Tự hào những “bóng hồng” Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình thế giới
Cập nhật: 26/10/2019
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai
Tổng kiểm kê tài sản công để khai thác hiệu quả các nguồn lực của đất nước
VOV.VN - Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương là nữ sĩ quan thứ 3 của Việt Nam đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Thêm 2 sĩ quan Việt Nam vừa nhận quyết định lên đường làm Quan sát viên quân sự tại Phái bộ Nam Sudan. Đó là Thượng tá Lê Ngọc Sơn, Phó trưởng phòng Tham mưu kế hoạch, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam và Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương, Trợ lý Phòng công tác địa bàn, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương là nữ sĩ quan thứ 3 của Việt Nam đi làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trao quyết định cho Thượng tá Lê Ngọc Sơn và Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương. |
Là nữ sĩ quan Gìn giữ hòa bình đầu tiên đảm nhận nhiệm vụ quan sát viên quân sự tại Phái bộ Nam Sudan, khác với vẻ dịu dàng bên ngoài, cách Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương nói về nhiệm vụ mình sẽ đảm nhiệm sắp tới khiến cánh phóng viên không khỏi ngạc nhiên.
“Trên cương vị là nữ sĩ quan quan sát viên quân sự đầu tiên của Việt Nam tại Phái bộ Nam Sudan, tôi nhận thức đây là một nhiệm vụ hoàn toàn khác và mới so với các nữ sĩ quan đã đi làm nhiệm vụ trước mình. Theo yêu cầu của nhiệm vụ này, tôi phải bám sát địa bàn, địa hình nơi Phái bộ đóng quân, trực tiếp thu thập thông tin cũng như phân tích, đánh giá tình hình để có báo cáo kịp thời, từ đó có những động thái tiếp theo của Phái bộ”, nữ Thiếu tá trả lời rành rọt.
Chuẩn bị cho nhiệm vụ đặc biệt và vô cùng mới mẻ này, Thiếu tá Phương chủ động liên lạc với các nữ sĩ quan của Việt Nam đã và đang làm nhiệm vụ, Trung tá Nguyễn Thị Hằng Nga đã hoàn thành nhiệm vụ và Trung tá Nguyễn Thị Liên đang làm nhiệm vụ tại CH Trung Phi, để học hỏi kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng chuẩn bị sẵn sàng tâm thế đi làm nhiệm vụ và hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với một quan sát viên quân sự đó là có thể phải ăn ngủ ngoài trời trong quá trình đi tuần tra. Đặc biệt, trong điều kiện khí hậu, tự nhiên vô cùng khắc nghiệt ở Nam Sudan, thách thức ấy với cánh nam giới còn phải dè chừng huống chi với phụ nữ.
Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương tự tin sẽ nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, thực hiện tốt nhiệm vụ. |
“Đây là một trong những thách thức rất lớn đối với nữ sĩ quan, đặc biệt với nữ sĩ quan của Việt Nam. Bởi thời gian qua, những trải nghiệm như thế hầu như rất hiếm. Tuy nhiên tôi đã xác định rất rõ nhiệm vụ của mình và có sự chuẩn bị tương đối chu đáo. Tôi tin chắc chắn mình sẽ nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh và thực hiện tốt nhiệm vụ”, nữ sĩ quan quả quyết.
Để có thể đảm nhận một nhiệm vụ “vinh dự, tự hào nhưng cũng đầy thử thách ấy” theo chia sẻ của Thiếu tá Minh Phương, thời gian qua, chị đã trải qua các khóa huấn luyện tiền triển khai vô cùng gắt gao cả ở trong và ngoài nước. Qua những khóa huấn luyện đó không chỉ giúp Phương nâng cao trình độ mọi mặt của bản thân, các kiến thức của lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ cũng như các quy định của tổ chức này, đặc biệt đã tích hợp cho bản thân nhiều kỹ năng quan trọng để có thể thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ trong thời gian tới bằng tinh thần trách nhiệm và truyền thống của bộ đội cụ Hồ cũng như phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam.
Được đào tạo ở một trường ngoài quân đội (trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên-PV), nhưng cái duyên binh nghiệp đối với nữ Thiếu tá 36 tuổi đã có từ rất lâu bởi cô được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống phục vụ trong quân đội là ông ngoại và bố mẹ đẻ. Khi đi lấy chồng thì bố chồng và hiện người chồng của Phương cũng đang là sĩ quan trong quân đội. Bản thân Phương cũng đã hoàn thành bậc đào tạo Thạc sĩ ở Học viện Khoa học quân sự, cùng với trình độ ngoại ngữ đạt 6.5 IELTS.
Khác với sự cứng rắn, bản lĩnh khi nói về công việc, khi được hỏi về những đứa con, về gia đình mà cô sẽ phải tạm xa trong 1 năm trời, khóe mắt cô bỗng rưng rưng. Cố không để giọt nước mắt trào ra, Phương chia sẻ: “Được sinh ra, trưởng thành trong gia đình có truyền thống binh nghiệp đã giúp tôi luyện cho mình một bản lĩnh tốt, luôn sẵn sàng tâm thế để đương đầu với những khó khăn, vất vả”.
Bản lĩnh ấy đã được Phương truyền lại cho các con. Tuy các con còn bé (bé trai 10 tuổi và bé gái hơn 2 tuổi) nhưng đã sớm được mẹ rèn cho tính tự lập. “Nếu nói không bận tâm, lo lắng là không đúng bởi chẳng có người mẹ nào có thể yên tâm xa những đứa con khi chúng đang ở độ tuổi rất cần tình cảm và sự chăm sóc của người mẹ. Nhưng tôi thực sự may mắn bởi có một chỗ dựa tinh thần vững chắc đó là đại gia đình ở sau lưng, đó là sự quan tâm của bố mẹ hai bên và đặc biệt là một người chồng cực kỳ hiểu vợ. Anh không dùng những lời lãng mạn, ủy mị mà động viên vợ bằng câu nói mạnh mẽ, rắn rỏi đúng phong cách nhà binh: “Hãy sinh ra để làm một việc gì đó có ích cho xã hội trước khi rời xa cuộc đời này”.
“Chia tay gia đình và các con khi phải xa nhà 1 năm, mình đã hứa với các con sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, mong 2 con ở nhà chăm ngoan, học giỏi, tiếp thêm động lực cho mẹ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”, Thiếu tá Phương xúc động nói.
Thượng tá Lê Ngọc Sơn và Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương nhận nhiệm vụ |
Trước Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Phương, đã có 2 nữ sĩ quan Việt Nam tham gia sứ mình gìn giữ hòa bình của LHQ. Đó làThiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga (SN 1981), Trợ lý Phòng Tham mưu - Kế hoạch thuộc Trung tâm Gìn giữ hòa bình (GGHB) Việt Nam. Cô đã hoàn thành nhiệm vụ của mình sau 1 năm công tác tại Nam Sudan, bắt đầu từ tháng 10/2017. Nhập ngũ từ năm 2004, cô gái Hà Nội Đỗ Thị Hằng Nga chính thức chuyển ngạch sĩ quan vào năm 2012. Tại Trung tâm GGHB Việt Nam, công việc chủ yếu của nữ sĩ quan Hằng Nga liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin.
Thiếu tá Đỗ Thị Hằng Nga đã hoàn thành nhiệm vụ của mình tại Nam Sudan |
Còn Trung tá Nguyễn Thị Liên là "bóng hồng" thứ hai của Việt Nam đảm nhận sứ mệnh gìn giữ hòa bình LHQ tại CH Trung Phi. Cô nhận nhiệm vụ cao cả này vào tháng 6/2019. So với Nam Sudan thì ở Cộng hòa Trung Phi lực lượng của Việt Nam và bệnh viện dã chiến tập trung nhiều hơn.
“Người dân ở đây thuần hơn và cũng tương đồng với phong tục và cách sống của người dân Việt Nam nên tôi rất mừng”, Trung tá Nguyễn Thị Liên chia sẻ.
Trung tá Nguyễn Thị Liên |
Theo Bộ Quốc phòng, đến thời điểm này, đã có 38 lượt cán bộ đi công tác tại các phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Sudan theo hình thức cá nhân. 63 cán bộ, nhân viên, y bác sĩ trong đội hình Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tại Nam Sudan.
Các sĩ quan Việt Nam đã và đang hoàn thành rất tốt nhiệm vụ, được Liên Hiệp Quốc đánh giá cao, tạo được hiệu ứng tốt trong quân đội và trong quần chúng nhân dân./
Bệnh viện Dã chiến Việt Nam tại Nam Sudan được đánh giá cao
Những chiến sĩ quân y “khổ luyện” để thực hiện nhiệm vụ quốc tế
Từ khóa: gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, Phái bộ Nam Sudan, sĩ quan Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam
Thể loại: Nội chính
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN