Từ học trò dốt nhất lớp đến thầy giáo giỏi cõng chữ lên đỉnh Trường Sơn
Cập nhật: 06/12/2019
Bắt cựu nhân viên ngân hàng lừa đảo nhiều tỷ đồng
Bắt giữ các đối tượng tàng trữ, mua bán pháo nổ trái phép tại TP.HCM
VOV.VN - Đường dẫn vào trường phải băng qua 9 con suối lớn, 2 con suối nhỏ, qua hàng chục km đường đèo cheo leo, nhưng thầy Thiểu vẫn miệt mài còng chữ lên non.
14 năm nay, những người dân bản nơi vùng núi rừng Trường Sơn giáp biên giới Việt- Lào thuộc xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình đã quen với hình ảnh thầy giáo trẻ 8x Trương Bá Thiểu dáng người nhỏ nhắn miệt mài băng thác, vượt ghềnh đến từng nhà vận động học sinh đến lớp.
Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lâm Thủy nơi thầy Thiểu công tác nằm trên địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện Lệ Thủy. Trường có 3 khu vực lẻ đều cách xa điểm trường trung tâm hàng chục cây số.
Thầy Trương Bá Thiểu miệt mài với hành trình cõng chữ lên non hơn 10 năm nay. |
Theo người dân nơi đây, cũng đã có không ít giáo viên từng đến Lâm Thủy cắm bản, nhưng nhiều người vì không chịu nổi cái thách thức của núi rừng Trường Sơn mà phải xin về thị xã. Thế nhưng suốt 14 năm qua, kể từ khi từ tốt nghiệp đại học, thầy Trương Bá Thiểu vẫn miệt mài hàng ngày cõng con chữ lên non để những đứa trẻ nơi đây được biết đến cái chữ, đến thế giới nhiều màu sắc ngoài vách núi cheo leo.
Không những bám bản, mà thầy Trương Bá Thiếu còn thành công trong sự nghiệp trồng người khi nhiều năm liền là giáo viên giỏi, là tổ trưởng tổ chuyên môn Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lâm Thủy. Thầy Thiểu cũng là giáo viên duy nhất của tỉnh Quảng Nam được Sở GD-ĐT chọn vinh danh trong chương trình Chia sẻ cùng thầy cô năm 2019.
“Tôi từng là học sinh dốt của lớp”
Kể về hành trình đến với nghề giáo, thầy Trương Bá Thiểu tâm sự, sinh ra và lớn lên ở một làng quê nghèo thuộc mảnh đất miền Trung đầy nắng và gió cát. Gia đình đông con, lại nghèo, những ngày tuổi thơ, thầy Thiểu đã quen với cảnh cơm không đủ ăn, mỗi bữa mẹ đều phải nhịn ăn để nhường cơm, khi là khoai sắn cho con.
“Gia đình khó khăn lắm, nhưng vì là con út, nên tôi vẫn may mắn được bố mẹ, anh chị đùm bọc cho đi học. Nhưng khi còn nhỏ, tôi rất nghịch, lúc nào điểm số cũng đứng gần cuối lớp. Đến khi tôi học lớp 12, mẹ tôi bệnh nặng, tôi định xin nghỉ học để phụ giúp gia đình. Nhưng khi sức khỏe đã rất yếu, mẹ vẫn cầm tay tôi thều thào nhắn nhủ rằng bà muốn tôi được học hành đến nơi đến chốn. Lúc ấy tôi nhận ra rằng, dù có phải vật lộn với những cơn đau khủng khiếp, thì với mẹ tôi chính là niềm hy vọng lớn lao. Thế rồi, chẳng biết từ bao giờ, ngoài những buổi đi làm thuê, tôi lao vào học để thực hiện ước mơ trở thành thầy giáo ngay từ khi còn nhỏ. Vì trước đó rất lười học, nên khi ấy tôi đã phải học rất vất vả. Cuối cùng cánh cổng trường ĐH Quy Nhơn cũng rộng mở, đón tôi về với khoa Giáo dục tiểu học”, thầy Thiểu kể.
Tốt nghiệp ra trường, thầy Thiểu về Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Lâm Thủy. Trải qua 14 năm gieo chữ tại vùng biên giới Việt-Lào, cũng là từng ấy năm thầy đảm nhận công tác chủ nhiệm. Trong đó có đến 11 năm thầy xung phong công tác tại các điểm khu vực lẻ sát biên giới Việt –Lào.
Đường đến trường cheo leo là thế!
Đến với huyện vùng núi, con đường đến trường của thầy Thiểu và những học sinh là những chuyến “phượt” băng qua rừng rậm, vượt qua suối sâu. Thậm chí có những lúc nước lớn cuốn trôi cầu, thầy Thiểu phải hành quân bằng những chiếc bè tự chế.
Hết suối, lại đến những cung đường gập ghềnh dốc đá che leo, hết dường gập ghềnh lại đến trường đất lún sâu, trơn trượt.
“Nhiều lúc tôi cứ nghĩ đó có phải là đường không nhỉ. Dẫu đó đã từng có con đường đi ngang qua nhưng chỉ sau những trận mưa xối xả ở vùng sơn cước con đường ấy giờ còn lại thế này đây. Chưa kể mỗi lần đi dạy ở các điểm trường lẻ, có khi phải đi bộ đến 20km đường rừng, trèo đèo lội suối”, thầy Thiểu kể.
Đường đến trường gian nan là thế, nhưng với những giáo viên cắm bản như thầy Thiểu, điều khó khăn hơn nữa là vận động những đứa trẻ đến trường. Để dạy và có thể vận động các em đến trường, thầy Thiểu cho biết bản thân thầy và các đồng nghiệp phải tự học tiếng và làm quen với văn hóa của đồng bào Bru-Vân Kiều nơi đây. “Phải giao tiếp được với đồng bào, thông hiểu tập quán và sống hòa đồng với bản làng thông qua đó mới có thể vận động các em đến trường và dạy Tiếng Việt cho các em”.
Cắm bản ngay từ khi vừa mới tốt nghiệp đại học, mỗi khi đêm đến giữa đại ngàn Trường Sơn, bên những trang giáo án với ngọn đèn dầu leo lắt, nỗi nhớ nhà lại bủa vây thầy giáo trẻ, cồn cào, da diết. Nhưng có lẽ chính tình yêu trẻ, yêu nghề cùng tình cảm mộc mạc của bà con dân bản Bru- Vân Kiều đã giúp thầy Trương Bá Thiểu vượt qua tất cả.
“Những lúc nhớ nhà quá, tôi lại nghĩ đến hình ảnh các em học sinh. Những ngày đầu các em tập viết, em nào cũng cầm bút như cầm khúc gỗ. Các em khiến tôi nhớ lại tuổi thơ của chính mình và thương các em nhiều hơn. Qua những ngày được động viên học tập, các em đã bắt đầu biết làm những phép tính, viết chữ đẹp không kém gì các bạn dưới xuôi. Đó cũng là khi lòng tin của tôi được đền đáp. Tôi thực sự hạnh phúc”!, thầy Thiểu nói.
Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, giờ đây việc đi lại đã bớt vất vả, trường lớp được đầu tư khang trang hơn. Song bên cạnh niềm vui trước những đổi mới, thầy Thiểu luôn trăn trở, suy nghĩ về những khó khăn của trường lớp. Đó chính là làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy và học. Làm thế nào để khoảng cách của các em đến với kiến thức không còn quá xa so với đồng bằng. Những câu hỏi đó luôn thôi thúc người thầy ấy không ngừng cố gắng và nỗ lực nhiều hơn nữa./.
Giáo viên cắm bản và những thiệt thòi ít người biết
Hái hoa rừng tặng cô: Hạnh phúc của giáo viên cắm bản
Từ khóa: thầy giáo cắm bản, thầy giáo Nguyễn Bá Thiểu Quảng Nam, thầy giáo cõng chữ lên đỉnh trường sơn
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN