“Từ điển tiếng em” sao lại gọi là từ điển?

Cập nhật: 28/04/2021

[VOV2] - Vừa qua Nhà xuất bản Phụ nữ đã ấn hành cuốn “Từ điển tiếng em”. Nhiều nhà ngôn ngữ cho rằng dẫu chỉ để vui đùa cũng không nên lạm dụng cách đặt tên là "từ điển".

Nhận xét về cuốn “Từ điển tiếng em”, TS ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ cho rằng đây là một cuốn sách có nội dung giải thích các từ tiếng lóng bằng góc nhìn hài hước. Cách giải thích các từ trong cuốn sách  đó chỉ tập trung vào điểm nào đó trong cuộc sống, gắn với hoàn cảnh rất cụ thể của ai đó. Trên phương diện khoa học với một cuốn từ điển thì giải thích từ như vậy là hoàn toàn vô nghĩa.  Do vậy cuốn sách này chỉ mang tính chất hài hước, giải trí chứ không thể gọi là “từ điển”.

TS Đỗ Anh Vũ còn liên hệ cuốn sách này với những cuốn sách đã một thời từng là trào lưu của giới trẻ: “Cái sự hài hước vui đùa tếu táo của nó là hạt nhân chính như trong quyển Sát Thủ Đầu Mưng Mủ, Phê Như Con Tê, nó cũng mang cái sắc thái hài hước vui đùa là chính.”

Cũng về nội dung của cuốn “từ điển” này, nhà báo Nguyễn Hoài Nam cho rằng ngay tiêu đề đã làm hài hước hóa, giễu nhại. Cuốn sách khi lật từng trang, từng mục từ thấy tổng thể là sự hài hước hóa. Mục từ của nó quá ít để gọi là một cuốn từ điển theo nghĩa của từ điển học.

TS Đỗ Anh Vũ cho rằng việc đặt tên “Từ điển tiếng em” là không ổn. Bởi vì chữ từ điển phải mang yếu tố khoa học của thuật ngữ, phải chuẩn mực và khách quan, và cách giải thích từ phải được các nhà nghiên cứu xem xét kĩ lưỡng.

Theo TS Đỗ Anh Vũ việc xuất bản thành một cuốn từ điển đòi hỏi phải có sự thận trọng từ những cơ quan chức năng. Với cuốn sách này thì nên để chữ “từ điển” vào trong ngoặc kép, hàm ý rằng không nên hiểu nó như những cuốn từ điển khoa học thông dụng. Đây chỉ là một góc nhìn hài hước của một bộ phận người trẻ chứ không nên coi đó là một chuẩn mực hay là coi nó là cái đại diện cho toàn bộ giới trẻ người Việt.

Tuy nhiên cũng như các trào lưu ngôn ngữ khác, các từ ngữ này chỉ lưu hành trong một bộ phận giới trẻ với nhau và có thể mất đi theo thời gian. Ngôn ngữ vốn có đời sống riêng, khi không còn ai sử dụng thì những từ ngữ này sẽ tự mất đi.

Một vài từ và cách giải nghĩa trong “Từ điển tiếng em”:

Anh giàu: Mẫu câu tự giới thiệu ngắn gọn, súc tích nhưng dễ đi vào lòng người dành cho các bạn nam.

Uổng: Dành cho những người đẹp mà không có ai yêu.

Váy chống nắng: Là thứ được dùng với công dụng chống nắng thì ít, che cái chân ghẻ thì nhiều.

Từ khóa: từ điển tiếng em, hài hước, ngôn ngữ, giới trẻ

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập