất từ nhiều năm nay của các ngân hàng là tăng lãi suất tiền gửi. Thành ra lãi suất cả đầu vào, đầu ra đều tăng vào cuối năm theo chu kỳ kinh doanh.
Một lý do nữa mà TS. Nguyễn Trí Hiếu nêu ra đó là các ngân hàng đang tăng lãi suất để huy động vốn vào, bởi theo lộ trình, tỷ lệ vốn ngắn hạn, cho vay trung và dài hạn sẽ “kéo” từ 40% xuống 35% trong thời gian sắp tới. Để đáp ứng nhu cầu, tỷ lệ dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống thấp như vậy thì các ngân hàng bắt buộc phải huy động vốn đầu vào.
Cũng theo ông Hiếu, Thông tư 41 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ có hiệu lực từ năm 2020, với tỷ lệ an toàn vốn và cách tính các tài sản có rủi ro một cách chặt chẽ hơn thì buộc các ngân hàng phải tăng vốn chủ sở hữu.
Có 2 cách tăng đó là tăng vốn cấp 1 và tăng vốn cấp 2 để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn 8% cho năm tới. Nhiều ngân hàng đã tăng vốn cấp 2 bằng cách phát hành chứng chỉ tiền gửi và những tiền gửi có thời hạn từ 5 năm trở lên nhằm đáp ứng một số quy định của NHNN thì được tính vào vốn cấp 2.
“Nguyên nhân chính khiến lãi suất đang trong xu hướng tăng vẫn là chu kỳ kinh tế bắt buộc các ngân hàng phải huy động vốn để cho vay ra, dẫn đến việc các ngân hàng phải tăng lãi suất tiền gửi để mà huy động vốn”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, từ nay đến cuối năm, theo xu hướng này, cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay có thể tăng khoảng 1%.
Cùng quan điểm, trong một báo cáo công bố mới đây, các chuyên gia của Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, những đợt tăng lãi suất huy động mang tính cục bộ và chủ yếu diễn ra ở các ngân hàng có quy mô vốn vừa và nhỏ vẫn có thể xảy ra trong thời gian tới.
Cụ thể, trong báo cáo chiến lược vĩ mô và thị trường 9 tháng năm 2019, phòng phân tích của BVSC ghi nhận, cuộc đua lãi suất huy động trong nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô vừa và nhỏ kể từ giữa tháng 8. Mức lãi suất cho các kỳ hạn dài đã được đẩy lên mức cao nhất 8,5 - 8,7%/năm. So với thời điểm đầu năm 2019, mặt bằng lãi suất huy động đã tăng khoảng 0,4%.
Theo đánh giá của đơn vị này, nhu cầu chuẩn bị vốn cho mùa kinh doanh cuối năm cũng như áp lực phải cơ cấu lại nguồn vốn nhằm đáp ứng các quy định về hệ số CAR theo Basel II và tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn là những nguyên nhân chính dẫn đến cuộc đua lãi suất trên. Báo cáo cũng không loại trừ khả năng sẽ vẫn có những đợt tăng lãi suất huy động mang tính cục bộ và chủ yếu diễn ra ở các ngân hàng có quy mô vốn vừa và nhỏ trước thềm năm 2020./.
Ngân hàng đua nhau tăng lãi suất tiền gửi
Từ khóa: tăng lãi suất, lãi suất tiền gửi, lãi suất cho vay, thông tư 41, Basel II
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN