Từ "hiện tượng" Temu: Người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua sắm trực tuyến

Cập nhật: 25/10/2024

VOV.VN - Ngày 24/10, nền tảng thương mại điện tử Temu đã có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật thương mại điện tử Việt Nam khi gia nhập thị trường.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, cùng với sự phát triển nhanh và năng động của thương mại điện tử, Việt Nam trở thành điểm đến mới của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, trong đó có Temu.

Theo các chuyên gia thương mại điện tử, sự hiện diện của các sàn thương mại điện tử nước ngoài tại Việt Nam ngày càng rõ nét, các doanh nghiệp này không chỉ có lợi thế về giá rẻ mà còn sở hữu hạ tầng logistics mạnh mẽ, khả năng tiếp cận người tiêu dùng trực tiếp thông qua công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI) và mô hình bán hàng trực tuyến. Điểm nổi bật của Temu so với các sàn thương mại điện tử khác là giá sản phẩm rất rẻ. Hàng hóa đi thẳng từ các nhà sản xuất đến tay người tiêu dùng.

Trước cơn sốt hàng giá rẻ trên Temu, về mặt tích cực, người tiêu dùng Việt Nam có thêm một lựa chọn mua sắm giá rẻ, thuận tiện. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần cân nhắc, cẩn trọng khi mua hàng.

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng:"Chúng tôi thường xuyên khuyến cáo cho người tiêu dùng trên toàn quốc là hãy có một sự lựa chọn. Thứ nhất, lựa chọn sàn cho chuẩn, sàn được phép vào Việt Nam. Thứ hai nữa là hàng hóa dịch vụ rất đa dạng, cho nên mình cũng phải cân nhắc lựa chọn, thấy là phù hợp và tin tưởng thì lựa chọn. Còn nếu như thấy không tin tưởng, sự lựa chọn mình chứa đựng rủi ro, chúng tôi cho rằng hãy dừng lại.

Việc các sàn thương mại điện tử nước ngoài sẽ vào nhiều hơn, bởi vì thị trường Việt Nam trở nên rất là “hot” và rõ ràng là sức tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng tiêu dùng hàng ngày thì rất lớn. Chúng tôi cho rằng về mặt quản lý nhà nước thì cũng phải siết chặt để chúng ta cố gắng có môi trường trong sạch cho người tiêu dùng"

Liên quan đến công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành công điện tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.

Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ như Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, kiểm soát các hàng hoá, sản phẩm từ các nền tảng xuyên biên giới; Ủy ban Cạnh tranh quốc gia tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng, có những biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới; trong trường hợp phát sinh những vi phạm, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để có biện pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp.

Bộ Công Thương cũng đang xây dựng báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Từ khóa: Temu, temu,thương mai điện tử,bộ công thương

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: bá toàn/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan