Từ bê bối của các trường quốc tế: Lộ rõ sự lỏng lẻo trong quản lý
Cập nhật: 25/09/2019
Quảng Ninh: Trách nhiệm chính quyền ở đâu khi tội phạm "núp bóng" doanh nghiệp?
Phóng hỏa làm 11 người chết: Khi cái ác và sự vô cảm thách thức xã hội
VOV.VN - Nhiều trường tự gắn mác quốc tế để tăng học phí, đánh lừa phụ huynh, nhưng các cơ quan chức năng chỉ lên tiếng khi sự cố xảy ra?
Những ngày gần đây, dư luận không khỏi hoang mang trước sự việc cháu bé lớp 1 trường Gateway (Hà Nội) tử vong chỉ sau 2 buổi đến trường. Nguyên nhân chính xác về cái chết của cháu bé vẫn đang được cơ quan chức năng làm rõ. Khi sự việc này chưa lắng xuống, thì tại trường mầm non Maple Bear Westlake Point (24 Quảng Bá, Tây Hồ, Hà Nội) lại xảy ra sự việc cô giáo nhốt học sinh vào tủ quần áo để răn đe. Đáng buồn là những sự việc đau lòng xảy ra trong chính những ngôi trường được mang danh quốc tế với mức học phí hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Hiện nay, tại Hà Nội có hàng loạt các trường tự xưng là quốc tế, thế nhưng sau những sự cố trên, hàngloạt các trường đã âm thầm gỡ mác quốc tế trên biển tên trường.
Việc nhiều trường tự gắn mác quốc tế chỉ được đưa sau sự cố chết người tại trường Quốc tế Gateway. |
Qua những sự việc này, câu hỏi được đặt ra là “đắt có xắt ra miếng”, nếu chất lượng đúng như tên gọi “quốc tế”, liệu các trường có cần vội vã gỡ biển tên? Cơ quan chức năng về giáo dục đã quản lý ra sao, khi những ngôi trường này nằm ngay giữa thủ đô, nhưng việc "gắn mác" chỉ được vỡ lở khi xảy ra sự cố chết người tại một trường học?
Bình luận về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia Đổi mới GD-ĐT giai đoạn 2016-2021, cho rằng, nếu như phụ huynh chọn trường cho con chỉ trông vào quảng cáo của các trường thì không ổn. Để biết chất lượng đào tạo của các trường đến đâu, đặc biệt là các trường ngoài công lập thì cần dựa vào kết quả đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương. Như vậy, không ai khác, chính những cơ quan này cần làm tốt công tác đánh giá, thẩm định chất lượng của các trường đến đâu. Còn về vấn đề học phí của trường tư, sẽ được đưa ra dựa trên thỏa thuận giữa phụ huynh và học sinh. Ngay việc trường gắn mác quốc tế, nhưng chất lượng chưa phải quốc tế, thì chính phường và quận cần quản lý.
“Người dân không thể biết trường dạy thế nào. Do đó các nhà chuyên môn phải có kiểm tra và công khai đánh giá các trường để phụ huynh nắm được. Hiện nay công tác kiểm tra giám sát chất lượng các trường đang có sự thả lỏng”, TS Tùng Lâm nói.
Cũng theo thầy Lâm, các cơ quan quản lý giáo dục cần tăng cường sự giám sát, đánh giá minh bạch. Hiện nay vẫn có sự né tránh trong đánh giá, việc dựa vào tỷ lệ tốt nghiệp, học sinh khá giỏi hay các bằng khen giấy khen là chưa đủ. “Chúng ta đang đánh giá vì thành tích nhiều hơn, chưa có sự trung thực, mà trong giáo dục thì quan trọng là thẳng thắn và trung thực, đặt quyền lợi của học sinh lên trước. Chúng ta đang thả nổi quá lâu, đã đến lúc đưa các trường về đúng vị trí”.
Cùng nói về vấn đề các trường ngoài công lập tự ý gắn mác quốc tế, bà Ngô Thị Minh, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng các cơ quan quản lý Nhà nước cần có sự kiểm tra, điểm định chất lượng cũng như học phí của các trường ngoài công lập một cách chính xác.
Từ sự việc của một số trường xảy ra gần đây, bà Minh thẳng thắn thừa nhận đang có những lỗ hổng trong khâu quản lý Nhà nước của ngành giáo dục. “Các cơ quan quản lý cần thấy được trách nhiệm của mình chứ không phải chỉ nói đến lỗ hổng này, lỗ hổng kia. Trong pháp luật không có lỗ hổng, mà vấn đề đến từ những người thực thi pháp luật. Các cán bộ có thực hiện hết trách nhiệm của mình hay không? Tình trạng "sáng cắp ô đi, tối cắp về" cũng đã được nói đến rất nhiều lần. Chúng ta cần kiểm soát vấn đề cán bộ có thực sự tâm huyết với công việc hay không, hay cuối năm vẫn được bình xét danh hiệu nọ, danh hiệu kia? Việc đánh giá cán bộ đã thực sự chuẩn hay chưa”?
Ông Lê Như Tiến, nguyên Đại biểu quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, các trường có yếu tố nước ngoài hiện nay rất nhiều, nhưng không có mấy trường thực sự đạt chuẩn quốc tế. Nếu các trường không có chất lượng như mời chào, nhưng lại thu học phí cao chính là đang thương mại hóa giáo dục.
“Tôi vốn không dùng từ thương mại hóa với giáo dục, mà chính xác là các cơ sở giáo dục đào tạo phải cung cấp dịch vụ tương ứng với giá và giá trị sản phẩm cung cấp. Nếu như các vị lấy giá cao hơn giá trị thì sẽ không được xã hội thừa nhận. Ví dụ như 1 quyển sách có giá 10.000 đồng, nhưng được tô vẽ, quảng cáo để bán với giá 100.000 đồng, gấp 10 lần với giá trị thực của quyền sách thì xã hội sẽ không thừa nhận và bị lên án.
Nếu các trường bản chất chưa phải quốc tế, chưa đạt chuẩn quốc tế, nhưng lại gắn mác quốc tế, thì cơ quan quản lý nhà nước phải lên tiếng”.
“Tôi cho rằng sau những sự việc tại các trường quốc tế vừa qua, từ trường, đến cơ quan chủ quản của trường là các công ty, tập đoàn giáo dục hay các cơ quan quản lý nhà nước địa phương cũng cần có lời xin lỗi không chỉ với phụ huynh, học sinh, mà còn cần xin lỗi với toàn xã hội. Đó là thái độ nghiêm túc, cầu thị và đúng đắn”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh./.
Từ khóa: trường quốc tế, trường Gateway, trường Maple Bear Westlake Point, quản ký giáo dục, trường gắn mác quốc tế
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN